Năm Tân Tỵ 981, vua Lê Đại Hành tổng tấn công đại phá quân Tống, thắng lợi hoàn toàn.
Năm Đinh Tỵ 1077, Thái úy Lý Thường Kiệt đọc bài thơ Nam quốc sơn hà như một bản tuyên ngôn độc lập đầu tiên của dân tộc, đánh tan cuộc xâm lược của giặc Tống bên bờ sông Như Nguyệt (sông Cầu, Bắc Ninh).
Năm Ất Tỵ 1425, nghĩa quân Lam Sơn đại thắng, giải phóng miền Trung, tạo thế chủ động trên khắp chiến trường, tiến tới đánh đuổi hoàn toàn giặc Minh khỏi nước Đại Việt.
Năm Tân Tỵ 1461, vua Lê ban hành chính sách khuyến nông có quy mô lớn nhất so với các triều đại trước đó.
Năm Ất Tỵ 1725, triều đình Lê - Trịnh cho tổng điều tra, quy hoạch, phân cấp lại ruộng đất và hệ thống thủy lợi; bàn bạc với nhà Thanh (Trung Quốc) đo đạc, ấn định lại đường biên giới Việt - Trung. Cuối năm, chúa Trịnh sai yết thị để nhân dân phản ánh việc làm tốt - xấu của quan chức địa phương.
Năm Quý Tỵ 1773, nghĩa binh Tây Sơn chiếm thành Quy Nhơn (Bình Định) rồi làm chủ cả dải đất từ Quảng Ngãi đến Bình Thuận, đánh bại chính quyền chúa Nguyễn. Tại miền Bắc, nhà bác học Lê Quý Đôn (ảnh) hoàn thành bộ sách khoa học toàn diện (dạng từ điển bách khoa) đầu tiên ở nước ta, mang tên Vân đài loại ngữ.
Năm Ất Tỵ 1785, quân Tây Sơn do Nguyễn Huệ chỉ huy đại thắng trận Rạch Gầm - Xoài Mút (Tiền Giang), diệt gần hết hai vạn quân Xiêm (Thái Lan) xâm lược (ảnh).
Năm Ất Tỵ 1905, chí sĩ ái quốc Phan Bội Châu (ảnh) phát động phong trào Đông du, đưa thanh niên Việt Nam sang Nhật học tập và hoạt động cứu nước.