Theo báo cáo nói trên, trong năm ngoái, số hộ triệu phú của thế giới tăng 19%, đạt 16,3 triệu hộ. Trên phạm vi toàn cầu, số hộ triệu phú chiếm 1,1% tổng số hộ.
Mỹ vẫn là quốc gia sản sinh nhiều hộ triệu phú nhất thế giới, và tiếp tục dẫn đầu về tổng số hộ triệu phú. Năm 2013, số hộ triệu phú ở nước này tăng 1,1%, đạt 7,135 triệu hộ.
Trong khi đó, số hộ triệu phú tại Trung Quốc tăng lên 2,4 triệu hộ trong năm ngoái, từ mức 1,5 triệu hộ trong năm 2012.
Trái ngược với xu thế ở Mỹ và Trung Quốc, số hộ triệu phú ở Nhật Bản giảm 300.000 hộ, còn 1,2 triệu hộ. Nguyên nhân chính dẫn tới sự sa sút này là đồng Yên giảm giá so với đồng USD, khiến giá trị tài sản ròng của các hộ gia đình Nhật giảm xuống khi được quy đổi từ Yên sang USD.
Dẫn đầu thế giới về mật độ hộ triệu phú là quốc gia vùng Vịnh Qatar. Ở nước này, cứ 1.000 hộ gia đình thì có 175 hộ là hộ triệu phú. Thụy Sỹ xếp thứ nhì về phương diện này, với 127 hộ triệu phú/1.000 hộ. Singapore xếp thứ ba, với 100 hộ triệu phú trên 1.000 hộ dân.
Mỹ là quốc gia đứng ở vị trí số 1 thế giới về số hộ gia đình có giá trị tài sản ròng từ 100 triệu USD trở lại. Có tổng số 4.754 hộ gia đình ở Mỹ đáp ứng được tiêu chí này.
Tuy vậy, vùng lãnh thổ Hồng Kông mới chiếm vị trí đầu bảng về mật độ hộ gia đình “trăm triệu đô”. Cứ 1.000 hộ dân ở Hồng Kông thì có 16,8 hộ đạt mức tài sản như vậy.
Báo cáo của Boston Consulting Group cho thấy, trong năm 2013, tài sản tài chính toàn cầu tăng 14,6%, đạt 152 nghìn tỷ USD. Mức tăng này cao gần gấp 2 lần mức tăng đạt được trong năm 2012. Theo dự báo, tài sản tài chính toàn cầu sẽ tăng ít nhất 5% mỗi năm trong vòng 5 năm tới, đạt mức 198 nghìn tỷ USD.
Theo Boston Consulting Group, hộ triệu phú là hộ gia đình có giá trị tài sản có thể đầu tư, gồm tiền mặt, tiền gửi và chứng khoán, đạt ít nhất từ 1 triệu USD. Khối tài sản này không bao gồm những hạng mục có độ thanh khoản kém hơn như bất động sản, quyền sở hữu công ty, các bộ sưu tập, đồ hiệu…
Tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương không bao gồm Nhật Bản, tài sản tài chính của các hộ gia đình tăng 31% trong năm 2013, tương đương tăng hơn 8 nghìn tỷ USD. Tại khu vực Bắc Mỹ, khối tài sản tương tự tăng 16%, tương đương tăng 7 nghìn tỷ USD. Tại Tây Âu, mức tăng đạt 5,2%, tương đương tăng 5 nghìn tỷ USD.
Cũng theo báo cáo của Boston Consulting Group, chứng khoán là nguồn lực tăng trưởng lớn nhất của tài sản toàn cầu trong năm 2013, với tài sản là chứng khoán đạt mức tăng 28%.
(CNBC/VNN)