Bấy lâu nay, nhất là tại các vùng thôn quê thì người phụ nữ thường được ví như cái “hom” còn người đàn ông là cái “giỏ”, nghĩa là cái hom làm nhiệm vụ canh giữ không cho cua cá thoát ra ngoài được. Thế nhưng, bà Bắc từ hồi còn trẻ đã có máu cờ bạc, không có tính căn cơ, hay hoang phí nên khi bị phát hiện, bà mẹ chồng đáo để của bà đã ngay lập tức bắt con trai phải là người nắm giữ tài chính để quản lý gia đình.
Thực ra, cưới nhau về nhà chồng được dăm năm bà mới “mất” cái quyền ấy, còn lúc đầu bà vẫn là người nắm giữ chìa khóa két sắt. Trong khoảng dăm năm được quyền quản lý tài chính gia đình đó, bà đã “đốt” bao nhiêu tiền của vào mấy trò lô đề, cờ bạc, mà thời điểm đó số tiền ấy phải mua được mấy suất đất ở.
Mẹ chồng bà tính xui con trai ruồng bỏ bà. Nhưng may mà bà gặp phải đức ông chồng hiền, tốt tính, nhất quyết không bỏ, chứ không thì có lẽ bà đã ra đứng đường từ hồi còn trẻ. Ý của chồng bà là muốn giáo dục để bà sửa chữa bớt cái tính hoang đàng, cái máu cờ bạc...
Thế nhưng bà vẫn chứng nào tật ấy. Ngày sinh đứa con trai út, dù không còn được nằm quyền chi tiêu trong nhà vậy mà bà vẫn giấu chồng đánh đề, lô và nợ mất mấy chục triệu bạc.
bà mẹ chồng đã ngay lập tức bắt con trai phải là người nắm giữ tài chính để quản lý gia đình.
Gia cảnh đã kiệt quệ nhưng chồng bà vẫn cố đi vay mượn anh em để lo trả nợ cho bà. Sau đợt mất thêm số tiền lớn đó, chồng bà thẳng thừng tuyên bố: “Nếu bà mà tái phạm thêm một lần cờ bạc nữa thì dù một con hay 4 con rồi tôi vẫn bỏ! Tôi không dọa đâu, tôi đã quá chán một người vợ suốt ngày mê mẩn cờ bạc, không chịu lo làm ăn vun vén gia đình...”.
Sau lần đó, bà Bắc có vẻ sợ, nhưng đường như cờ bạc đã ngấm vào máu rồi nên không chơi to thì bà dấm dúi chơi nhỏ. Bà như một đứa trẻ luôn nói dối chồng về các khoản thu chi hàng ngày để có dôi ra chút ít.
Thường mỗi lần đi chợ mua sắm đồ dùng, mua thức ăn, chồng chỉ đưa cho bà số tiền vừa đủ. Nhưng lần nào bà cũng nài nỉ xin thêm vì cái này giá tăng, hàng nọ không còn rẻ như trước... để chồng đưa thêm tiền. Chuyện cãi vã nhau về tiền bạc của hai vợ chồng bà xảy ra như cơm bữa.
Mấy năm nay, do ở gần một khu công nghiệp lớn, công nhân nhiều nên nhà bà cũng xây được hơn chục phòng trọ cho thuê, với mức thu nhập hàng tháng lên tới mười mấy triệu bạc. Tiền thu hàng tháng bà không bao giờ được cầm dù chỉ một ngàn. Chồng bà đã dặn công nhân thuê nhà không được đưa tiền cho bà nếu ông không có nhà.
Có một bữa, chồng đi ăn cỗ, người công nhân mới tới thuê trọ tháng đầu tiên không biết đã đưa hết số tiền thuê nhà tháng đó cho bà. Cầm số tiền bà ỉm đi, chồng về hỏi tới, bà nói tiêu hết rồi. Thế là hai ông bà cãi nhau ầm lên. Bà bảo:
- Già cả sắp chết cả lũ rồi, ông không để cho tôi có chút quyền hành gì trong cái nhà này sao? Tôi sống chẳng khác gì ô sin của nhà ông, ông có biết không! Đi đâu, mua bán gì cũng phải ngửa tay xin một đồng như con xin bố, mẹ...
- Thế ai làm bà phải như vậy! Bà hãy nhìn lại mình đi, nếu không có tôi quản lý, thu vén thì cái gia đình này liệu có được như ngày hôm nay không- ông chồng rít lên.
Lúc này, bà mẹ chồng đáo để của bà đã gần 80 tuổi, nhưng vẫn còn minh mẫn từ trong buồng chống gậy đi ra sân chửi:
- Con kia, mày là đồ ăn tàn phá hại. Mày về nhà tao có làm được cái gì nào? Hay chỉ phá gia chi tử thôi. Con trai tao ngu chứ cỡ như người khác thì mày phải cút xéo từ lâu rồi...
Chửi một thôi một hồi, rồi bà cũng thôi. May mà bà Bắc không đáp lại lời bà cụ chứ không thì bà cụ còn chửi cả tiếng đồng hồ không dứt. Mà dù mẹ chồng có ghê gớm, có chửi rủa lắm lời thật đấy nhưng đối với bà Bắc cũng đoảng đời thật, đâu có oan khi ai đời đàn bà mà lại có máu cờ bạc, không chịu lo toan cho con cái gia đình.
May mà còn có ông chồng, chứ không thì cái gia đình này tan nát từ lâu rồi. Nhiều người hàng xóm vẫn tắc lưỡi bình phẩm về gia đình nhà bà: Đúng là thế gian được vợ hỏng chồng, cái gia đình nhà này thì được chồng nhưng bà vợ thì hỏng...