LTS: Thời gian qua, lừa đảo trực tuyến gia tăng cả về phạm vi, quy mô với thủ đoạn ngày càng tinh vi, gây thiệt hại rất lớn cho xã hội. Các nạn nhân có thể là bất kỳ ai, từ già đến trẻ, từ cô công nhân đến các cụ về hưu, ai cũng có thể trở thành “con mồi” của những kẻ lừa đảo… Pháp Luật TP.HCM ghi nhận những câu chuyện cụ thể của người trong cuộc, những cú thoát hiểm ngoạn mục và lời khuyên của chuyên gia để tránh bẫy lừa đảo đang nhan nhản trên không gian mạng.
Phản ánh đến Pháp Luật TP.HCM, bạn đọc thông tin về việc suýt rơi vào “bẫy” của những kẻ lừa đảo với chiêu trò giả mạo công an hướng dẫn cài đặt ứng dụng VNeID.
Đeo đuổi suốt ba ngày
Trao đổi với PV, bà VTP (ngụ quận Tân Bình, TP.HCM) cho biết tháng trước, bà nhận một cuộc gọi từ số di động 0944086xxx của một người đàn ông tự xưng là Bảo, Công an phường 4, quận Tân Bình. Người này đọc đầy đủ họ tên, số CCCD, địa chỉ thường trú… của bà P để xác minh.
Sau khi bà P xác nhận, người này nói rằng dữ liệu của bà P trên cổng dịch vụ công quốc gia bị lỗi, mời bà thu xếp thời gian mang giấy tờ tùy thân ra công an phường để chỉnh sửa lại thông tin trên hệ thống.
Khoảng 30 phút sau, một người đàn ông khác gọi cho bà P hỏi anh Bảo đã hướng dẫn chỉnh sửa thông tin trên cổng dịch vụ công quốc gia chưa, đồng thời dặn dò tranh thủ đến sớm vì sợ vài ngày nữa đông người đến đăng ký.
Hai ngày sau, một số điện thoại khác gọi đến, giới thiệu là phó công an phường 4, quận Tân Bình, nơi anh Bảo công tác. Người này cho biết bà P từng thường trú ở hai nơi và đọc tên chính xác nơi nạn nhân từng đăng ký thường trú. Sau đó yêu cầu bà P đến một trong hai phường để chỉnh sửa thông tin.
Đến chiều cùng ngày, một số di động khác gọi đến hỏi anh Bảo đã gọi cho bà P chưa và khuyên bà P cố gắng thu xếp thời gian đi chỉnh sửa thông tin sớm. Tuy nhiên, người này đã gợi ý cho bà P có thể ngồi ở nhà tải ứng dụng VNeID để cập nhật thông tin của mình, mà không cần phải đến trực tiếp công an phường làm.
“Tôi bảo tôi đã có ứng dụng VNeID nhưng người này nói sắp tới ứng dụng sẽ thay đổi, cho rằng ứng dụng tôi đã tải là ứng dụng cũ, chưa cập nhật. Đồng thời, người này gửi cho tôi một đường link khác để tải ứng dụng mới” - bà P kể.
Sau đó, người này chỉ bà P gõ tìm kiếm ứng dụng: bocongan.com nhưng khi tìm kiếm thì không thấy ứng dụng nào như vậy. Người này tiếp tục cho rằng do ứng dụng đang bị lỗi, hướng dẫn tìm kiếm trên Google link: dichvucong.bvgov.com và yêu cầu tải ứng dụng “cổng dịch vụ công Bộ Công an” về điện thoại.
“Tôi nhìn thấy ứng dụng “cổng dịch vụ công Bộ Công an”. Tuy nhiên, theo tôi biết, tất cả trang web của các cơ quan nhà nước đều có đuôi .gov hoặc .vn, tại sao web của Bộ Công an lại có đuôi .com? Có thể đây là trò lừa mà tôi đã từng đọc đâu đó trên các báo nên đã từ chối, cúp máy và không tải ứng dụng nữa” - bà P nói.
Sau đó bà P đến trực tiếp công an phường nơi mình cư trú để hỏi về vụ việc trên. Tại đây, các anh công an phường cho biết việc có người gọi điện thoại xưng danh công an hướng dẫn tải ứng dụng VNeID là giả mạo.
Chỉ hỗ trợ kích hoạt định danh điện tử trực tiếp cho người dân
Một cán bộ công an phường tại TP.HCM cho biết hiện có tình trạng đối tượng lừa đảo điện thoại cho người dân tự xưng trực ban công an phường, công an quận, cảnh sát khu vực, cán bộ ủy ban phường yêu cầu người dân ra trụ sở công an phường khắc phục đồng bộ VNeID mức 2 (lý do là bị lỗi).
Những đối tượng này cố tình báo gấp để người dân bị động. Sau đó các đối tượng liền hướng dẫn cài đặt phần mềm có logo VNeID giống như thật, yêu cầu cung cấp khuôn mặt, vân tay và số điện thoại. Sau khi cài đặt, các đối tượng này nhanh chóng chiếm quyền kiểm soát điện thoại và thực hiện chuyển hết tiền từ tài khoản trong máy, không cần đến số tài khoản hay mã OTP.
“Hiện cảnh sát khu vực đang mời gọi công dân làm định danh mức 2 bằng cách trực tiếp xuống nhà hoặc gọi điện thoại mời đến trụ sở làm việc. Việc xác thực định danh mức 2 chỉ thực hiện tại trụ sở công an phường, không thực hiện online. Người dân tuyệt đối không nghe lời các đối tượng mạo danh cán bộ công an phường hướng dẫn qua điện thoại” - vị này nhấn mạnh.
Vị này cho biết thêm gần đây trên địa bàn phường có tiếp nhận một vụ việc liên quan đến lừa đảo giả mạo công an phường hướng dẫn làm định danh điện tử mức 2 và nạn nhân đã bị mất 920 triệu đồng.
Cũng theo vị này, các đối tượng lừa đảo đã lợi dụng lỗ hổng trên một số trang web có đuôi .gov.vn hoặc com.vn để cài blacklink dowload app khiến người dân hiểu lầm là ứng dụng của các trang mạng chính thống. Từ đó, người dân có tâm lý chủ quan tải về trên điện thoại và máy tính.
Lưu ý tên miền “.gov.vn” để tránh bị lừa
Cổng thông tin điện tử Bộ Công an khuyến cáo người dân chỉ cài đặt ứng dụng VNeID từ nguồn chính thống trên App Store và CH Play. Tuyệt đối không cài đặt ứng dụng VNeID từ nguồn ngoài trên các trang web, kho ứng dụng không chính thống, từ các đường link lạ. Ngoài ra, không bật chế độ cài đặt ứng dụng từ nguồn không xác định trên điện thoại, nguy cơ mất an toàn cho thiết bị và không cung cấp thông tin cá nhân của bản thân cho người khác qua điện thoại.
Đồng thời thường xuyên cập nhật thông tin về các thủ tục hành chính trên hệ thống cổng thông tin điện tử hoặc fanpage chính thức của Bộ Công an, công an các địa phương. Trường hợp nghi vấn phải liên hệ cảnh sát khu vực, công an xã trên địa bàn hoặc cơ quan công an gần nhất để được hướng dẫn.
Cổng thông tin điện tử Bộ Công an chỉ có hai tên miền truy cập trên mạng Internet là: bocongan.gov.vn và mps.gov.vn.
Tên miền truy cập cổng thông tin điện tử của đơn vị trực thuộc bộ trên mạng Internet có dạng: tendonvi.bocongan.gov.vn hoặc tendonvi.mps.gov.vn; trong đó, tendonvi là tên viết tắt hoặc tên đầy đủ của đơn vị bằng tiếng Việt không dấu hoặc tiếng Anh.
Tên miền truy cập cổng thông tin điện tử của công an cấp tỉnh trên mạng Internet có dạng: congan.tentinhthanh.gov.vn; trong đó tentinhthanh là tên của UBND tỉnh, TP trực thuộc Trung ương.