Mặc dù các nhà chức trách đã có nhiều khuyến cáo, cảnh báo đến người dân về những chiêu trò lừa đảo, chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng. Tuy nhiên, vẫn không ít người “sập bẫy” mất cả trăm, thậm chí là cả tỉ đồng, trở thành nạn nhân của những kẻ lừa đảo.
Kiểm chứng thông tin trước khi hành động
Trao đổi với PLO, Thượng tá Đào Trung Hiếu - Chuyên gia tội phạm học, Bộ Công an nhận định, thời gian qua rất nhiều người dân bất ngờ nhận những cuộc gọi lạ với nội dung "rung dọa" rằng họ liên quan đến các đường dây ma túy, rửa tiền, tham nhũng…Những người lừa đảo thường gọi điện xưng danh là cán bộ Công an, Viện kiểm sát, Tòa án. Mục đích cuối cùng của các cuộc gọi này là yêu cầu họ chuyển tiền cho cơ quan chức năng để kiểm tra xem có liên quan đến tội phạm hay không.
Theo thượng tá Hiếu, đối tượng nhắm tới của những kẻ lừa đảo thường là những người già đã nghỉ hưu, người lao động không có trình độ hiểu biết, nhẹ dạ cả tin. Họ bị hạn chế về sức khỏe, tuổi tác, phạm vi quan hệ xã hội thu hẹp sau nghỉ lao động, không cập nhật thường xuyên tin tức, nên thường bị thao túng tâm lý, từng bước dẫn dụ khiến họ sập bẫy của các nhóm lừa đảo trên mạng…
Ngoài ra, cũng có một bộ phận người dân còn thờ ơ với an ninh của chính mình, coi tội phạm là thứ gì đó xảy ra với người khác nên chủ quan, mất cảnh giác. Kết quả là họ cũng trở thành nạn nhân của tội phạm lừa đảo trên không gian mạng.
Từ đó, vị chuyên gia cho rằng mỗi người cần rèn cho mình một kỹ năng, thói quen thường trực đó là kiểm chứng thông tin trước khi hành động. Trước bất kỳ yêu cầu nào liên quan đến tiền, hãy “chậm lại một nhịp”.
Việc kiểm chứng có thể tiến hành bằng việc tra cứu các thông tin liên quan trên mạng, nói chuyện với người thân, kiểm tra qua đường dây nóng, gọi điện kiểm tra chéo, kiểm tra ngược...
Đối với những người cao tuổi, nhất định phải kể ngay với con cháu, người xung quanh về những chuyện xảy ra đối với mình, nhất là khi bị đe dọa, khống chế qua điện thoại. Trên thực tế đã có nhiều vụ lừa đảo đã được ngăn chặn kịp thời khi được khuyến cáo của người ngoài cuộc.
Tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân, số điện thoại, số CMTND, CCCD, địa chỉ nhà ở, số tài khoản ngân hàng, mã OTP… cho bất kỳ ai không quen biết hoặc khi chưa biết rõ nhân thân, lai lịch. Khi bị gặng hỏi, khai thác các thông tin cá nhân thì cần hiểu ngay đó là thủ đoạn của kẻ phạm tội.
“Không có quy định nào cho phép cán bộ cơ quan pháp luật gọi điện cho người dân để làm việc liên quan đến một sự việc nào đó. Nếu cần làm việc, các cơ quan này sẽ có giấy mời, giấy triệu tập gửi yêu cầu người liên quan đến làm việc tại một trụ sở cơ quan Nhà nước.
Mặt khác, không có việc yêu cầu người dân chuyển tiền vào tài khoản đứng tên cá nhân. Theo quy định thì địa chỉ tiếp nhận các khoản tiền nộp của người dân là kho bạc, sau đó giao nộp biên lai cho cơ quan chức năng”- Thượng tá Hiếu khẳng định.
3 dấu hiệu nhận biết đang bị lừa đảo trên không gian mạng
Cũng liên quan đến vấn đề lừa đảo trên không gian mạng, ông Ngô Việt Khôi - Chuyên gia bảo mật và nhận thức an toàn thông tin cho biết, tùy vào từng nền tảng và tình huống mà những người lừa sẽ có câu chuyện hay kịch bản lừa đảo khác nhau.
Từ đó, ông Khôi chỉ ra 3 dấu hiệu nhận biết giúp người dân, các tổ chức có thể dễ dàng sớm nhận ra rằng dường như cuộc nói chuyện, trao đổi của mình thông qua điện thoại, hay qua các nền tảng mạng xã hội có liên quan đến lừa đảo trực tuyến. Cụ thể:
Thứ nhất, bỗng nhiên nhận được thông báo, những lời mời từ những người không hề quen biết. Những lời mời này dẫn dụ nạn nhân tham gia vào các nhóm Zalo, teleglam… để có thể trao đổi nhiều hơn hoặc làm nhiệm vụ, Trong các nhóm này có rất nhiều nick ảo, đây chính là các nick của những kẻ lừa đảo.
Thứ hai, nạn nhân sẽ được dẫn dắt tới một trong hai loại kịch bản như sau: Được thông báo sắp mất đi một quyền lợi, chẳng hạn như sắp bị phong tỏa tài khoản. Hoặc được thông báo may mắn được mời, tham gia đầu tư với một số tiền hay làm nhiệm vụ nào đó thì sẽ có lợi nhuận rất lớn. Thậm chí, có những kịch bản lừa đảo không phải làm gì cũng tự nhiên có tiền.
Thứ ba, tất cả những kịch bản lừa đảo đều ép buộc nạn nhân phải thực hiện trong thời gian rất ngắn, ngắn đến mức khiến họ không có đủ thời gian để nhận ra rằng bản thân đang bị lừa và có những câu hỏi phản biện. Tùy vào mục đích của kẻ lừa đảo, nếu như họ muốn lấy thông tin thì sẽ yêu cầu nạn nhân điền vào một form mẫu.
Trường hợp, người lừa đảo muốn hack máy tính và tài khoản cá nhân của nạn nhân, họ sẽ yêu cầu kích vào một đường link hoặc mở một file đã được chuẩn bị trước do họ gửi tới.
“Phổ biến hơn là liên quan đến tài chính, bạn phải xuống tiền để thực hiện nhiệm vụ được người lừa đảo chỉ định. Ví dụ: Đầu tư sau 5 phút bạn sẽ có lợi nhuận 5%, hoặc mua hàng để có lợi nhuận hay đơn giản hơn của trò lừa đảo qua mạng đó là chỉ cần bấm vào một đường link nào đó thì sẽ có hoa hồng ngay lập tức…
Do đó, việc nhận biết các dấu hiệu lừa đảo trực tuyến càng sớm sẽ càng giúp mỗi người bảo toàn được thông tin cá nhân và các tài khoản khác của mình”- ông Khôi nói.
Tại hội thảo với chủ đề: “Phòng, chống lừa đảo trên không gian mạng” do Hiệp hội An ninh mạng quốc gia tổ chức hôm 13-5, lãnh đạo Bộ Công an đánh giá hoạt động lợi dụng không gian mạng để tiến hành lừa đảo trực tuyến (chiếm 57% trong tổng số tội phạm mạng) gia tăng về phạm vi, quy mô, thủ đoạn tinh vi, gây thiệt hại lớn cho người dân cũng như các doanh nghiệp, cơ quan.
Theo thống kê, trên cổng cảnh báo an toàn thông tin ghi nhận gần 16.000 phản ánh lừa đảo trực tuyến, gây thiệt hại hơn 390.000 tỉ đồng, tương đương 3,6% GDP.
Trong đó có 91% thông tin liên quan lĩnh vực tài chính, tăng 64,78% so với năm 2022. Tỉ lệ người dùng thiết bị di động, mạng xã hội… nhận tin nhắn, cuộc gọi lừa đảo trực tuyến là 73%.
Hoạt động của các đối tượng tội phạm rất chuyên nghiệp, có tổ chức, phân công vai trò cụ thể. Các đối tượng cầm đầu thường là người nước ngoài, trú chân tại địa bàn các nước láng giềng lừa đảo, ép buộc, lôi kéo, dụ dỗ đưa người Việt Nam ra nước ngoài thực hiện hành vi phạm tội.