Ma… rắn!

Má nói, đừng tưởng là hổng có ma nghen, xứ mình rừng thiêng âm tịch, âm binh ngạ quỷ nhiều lắm. Chuyện xảy ra chừng năm 1949, rơi đúng thời kháng Pháp đang hồi cam go. Chỗ nào cũng vườn không nhà trống. Hôm đó, thầy Ba Hớn, gốc người Hoa, là người buôn bán, có máu mê làm ăn nên chuyện đánh phá giặc giã cũng hổng ngăn được chuyện đi tìm mối lái, sẵn tiện thu gom nợ.

Những nơi hoang sơ dễ gợi nên… tưởng tượng có sự bí ẩn

Cũng như thường lệ, thầy Hớn bơi xuồng một chập, bụng nghĩ chạng vạng sẽ tìm tới nhà người nào quen trú qua đêm. Nhưng mưa trái mùa đổ xuống thiệt to. Mặt kênh nước giăng mờ mịt nên thầy Hớn phải tấp xuồng vô một bụi cây để né. Mưa thì mau tối, tát nước một hồi thì thầy cũng không biết mình đang ở đâu. Vừa đói vừa lạnh nên thầy quyết lên bờ, sau khi cột chắc cái xuồng vào một bụi cây.

Thầy đi trong u u mê mê, rồi lòng mừng húm khi thấy xa xa có ánh lửa như ánh đèn, rồi như một ngôi nhà. Thầy vừa hú gọi vừa chạy tới. Đến khi đứng lại trước nhà, lòng mừng khấp khởi, thầy đánh tiếng:

- Có ai trong nhà không? Tôi là người lỡ đường, bị mắc mưa lớn quá, xin cho tôi vô ở qua đêm…

Không có tiếng đáp. Nhưng thấy cửa mở, thầy Hớn vừa run vừa bước vào. Hình như chân thầy vấp cái ngạch hay gì đó, thầy bổ nhào rồi mê đi...

Tỉnh lại, thầy thấy mình nằm trên cái giường cây, mình phủ mền ấm. Thầy chồm dậy nhìn cho rõ hơn, thì thấy mình đang ở trong căn phòng như xây bằng gạch, có tủ có kệ. Thầy cũng hơi ngạc nhiên: Kháng chiến tiêu thổ mà lại còn nhà to như thế này... Vừa lúc đó, có tiếng nói ngay sau lưng thầy: “A, anh tỉnh lại rồi”.

Thầy Hớn giật mình quay lại, một cô gái áo xanh, dáng nhỏ thó không biết từ đâu xuất hiện. Cô này nói tiếp: “Anh mệt thì nằm xuống nghỉ”.

Là con nhà lễ giáo, thầy Hớn vội vàng chắp tay: “Dạ, tôi đi mần ăn lỡ đường, xin cho một bữa tá túc. Có gì mạo phạm, mong gia chủ bỏ quá…”

Cô gái áo xanh có vẻ hài lòng, cô gật đầu và nói: “Chắc anh đói, để tôi cho anh ăn chút gì đó”.

Con rắn trông thật đáng sợ, đầy vẻ đe dọa…

Thầy Hớn lại nằm xuống, đầu óc vẫn còn lơ mơ. Sau đó thầy thấy bên giường có tới bóng ba cô gái. Hình như ngoài cô áo xanh còn có cô áo đen, cô áo vàng lấp lánh. Thầy được cho húp một chén cháo nóng. Thần trí tươi tỉnh trở lại.

Thầy ngồi dậy, thấy cô nào cũng trẻ, cũng đẹp và đầy vẻ thân thiện. Cô áo đen nhanh nhảu lên tiếng:

- Chúng tôi thấy anh nằm xỉu trên sàn. Thiệt tình là chị em chúng tôi sống ẩn cư, cũng chưa bao giờ tiếp khách đàn ông, nên có bất tiện gì mong anh thông cảm.

Sau đó, thầy Hớn cũng nói ngắn gọn về về thân thế, hoàn cảnh. Cả ba cô đều khuyên thầy nên ngủ lại, mai sáng hãy ra kiếm xuồng đi tiếp.

Đêm về khuya, ba cô gái không chút ngượng ngùng, nói: “Nhà có cái giường thì anh ngủ rồi. Còn phòng này thì ấm nhứt. Anh không ngại chúng tôi ở chung ?”.

Thầy Hớn nghĩ ngợi: Thời buổi chiến tranh loạn lạc, lại có ba cô gái ở nơi vắng vẻ này, xem ra điệu bộ không sợ ai nên thầy có phần sinh nghi.

Còn ba cô gái, sau một hồi trò chuyện gần xa, chuyển sang chiều nỉ non, lơi lả. Rồi ba cô áp sát thân thể mát lạnh vào thầy.

Thầy Hớn tìm cách né tránh. Một hồi sau, bỗng thầy rơi vào mơ màng…

Tiếng trống, tiếng mõ rền vang, ánh đuốc bập bùng. Có ai đó kéo xốc thầy lên, khi thầy Hớn tỉnh hẳn thì trời đã lãng đãng sáng. Thầy giật nẩy người khi thấy mình nằm bệt trên nền đất. Hơi xa xa là một lùm bụi đang cháy lửa phừng phừng.

Thầy vội níu một người, la lên: “Có ba cô gái ở trỏng đó!”

Mọi người quay lại nhìn thầy: “Hên quá, thầy tỉnh rồi ha? Cô gái nào đâu, ba con ma rắn đó, nó chuyên môn dụ người. Lửa to như vậy chắc chết queo hết rồi”.

Một ông lão cao niên ngồi xuống kế thầy Hớn, thủ thỉ: “Chỗ này là gò bụi hoang. Dân đi đồng kể là họ thường gặp ba cô gái uốn éo ẩn hiện, khi áo xanh khi áo đen khi áo vàng. Mà chuyện đó chỉ xảy ra khi về đêm, còn ban ngày thì chỉ thấy rắn. Nam thanh niên nào lủi vô đây qua đêm, tới sáng tự dưng mắc chứng điên khùng kêu la, bắt đi tìm mấy mỹ nhân đã ngủ với mình đêm trước. Tính tới nay cũng năm bảy đứa rồi. Còn chú em đây...”.

… đó là “rắn tinh” hóa thành cô gái ? 

Ông lão nghiêm giọng nhìn thầy Hớn:

- Tôi nghiệm, hình như mấy con ma rắn nó tha cho chú mày!

Thầy Hớn lưng toát mồ hôi lạnh, kể hết lại mọi chuyện. Người dân vây quanh thầy thảy đều ngợi khen:

- Hay a. Sống đạo đức như vậy mới toàn mạng. Số chú thiệt lớn. Không thì điên khùng như mấy thằng ham hố kia rồi.

Ông lão cao niên cất tiếng bằng giọng điềm tĩnh:

- Chuyện gì cũng có căn nguyên của nó. Hang rắn bị diệt rồi, tôi cũng không còn phải giấu nữa... Tôi làm chuyện này cũng vì con trai tôi.

Cùng tất cả ngồi xuống, thầy Bảy Rắn - tên của ông lão cao niên - hắng giọng:

“Ba năm trước, con trai tôi cũng lỡ đường nên nửa đêm ghé chỗ nhà hoang ngủ tạm. Đang ngon giấc thì phát hiện có hang rắn. Nghĩ mình là con thầy rắn lừng danh nên con tôi tự phụ, ngồi dậy lấy bao đem theo bên mình, gom hết những con rắn trong hang túm bắt được vào bao. Đang tính cột miệng bao lại thì phát hiện có con rắn đen cực lớn từ đáy hang bò lên. Con tôi reo mừng vì bắt được con hổ mang chúa. Nhưng nó không biết, nằm áp sát trên lưng con rắn chúa là một con rắn nhỏ chỉ bằng chiếc đũa, mình đầy hoa xanh biếc, dưới bụng có thêm con rắn vàng.

Thầy của tôi, một sư phụ trong nghề, từng dạy rằng: Khi nào bắt rắn mà gặp một con rắn chúa cõng con rắn con như vậy thì nên tránh mà bỏ đi. Nhưng con tôi chưa kịp nghe lời dạy đó. Nó bị ba con rắn quấn nhau cắn, nó ráng lết về tới nhà, kể cho tôi biết rồi lăn ra chết. Sau khi chôn cất con trai, tôi quyết đi tìm cho ra ba con rắn thành tinh kia…”.

Nghe lời kể từ thầy Bảy, thầy Hớn rùng mình. Chuyện gì xảy ra nếu như thầy không biết giữ mình, lả lơi với nữ sắc, chắc hẳn giờ đây thầy cũng là kẻ dở điên dở dại.

Năm đó, tôi là thằng thanh niên nhỏ dại. Khi nghe kể, tôi lấy làm thích thú và thầm phục má mình thiệt giỏi “chuyện lạ bốn phương”. Nhưng bây giờ, khi nhớ lại, tôi mới hiểu ra bà mẹ quê suốt đời lam lũ đã khéo léo mượn câu chuyện “ma rắn” nhằm khuyên con ra thành thị chớ ham mê trêu hoa ghẹo nguyệt. Cũng như thầy Hớn kia, nếu không biết giữ mình thì đã sa vào tay ba con ma rắn, rồi mờ mịt tương lai không chừng.

DUY MINH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm