Chúng ta đang làm giàu từ “đào” và “chặt”

“Danh sách người giàu ở Việt Nam ngày càng dài thêm nhưng hầu hết người giàu lên đều từ tài nguyên thiên nhiên. Có đại gia giàu từ rừng, có đại gia giàu từ đất, có đại gia giàu từ khoáng sản và gần đây có một số ít đại gia giàu từ thị trường tài chính. Nói tài nguyên thiên nhiên là tài sản quốc gia, là sở hữu toàn dân nhưng trên thực tế, tài nguyên khoáng sản đang rơi vào tay tư nhân chứ không phải Nhà nước. Vì vậy mà tài nguyên đang bị tận diệt rất nhiều”. GS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT, bắt đầu câu chuyện tại hội thảo thúc đẩy minh bạch trong quản trị tài nguyên thiên nhiên ở Việt Nam do Liên minh Khoáng sản tổ chức vào sáng 15-7.

Xuất thô, xuất lậu tràn lan

Theo PGS-TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, đến nay Việt Nam vẫn chưa thoát khỏi phương thức tồn tại dựa chủ yếu vào khai thác tự nhiên. Đây là giai đoạn zero trong các giai đoạn tiến lên công nghiệp hóa. “Trong hơn 20 năm qua, các thành phần kinh tế, mọi ngành, mọi nhà đều ra sức “đào” và “chặt”, ra sức xuất khẩu tài nguyên, bán cho nước ngoài tất cả nguồn tài nguyên thiên nhiên quốc gia có thể. Và  trong thời gian qua, nỗ lực tận khai đó vẫn còn duy trì sự đóng góp mạnh mẽ vào thành tích tăng trưởng kinh tế. Đến bây giờ năng lực đó hầu như đã đạt mức tối đa, nhiều loại tài nguyên gần như cạn kiệt, môi trường đã bị suy thoái nghiêm trọng” - ông Thiên chua chát nói.

Trong khi các dự án khai thác khoáng sản ngày càng gia tăng thì số lượng dự án chế biến sâu khoáng sản còn quá ít. Trong ảnh: Khai thác quặng thiếc tại vùng cao Cao Bằng. Ảnh: HTD

Trong khi các dự án khai thác khoáng sản ngày càng gia tăng thì số lượng dự án chế biến sâu khoáng sản còn quá ít, nếu có thì cũng chỉ là những dự án công nghệ đơn giản, không có giá trị về mặt kinh tế. “Mặc dù Nhà nước đã chỉ thị không xuất khẩu khoáng sản thô và quặng tinh đối với một số loại khoáng sản nhưng trong thực tế vẫn còn tình trạng xuất khẩu khoáng sản ở dạng nguyên liệu thô, quặng tinh, mua bán, vận chuyển quặng trái phép và xuất khẩu quặng thô” - ông Thiên bày tỏ.

TS Lê Đăng Doanh, chuyên gia kinh tế, cho hay theo báo cáo của Trung Quốc thì xuất khẩu của ta sang nước láng giềng này nhiều hơn con số thống kê chính thức những gần 4 tỉ USD, một con số không phải nhỏ. Đây chính là số hàng hóa xuất lậu qua nước ngoài, trong đó có tài nguyên khoáng sản. “Chỉ cần một buổi chiều ngồi ở Quảng Ninh, ai cũng sẽ tận mắt chứng kiến hình ảnh xà lan xếp hàng dài để xuất lậu sang Trung Quốc. Như thế này thì xuất công khai chứ lậu gì nữa!” - ông Doanh nói.

50% giấy phép địa phương cấp sai luật

“Sở dĩ có tình trạng này là một phần công nghệ của chúng ta lạc hậu, mặt khác do bị áp lực bởi các chỉ tiêu về ngân sách nên một số tỉnh, thành cho phép xuất khoáng sản thô. Vì vậy mới có tình trạng hỗn loạn trong hoạt động khai thác và xuất khẩu tài nguyên thô như nhiều lĩnh vực khác mà Nhà nước cũng không kiểm soát được tình hình” - ông Thiên phân tích.

Nói về áp lực tài chính, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho biết theo quy định hiện nay, 70% thuế tài nguyên được nộp cho địa phương, 30% nộp cho trung ương song việc sử dụng các khoản thu chi này như thế nào thì lại thiếu minh bạch. Thêm vào đó là tình trạng cấp phép khai thác tài nguyên khoáng sản tràn lan, trong đó 50% giấy phép do địa phương cấp là vi phạm pháp luật.

“Chính điều này đã dẫn đến tình trạng tham nhũng, gây ô nhiễm môi trường, xuất khoáng sản lậu vẫn còn rất nghiêm trọng và tình trạng chênh lệch giàu nghèo tăng lên ở các địa phương có khai thác khoáng sản. Đây cũng chính là nguyên do mà khảo sát của CODE (Viện Tư vấn phát triển) xếp Việt Nam đứng thứ 43/58 nền kinh tế về chỉ số quản trị tài nguyên khoáng sản” - ông Doanh nói.

Theo TS Trần Đình Thiên, với cách quản lý tài nguyên như hiện nay sẽ tạo ra lợi ích nhóm, duy trì cấu trúc quyền lực xin-cho. Bởi lẽ tài nguyên thiên nhiên là tài sản của quốc gia, ai muốn đụng vào đều phải xin phép. Nếu cứ phát triển dựa vào tài nguyên như hiện nay thì mô hình tăng trưởng có quá nhiều rủi ro. “Vì một khi nguồn tài nguyên cạn kiệt thì nguồn lực tương lai cũng không còn” - ông Thiên cảnh báo.

THU HẰNG

Việt Nam cần tham gia sáng kiến minh bạch trong khai thác khoáng sản

Theo TS Lê Đăng Doanh, Việt Nam cần tham gia vào sáng kiến minh bạch trong khai thác khoáng sản (EITI). Đây là một sáng kiến được Liên Hiệp Quốc công nhận nhằm thúc đẩy minh bạch nguồn thu và bảo vệ môi trường trong khai thác tài nguyên khoáng sản, góp phần chống tham nhũng, bảo vệ môi trường. Theo đó, Chính phủ sẽ công khai các khoản doanh nghiệp nộp cho Chính phủ, còn doanh nghiệp công khai các khoản đóng góp của mình cho Chính phủ và EITI - Liên minh Khoáng sản sẽ là bên thứ ba thực hiện giám sát việc này.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới