Chuyên gia Mỹ Michael Green: Mỹ được ủng hộ vì TQ hung hăng

Trong tháng 3 và tháng 4, Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế Mỹ (CSIS) đã tiến hành thăm dò về chiến lược tái cân bằng của Mỹ ở châu Á-Thái Bình Dương. 402 chuyên gia chính sách phi chính phủ ở 10 nước và lãnh thổ Đài Loan tham gia cuộc thăm dò. 79% số người được hỏi đã ủng hộ chiến lược này.

Trả lời báo Asahi Shimbun (Nhật) ngày 20-6 về kết quả thăm dò nêu trên, chuyên gia Michael Green (ảnh), Phó Giám đốc CSIS, nguyên Giám đốc cấp cao phụ trách châu Á tại Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ thời Tổng thống George W. Bush, nhận định:

+ Nếu không phải vì lo ngại Trung Quốc (TQ) thì tỉ lệ ủng hộ chiến lược tái cân bằng của Mỹ sẽ thấp hơn nhiều. Từ lo ngại ban đầu, các nước đang mong muốn chiến lược này hoạt động hiệu quả để kiềm chế TQ. Một ghi nhận nữa là không ai trong những người được hỏi cho rằng chiến lược tái cân bằng của Mỹ nhằm đối đầu với TQ, trừ các chuyên gia TQ.

. Nhận xét chung là chiến lược tái cân bằng của Mỹ đúng đắn nhưng thiếu nguồn lực và thực thi không đầy đủ. Mỹ làm thế nào để giải tỏa điều này?

+ Trước hết, Mỹ phải giải thích nhất quán rằng cần lạc quan nhưng đừng quá duy tâm. Thứ hai, Mỹ cần chú trọng hơn vào thương mại với châu Á. Cũng cần phải biết chiến lược này mang đậm tính chất cá nhân. Hiệu quả đạt được phụ thuộc vào người thực hiện nó.

Sáng 21-6, tàu hải giám 2168 của TQ mở hết tốc lực cả hai máy, áp sát tàu CSB 4032 của Việt Nam để tìm cách đâm húc, phun vòi rồng. Tàu Việt Nam khéo léo liên tục đổi hướng, che khuất hướng bắn vòi rồng để tránh va chạm. Ảnh: TTXVN

Đến giờ tôi vẫn chưa rõ sau khi cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton, Trợ lý Ngoại trưởng Kurt Campbell và một số nhân vật có liên quan đến chiến lược này rời nhiệm sở thì nhân vật nào sát cánh với chiến lược này. Tôi nghĩ nhân vật đó phải có cam kết rõ ràng với khu vực, phải có hành động phát triển quan hệ với các đối tác để quan hệ giữa Mỹ và các nước trong khu vực có thể vượt qua khó khăn.

. Một số chuyên gia, đặc biệt là Nhật và TQ, cho rằng một khi nỗ lực ngoại giao thất bại thì cần đến vũ lực để giải quyết tranh chấp. Khi ông thông báo kết quả này đến đại sứ của một nước tranh chấp, vị này đã tỏ ra bối rối. Vậy nên hiểu điều này thế nào?

+ So với tỉ lệ ủng hộ sử dụng vũ lực ở TQ (83%) thì tỉ lệ ở Nhật cao không kém (81%). Một cách nào đó, đây là thông điệp gửi đến TQ rằng Nhật có khả năng sử dụng vũ lực để giải quyết tranh chấp. Theo tôi, hầu hết các nước như Philippines, Việt Nam, Malaysia đều mong muốn Nhật cứng rắn với TQ.

Một điều báo động nữa, trong khi hầu hết chuyên gia Nhật cho rằng các bất đồng lịch sử là vướng mắc ngoại giao thì phần lớn chuyên gia TQ lại nghĩ chúng có thể dẫn đến xung đột quân sự.

. Theo ông, Nhật nên làm gì để giải quyết căng thẳng về quần đảo Senkaku/Điếu Ngư?

+ Thông điệp của Thủ tướng Shinzo Abe rất rõ ràng. Quyết tâm đó là một trong những yếu tố quyết định giúp Nhật ngăn TQ không hành xử như đang làm với Việt Nam. Tuy nhiên, chỉ quyết tâm thôi chưa đủ vì TQ có chiến lược chia rẽ Nhật với Mỹ. TQ rất tích cực thuyết phục Mỹ tin rằng Nhật đang có hành động nguy hiểm và Mỹ phải kiềm chế Nhật.

. Hành động đó của TQ có hiệu quả không?

+ Không, tôi nghĩ điều này đã thể hiện rõ ràng qua thông điệp của Tổng thống Obama nhấn mạnh hiệp ước an ninh Mỹ-Nhật sẽ được áp dụng để bảo vệ quần đảo Senkaku và qua phản đối dùng hành động cưỡng ép đơn phương với Nhật.

ĐĂNG KHOA

Malaysia có thể thúc đẩy Bộ Quy tắc ứng xử trên biển Đông

Malaysia có thể đóng vai trò then chốt để hạ nhiệt căng thẳng trên biển Đông trước hành động ngày càng hung hăng của TQ. Đây là nhận định của GS-TS David Arase ở Trung tâm nghiên cứu Mỹ-Trung thuộc ĐH John Hopkins (Mỹ)-ĐH Nam Kinh (TQ).

Trong bài viết đăng trên báo The Star (Malaysia) ngày 22-6, ông nhận định không ai mong muốn chiến tranh nhưng mối đe dọa cuộc chiến bất ngờ xảy ra từ tranh chấp lãnh thổ giữa TQ với Philippines và Việt Nam là vấn đề có thể hình dung được. Ông đề xuất để giảm thiểu nguy cơ xung đột, Malaysia với vai trò chủ tịch ASEAN vào năm 2015 nên thúc đẩy đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử trên biển Đông (COC).

Trong bài phát biểu gần đây tại Học viện Hàng hải Malaysia ở Kuala Lumpur (Malaysia), GS-TS David Arase ghi nhận quan tâm chính hiện nay là động thái đặt giàn khoan của TQ tại vùng biển Việt Nam và vụ đâm húc làm chìm tàu cá Việt Nam của TQ. Trước tình hình này, viễn ảnh xung đột quân sự có thể xảy ra ngoài tầm kiểm soát.

Ông nhận định ASEAN nên tiến hành đàm phán đa phương với TQ để đạt được COC và để thuyết phục được TQ, các nước ASEAN cần phải đoàn kết. Ông cho rằng COC không hẳn là cơ chế khẳng định ai đúng ai sai nhưng COC sẽ là công cụ để các bên tránh xung đột quân sự. Ông ghi nhận bản thân các nước trong ASEAN cũng có bất đồng về tuyên bố chủ quyền lãnh thổ, bởi thế COC càng trở nên quan trọng hơn.

GS-TS David Arase giải thích các hành động của TQ là một phần trong chính sách ngoại giao mới dưới thời Chủ tịch Tập Cận Bình nhằm thực hiện ý đồ đưa TQ trở thành cường quốc lãnh đạo khu vực châu Á. Tuy nhiên, lập trường của TQ không vững chắc bởi TQ không thể thuyết minh rõ ràng về tuyên bố chủ quyền và ngay cả các học giả cũng như giới chức TQ cũng không thể giải thích đảo hay vùng biển nào là của TQ bởi bản thân họ cũng không biết.

DUY KHANG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm