Từ tối 30-10, dòng trạng thái kèm ảnh chụp hình xăm dòng “tin nhắn cuối cùng của mẹ” của nữ thợ xăm ở Đà Nẵng đã nhận được hàng ngàn lượt chia sẻ và bình luận.
Chủ nhân của dòng trạng thái thu hút dư luận là một nữ thợ xăm đang làm việc tại TP Đà Nẵng.
Câu chuyện phía sau hình xăm "tin nhắn cuối cùng của mẹ" gây sốt cộng đồng mạng. Ảnh: NVCC
Hình xăm “tin nhắn cuối cùng của mẹ”
Cụ thể, nội dung dòng trạng thái của nữ thợ xăm nhắc đến tình huống người này nhận được đề nghị xăm “tin nhắn cuối cùng của mẹ” từ một vị khách trẻ tuổi.
Trên trang Facebook cá nhân, nữ thợ xăm chia sẻ: “Hôm nay mình có nhiều cảm xúc lẫn lộn quá! Cô bé bảo xăm cho em dòng tin nhắn cuối mẹ gửi cho em. Nghe tới đây mình khựng lại một lúc... Mình hỏi thăm thì biết mẹ cô bé đã mất được cách đây 2 tuần. Vừa xăm tay mình vừa run, vội vàng nghĩ tới mẹ của mình, có chút gì đó nghẹn ở cổ”.
Đặc biệt, khi biết câu chuyện cảm động phía sau hình xăm, chủ tiệm xăm quyết định xăm miễn phí cho cô gái hiếu thảo.
Người thực hiện miễn phí hình xăm này là chị Nguyễn Thị Kiều My, chủ tiệm xăm Mít Tattoo ở TP Đà Nẵng.
Trao đổi với PLO, chị My cho biết: “Thực ra, tôi không dám hỏi khách hàng nhiều về chuyện gia đình riêng. Thế nhưng, tôi có nguyên tắc là trước khi xăm hình sẽ hỏi câu chuyện xung quanh hình xăm mà khách muốn thực hiện. Khi thấu cảm được câu chuyện, tôi sẽ thổi hồn cho hình xăm giàu cảm xúc”.
Cô gái trẻ yêu cầu thợ xăm thực hiện hình xăm "phỏng vấn đậu hay ko bé". Ảnh: NVCC
Hôm đó (30-10), chị My đón một cô gái trẻ vào tiệm. Cô gái trông có vẻ buồn. Cô gái đưa cho chị My xem tin nhắn trong điện thoại và yêu cầu xăm dòng chữ “phỏng vấn đậu hay ko bé”.
“Bạn ấy nói đó là dòng tin nhắn cuối cùng của mẹ. Mẹ của bạn đã qua đời cách đây hai tuần. Tôi có cố hỏi thêm lý do mẹ bạn ấy mất thì giọng bạn nghẹn đi “mẹ em mất do bị bệnh”. Sau câu trả lời, bạn ấy quay mặt, cố nén nước mắt. Tôi cũng không hỏi thêm, chỉ khuyên em ngồi suy nghĩ thật kỹ về quyết định xăm chữ lên tay” – chị My chia sẻ.
Bình thường, chị My chỉ mất khoảng 15 phút để hoàn thiện một hình xăm. Thế nhưng, với hình xăm tin nhắn cuối cùng của mẹ, cứ sau mỗi một chữ, chị My lại nghỉ tay, hít một hơi thật sâu, xua đi cảm giác nghẹn ở cổ.
Chị My nói hơn một năm rưỡi làm nghề, chưa bao giờ cảm thấy run đến vậy. Chị đã phải mất 45 phút để hoàn tất hình xăm cho vị khách đặc biệt.
Khi xăm hình dòng tin nhắn cho khách, chị My nhiều lần dừng lại để hít thật sâu, nén sự xúc động. Ảnh: NVCC
Ngoài dòng tin nhắn cuối cùng của mẹ, cô gái trẻ còn yêu cầu chị My xăm ảnh gia đình lên cánh tay.
Nhìn ảnh gia đình năm người cười tươi của vị khách, nữ thợ xăm thêm phần xúc động. Suốt quá trình thực hiện, My quan sát thấy khách cố nén nước mắt nhiều lần. Sợ khách đau, chị My hỏi thăm thì cô gái bảo không đau.
Sau khi hoàn thiện hai hình xăm, cô gái hỏi tiền công thì chị My nói: “Chị không lấy tiền. Em cố gắng lên nhé!”.
Chị My thường xuyên không lấy phí khi hình xăm có liên quan đến sự ra đi của một người nào đó. Trước đây, chị cũng từng thực hiện hình xăm gia đình cho một số khách hàng có người thân qua đời.
Vị khách 24 tuổi tên TĐ, nhờ chị My xăm bức ảnh duy nhất với bà nội sau khi bà qua đời trong năm nay. Ảnh: NVCC
Nhiều người chọn xăm hình gia đình sau dịch COVID-19
Theo chị My, thời gian gần đây, có nhiều khách hàng đến cửa tiệm xăm hình có ý nghĩa liên quan đến người thân. Có lẽ, đại dịch COVID-19 đã khiến các bạn trẻ thấy rõ hơn tầm quan trọng của gia đình.
Bạn trẻ này cũng yêu cầu chị My xăm hình mẹ lên cánh tay sau khi mẹ mất cách đây ba tháng. Ảnh: NVCC
Chị My cho biết chị không nhận xăm hình hầm hố, chủ yếu xăm hình có ý nghĩa. Đôi khi, hình xăm là kỷ niệm đáng quý nhắc nhớ về gia đình, người thân.
Những dòng chữ dễ thương, đôi khi là lời càm ràm của mẹ cũng được các bạn trẻ lưu giữ bằng hình xăm. Ảnh: NVCC
Không nên xăm hình theo trào lưu
Trên các diễn đàn mạng, nhiều bạn trẻ cho rằng trước khi xăm một ký tự gì đó lên người thì cần phải suy nghĩ thật thấu đáo, không nên xăm hình theo trào lưu vì có thể hình xăm sẽ gây rắc rối về sau trong một số trường hợp. Chẳng hạn ở một số trường học đã đưa ra nội quy cấm xăm hình, nhuộm tóc…Nếu vi phạm có thể sẽ bị đuổi học.
Bên cạnh đó, hình xăm cũng có gây phiền toái nhất định trong việc nhập ngũ. Trước đây, Thông tư liên tịch số 50/2016/TTLT-BQP-BCA có quy định không tuyển chọn nhập ngũ những trường hợp "trên cơ thể có hình xăm, chữ xăm có nội dung chống đối chế độ, chia rẽ dân tộc, mang tính kỳ dị, kỳ quái, kích động tình dục, bạo lực. Hình xăm, chữ xăm gây phản cảm ở những vị trí lộ diện, như mặt, đầu, cổ; từ 1/2 cánh tay trên trở xuống, từ 1/3 dưới đùi trở xuống. Hình xăm, chữ xăm chiếm diện tích từ 1/2 lưng, ngực, bụng trở lên".
Lợi dụng quy định này, một số công dân cố tình cố tình xăm hình trước ngày khám tuyển nhằm trốn tránh thực hiện nghĩa vụ quân sự.
Tháng 11-2020, Bộ Quốc phòng khi ban hành hướng dẫn về việc tuyển chọn và gọi công dân nhập ngũ năm 2021 đã nêu rõ hơn: "Nếu hình xăm, chữ xăm dưới da ở vị trí lộ diện, nhưng diện tích nhỏ, không ảnh hưởng đến lễ tiết tác phong quân nhân, xây dựng chính quy, môi trường văn hóa Quân đội thì vẫn được xem xét gọi nhập ngũ".
Theo Bộ Quốc phòng, các cơ quan cần vận động, giáo dục kết hợp với bắt buộc tẩy xóa hình xăm, chữ xăm trước khi khám tuyển.
|