Trụ trì ngôi chùa từ năm 2008 đến nay là sư Châu Kim Sa, còn rất trẻ. Không chỉ cai quản chùa chiền, sư Châu Kim Sa còn ra tay giúp người bị rắn cắn: Trong hơn bốn năm, sư trẻ này đã cứu sống 97 trường hợp bị rắn độc cắn từ các nơi đổ đến.
Cháu Trần Tấn Kiệt, nạn nhân bị rắn cắn được trị khỏi, chụp ảnh với sư Châu Kim Sa.
Hôm chúng tôi đến, rất may mắn được chứng kiến trường hợp thứ 98 được chữa khỏi. Nạn nhân là cháu Trần Tấn Kiệt, chín tuổi, ngụ xã Núi Tô, huyện Tri Tôn, An Giang. Chị Trần Thị Mỹ Nương, mẹ cháu Kiệt, xúc động kể lại: “Con tôi bị rắn độc cắn khi đang đi trên đường. Chỉ ít phút sau đó cháu bị hôn mê, khó thở, tim đập nhanh. Tôi đưa cháu đến chùa với hy vọng sống rất mong manh. May nhờ sư Sa cứu kịp, hiện nay cháu đã đi lại bình thường”.
Thấy chúng tôi chú ý đến các bài báo, giấy khen của chính quyền sở tại treo trịnh trọng trên vách chùa, sư Châu Kim Sa mỉm cười rồi nói: “Mình làm phước cứu người, hoàn toàn miễn phí, vậy là vui rồi. Tại mấy ông địa phương và người bệnh muốn mình treo lên để thông tin cho nhiều người cùng biết, vậy thôi…”.
Sư hướng dẫn chúng tôi tham quan vườn thuốc mà mọi người đồn với nhau là “vườn kỳ bí”. Sư Châu Kim Sa nói rành rọt: “Nguyên liệu để làm bài thuốc gia truyền gồm phèn xanh, thuốc xỉa, củ môn rừng, trái trúc, rượu trắng, lá thuốc rắn được pha trộn theo một công thức định sẵn. Bả thuốc vắt khô lấy nước cho bệnh nhân uống, còn xác thuốc đắp vào chỗ rắn cắn liên tục nhiều lần trong ngày. Nạn nhân phải ngủ lại chùa để sư theo dõi sức khỏe và điều chỉnh lượng thuốc”.
Chúng tôi ngạc nhiên. Vậy đâu là sự kỳ bí theo lời đồn đại? Im lặng một lúc, sư Sa cất tiếng giải thích: “Không dễ dàng trở thành truyền nhân để được chỉ dẫn tỉ mỉ cách chế biến và sử dụng bài thuốc gia truyền đâu! Phải là người có căn duyên mới được…”. Sau đó, khi chúng tôi gặp sư Châu Sóc Kol (anh ruột của sư Sa) cũng tại chùa, sư Kol cũng biểu vậy.
Vùng núi Cấm, núi Cô Tô trong dãy Thất Sơn hiểm trở, nơi chốn thâm sơn có rất nhiều loài rắn độc, nhiều nhất là các loại rắn lục, rắn hổ mây, hổ ngựa, hổ mang, hổ đất… Không ít cư dân địa phương chui vào trong rừng sâu bị rắn cắn chết tức tưởi. Theo lời kể của hai anh em nhà sư họ Châu thì cách đây nhiều thập niên về trước, nhà sư Châu Sôm cảm thấy đau lòng trước tình cảnh người dân bị đột tử như vậy, ông quyết định đi tìm thầy học các bài thuốc chữa rắn. Cuối cùng ông gặp được một thầy lang tận tình truyền dạy. Sau đó ông đã cứu sống hàng trăm bệnh nhân thoát chết vì nọc của rắn độc. Ông mất vào năm 2004 sau khi truyền nghề cho người cháu ngoại là Châu Sóc Kol. Bản thân sư Kol đã cứu sống trên 100 trường hợp “thập tử nhất sinh”. Đến năm 2008, công việc chữa bệnh được giao lại cho sư Châu Kim Sa.
Một người dân gặp chúng tôi, nói úp mở: “Sư dùng một loại ngải gọi là Prô-ti-puốc, loại rắn nào cũng kỵ hết”. Nói nào ngay, giả sử chúng tôi có tò mò về những “bí ẩn” trong việc chữa rắn cắn thì cũng… đành chịu thôi. Điều quan trọng hơn hết là chúng tôi đã được dịp gặp gỡ những con người giàu lòng nhân ái, đó là sư Châu Kim Sa và sư Châu Sóc Kol. Họ đã giúp giành lại biết bao mạng sống con người giữa lằn ranh sinh-tử.
TÔ PHỤC HƯNG