Kỷ niệm 40 năm ngày thành lập Sở Tư pháp TP.HCM (27-3-1982 – 27-3-2022)

Chuyện chép tay văn bản luật ở thành phố lớn nhất nước

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

LTS: Với hơn 30 năm gắn bó với Sở Tư pháp TP.HCM, bà Ngô Minh Hồng, nguyên Giám đốc Sở, đã có nhiều kỷ niệm "nhớ đời" trong công tác tư pháp ở giai đoạn đầu mới thành lập Sở (sau ngày đất nước thống nhất). Những công việc thủ công ấy bây giờ nhắc lại, hẳn nhiều cán bộ trong ngành khó có thể tin được.

Nhân 40 năm kỷ niệm ngày thành lập Sở Tư pháp TP.HCM (27-3-1982 - 27-3-2022), nguyên Giám đốc Sở Tư pháp TP.HCM Ngô Mình Hồng có những chia sẻ thú vị về "cái thuở ban đầu lưu luyến ấy..." của ngành tư pháp thành phố.

Bà Ngô Minh Hồng, nguyên Giám điốc Sở Tư pháp TP.HCM. Ảnh: HUỲNH TRÍ DŨNG

Tôi có cơ duyên được làm việc tại Sở Tư pháp TP.HCM trong thời gian hơn 30 năm, được cùng các cô bác, anh chị và các bạn đồng nghiệp trong sở trải qua quá trình phát triển từ thời điểm đất nước còn gặp nhiều khó khăn trước đổi mới cho đến khi nghỉ hưu năm 2012.

Chép tay để lưu giữ những văn bản luật hiếm

Ngày 1-3-1982, tôi cầm tờ quyết định nhận công tác về Ban Pháp chế TP.HCM và làm việc ở Sở Tư pháp cho đến ngày nghỉ hưu vào tháng 7-2012.

Lúc mới về cơ quan, tôi được nghe tên những người đầu tiên công tác tại Phòng Pháp chế, sau này là Ban Pháp chế, tiền thân của Sở Tư pháp. Nhóm tên rất ấn tượng là Chương - Chi - Chiểu - Chơi - Mạnh - Mạnh, tức bác Nguyễn Minh Chương, chú Huỳnh Ngọc Chi, chú Chiểu (tôi không nhớ họ tên đầy đủ của chú Chiểu vì chú đã chuyển công tác trước khi tôi về Ban Pháp chế), chú Huỳnh Văn Chơi, anh Triệu Quốc Mạnh và chị Huỳnh Thị Mạnh.

Tôi được bố trí về Phòng Xây dựng pháp luật (nay là Phòng Văn bản pháp quy), thường gọi là Phòng Xây dựng, nghe rất là gạch - vôi - vữa. Công việc nghiên cứu pháp luật để tham mưu cho UBND TP ban hành văn bản thì cần nhất là văn bản pháp luật nhưng lúc bấy giờ thì lại rất thiếu, hiếm và quý.

Trưởng Phòng Xây dựng văn bản lúc đó là chị Huỳnh Thị Mạnh yêu cầu chuyên viên phải lập hồ sơ nguyên tắc của cá nhân, nôm na là lập danh mục và tập hợp đầy đủ nội dung văn bản pháp luật chuyên ngành.

Lúc đó không có phương tiện nhân bản nào khác nên đối với những văn bản hiếm, từng người phải chép tay nguyên văn bản, chú ý chính xác đến từng dấu phẩy.

Cho đến cuối những năm 1990, cơ quan vẫn còn biên chế đánh máy vì chưa có máy tính, máy in. Quy trình đánh máy chữ đại loại thế này: Chuyên viên viết tay bản thảo xong thì đưa lãnh đạo phòng duyệt, sau đó phòng chuyển lãnh đạo sở duyệt (nếu phải sửa nhiều thì chuyên viên phải chép lại toàn bộ rồi mới trình lãnh đạo sở); sở duyệt xong thì đưa đi đánh máy để ký, phát hành.

Tôi còn nhớ bác Nguyễn Minh Chương, giám đốc sở đầu tiên, là người rất cẩn thận. Ngày mai tổ chức lễ tổng kết năm thì hôm nay vẫn có thể sửa báo cáo và người đáp ứng được yêu cầu đánh máy, sửa gấp trên bản viết tay của giám đốc chỉ có cô Hồ Thị Quế (cô Ba Quế).

Những văn bản đầu tiên tham mưu cho TP.HCM

Ngay ngày đầu làm việc tại Sở Tư pháp, tôi và Ban giám đốc sở đã nhận thấy hệ thống pháp luật nước ta vào thời điểm 1982 hoàn toàn phục vụ xã hội có nền kinh tế kế hoạch hóa, bao cấp. Vì vậy, Phòng Xây dựng pháp luật được giao nhiệm vụ tham khảo pháp luật về quản lý kinh tế của một số nước tư bản, cùng với thực tiễn kinh tế tư nhân vốn đã rất phát triển trước năm 1975.

Quá trình nghiên cứu, chúng tôi đưa ra những nhận thức hoàn toàn mới, giúp Sở Tư pháp tham mưu cho UBND TP ban hành những văn bản đầu tiên áp dụng cho doanh nghiệp tư nhân. Đây là tiền đề xây dựng pháp luật về doanh nghiệp ngoài nhà nước sau này.

Một lần khác, khi thực hiện đề tài nghiên cứu về thừa phát lại, sở đã có nhận thức mới về vai trò của lực lượng chuyên môn pháp lý ngoài nhà nước trong việc giải quyết nhu cầu của quan hệ dân sự trong xã hội.

Đây là cơ sở để Sở Tư pháp tự tin tham gia xây dựng thể chế xã hội hóa và quản lý hiệu quả các hoạt động bổ trợ tư pháp như công chứng, thừa phát lại…

Tôi thấy mình may mắn khi được đào tạo trong môi trường Sở Tư pháp có thực tiễn luôn sôi động, đổi mới. Tôi tự hào khi có nhiều cán bộ trưởng thành từ sở, bổ sung cho nguồn cán bộ lãnh đạo của TP và cả Bộ Tư pháp.

Ngoài ra, tôi cũng có một nguyện vọng nhỏ là Sở Tư pháp hãy dành chỗ để thu thập, trưng bày các hiện vật từ những ngày đầu thành lập sở để thế hệ sau này cảm nhận được phần nào quá trình phát triển của sở qua các thời kỳ.

(TRÚC PHƯƠNG ghi)

4 dấu ấn đặc biệt của ngành tư pháp TP.HCM
4 dấu ấn đặc biệt của ngành tư pháp TP.HCM
(PLO)- Ngành tư pháp TP.HCM luôn lấy mức độ hài lòng của người dân làm thước đo, áp dụng nhiều giải pháp đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo thuận lợi, tiết kiệm thời gian, chi phí cho người dân.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm