Rắn trong tục ngữ & thành ngữ Việt Nam

Chém rắn đuổi hươu: Hành động hung ác mù quáng, tiêu diệt, làm hại cả kẻ xấu lẫn người tốt, không trừ ai.

Đánh rắn giữa khúc: Không đánh trúng vào chỗ hiểm, chỗ quan trọng, khiến đối phương có thể hồi phục; hành động nửa vời, không triệt để.

Con rắn không chân đo năm rừng bảy rú, con gà không vú nuôi chín mười con: Ca ngợi, khuyến khích sự nhẫn nại, chịu thương chịu khó.

Cõng rắn cắn gà nhà: Kẻ phản phúc, phản bội, vì quyền lợi riêng mà cấu kết với ngoại bang để làm hại gia đình, Tổ quốc, đồng bào.

Đầu rồng đuôi rắn: 1. Việc ban đầu thì hưng thịnh, sau thì suy yếu; 2. Chuyện lúc khởi đầu thì có vẻ to tát, đẹp đẽ nhưng kết thúc lại chẳng ra gì; 3. Sự cọc cạch, không tương xứng giữa những bộ phận có những phẩm chất quá khác biệt trong cùng một chỉnh thể.

Ếch lại đòi cắn cổ rắn: Chuyện ngược đời, kẻ yếu lại gây sự với kẻ mạnh.

Học chẳng biết chữ cua chữ còng, nói thì cứ như rồng như rắn: Kẻ đã dốt nát lại hay ba hoa.

Khẩu Phật tâm xà: Giả dối, tráo trở, miệng nói từ bi, nhân nghĩa nhưng trong lòng thì nham hiểm, độc địa.

Len lét như rắn mồng năm: Diện mạo, thái độ sợ sệt, không đàng hoàng (ngày 5 tháng 5 âm lịch là Tết Đoan ngọ, trong dịp này người ta có tục lệ diệt sâu bọ, rắn rết).

Mười hang ếch cũng gặp một hang rắn: Hay làm điều vụng trộm, sai trái ắt có ngày gặp nạn, gặp rủi.

Rắn đói lại chê nhái què: Sỉ diện hão, đài các rởm, đang thiếu, đang cần nhưng lại kén chọn, từ chối điều mà xưa nay vẫn thèm muốn.

Rắn đổ nọc cho lươn: Kẻ xấu nhập nhằng đổ vấy lỗi lầm, gán ghép trách nhiệm cho người lương thiện.

Rắn rết bò vào, cóc nhái nhảy ra: Tình thế không thể chung sống với nhau được, kẻ mạnh dữ di chuyển đến đâu thì kẻ yếu đuối phải rời ngay đi nơi khác.

Vẽ rắn thêm chân: 1. Vẽ vời, làm những việc rắc rối, gây thêm phiền toái, bất lợi; 2. Bịa đặt, thêu dệt, dựng chuyện để vu vạ.

PHONG HÓA

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm