Chuyên gia: Yếu tố thúc đẩy sự gia tăng can dự hải quân các nước tại Biển Đông

Mùa thu năm nay sẽ là một mùa thu phức tạp ở các vùng biển châu Á, trong bối cảnh nhiều quốc gia khác nhau, chủ yếu là đồng minh của Mỹ, đang tổ chức các cuộc tập trận quân sự tại khu vực mà Trung Quốc coi là “sân sau” của mình.

Tờ Financial Times (FT) ngày 12-10 dẫn lời các nhà phân tích nhận định chính việc Trung Quốc sử dụng sức mạnh quân sự ngày càng tăng của mình để khẳng định các yêu sách lãnh thổ với các quốc gia láng giềng, cũng như theo đuổi tham vọng trong khu vực sẽ buộc các cường quốc bên ngoài ngày càng can dự nhiều hơn vào khu vực.

Loạt hoạt động quân sự của hải quân các nước 

Trong hai ngày 2-10 và 3-10, hai tàu sân bay của Mỹ và một tàu sân bay Anh đã có cuộc tập trận với 15 tàu chiến khác từ Nhật, New Zealand, Canada và Hà Lan ở khu vực gần quần đảo Okinawa và ở biển Philippines.

Sau đó, ba tàu sân bay này đã di chuyển vào Biển Đông và tiến hành các hoạt động với tàu chiến của Úc, Canada, Nhật và New Zealand.

Tàu chiến sáu nước Mỹ, Anh, Nhật, New Zealand, Canada, Hà Lan tại khu vực gần quần đảo Okinawa và biển Philippines. Ảnh: FT 

Hiện tại, các tàu của Hải quân Anh, Úc và New Zealand đang tổ chức các cuộc tập trận với hải quân Singapore và Malaysia.

Các tàu chiến của Mỹ, Nhật cùng một số tàu chiến của Úc đang di chuyển tại Biển Đông và Vịnh Bengal trong khuôn khổ cuộc tập trận Malabar. Cuộc tập trận này ban đầu do Ấn Độ và Mỹ khởi động, nhưng hiện đã mở rộng với sự tham gia của hải quân bốn nước thành viên “Bộ Tứ an ninh (QUAD)” gồm Mỹ, Nhật, Ấn Độ, Úc.

Theo FT, chuỗi tập trận trên là dấu hiệu báo trước đối với tương lai của khu vực: Trong bối cảnh sự cạnh tranh giữa Trung Quốc và các quốc gia dân chủ ngày leo thang, khu vực Đông Á và Đông Nam Á đang trở thành “điểm nóng” cạnh tranh quân sự giữa hai bên.

Theo tờ báo, Nhật đang chuyển tàu khu trục chở trực thăng Kaga thành tàu sân bay và có thể triển khai tàu này đến Biển Đông mang theo các máy bay phản lực F-35 trong những năm tới.

Hồi tháng 9, Mỹ, Anh và Úc đã công bố quan hệ an ninh ba bên AUKUS, theo đó hải quân Úc sẽ có thể triển khai sức mạnh ở toàn bộ khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương với hạm đội tàu ngầm hạt nhân của mình.

Nỗ lực của Trung Quốc sẽ ngày một khó khăn 

Theo FT, sự hiện diện ngày càng nhiều của các cường quốc bên ngoài tại khu vực sẽ khiến nỗ lực của quân đội Trung Quốc trở nên khó khăn.

Vào thời điểm nhóm tác chiến tàu sân bay Queen Elizabeth của Anh hoạt động tại Biển Đông hồi tuần trước, một tàu khảo sát hàng hải của Trung Quốc đã phải đột ngột chuyển hướng để tránh tàu sân bay Anh, tờ báo cho biết.

Tiêm kích F-35B của Thủy quân Lục chiến Mỹ hạ cánh xuống tàu JS Izumo của Nhật hồi cuối tuần trước. Ảnh: USNI NEWS

Xung quanh thời điểm hải quân sáu nước Mỹ, Anh, Nhật, New Zealand, Canada và Hà Lan tập trận gần quần đảo Okinawa, thì Trung Quốc, chỉ trong bốn ngày từ hôm 1-10, đã triển khai gần 150 máy bay chiến đầu xâm nhập vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) của Đài Loan.

Động thái này được cho là phản ứng của Bắc Kinh đối với cuộc tập trận của sáu nước trên, phát đi thông điệp rằng Trung Quốc có thể đẩy lùi đối phương.

Theo FT, tại Biển Đông, các phản ứng của Bắc Kinh đến nay đã ít quyết liệt hơn. Thông thường, quân đội Trung Quốc sẽ điều số lượng nhỏ tàu khu trục hoặc khinh hạm để theo dõi các tàu chiến của Mỹ hoặc đồng minh trong những vùng biển ở khu vực, đủ để đặt các tàu phương Tây vào tình trạng báo động cao, nhưng các sự cố nguy hiểm thì tương đối hiếm.

Ông Alexander Neill - chuyên gia về các vấn đề an ninh châu Á tại một công ty tư vấn chiến lược ở Singapore – nhận định: “Các hoạt động nhằm vào Nhật và Đài Loan rất quan trọng đối của quân đội Trung Quốc, một phần vì Tokyo và Đài Bắc gần với Trung Quốc đại lục hơn”.

"Biển Đông vẫn ở vị trí xa hơn đối với quân đội Trung Quốc" – chuyên gia này nhận xét.

Tuy nhiên, mọi thứ đang thay đổi, theo FT.

Trung Quốc đã củng cố trái phép một số thực thể ở Biển Đông thành các đảo nhân tạo và xây dựng đường băng cũng như các cơ sở quân sự khác.

Các chuyên gia an ninh cảnh báo rằng những tiền đồn này, được trang bị thiết bị liên lạc hiện đại, đã mở rộng đáng kể năng lực của quân đội Trung Quốc trong việc theo dõi tàu và máy bay của đối phương trong khu vực, cũng như cung cấp dữ liệu mục tiêu cho hệ thống tên lửa.

Hơn nữa, Bắc Kinh đã tăng cường triển khai quân sự trên Hải Nam, liên quan máy bay tác chiến điện tử, máy bay cảnh báo sớm, máy bay tác chiến chống tàu ngầm và tàu hải quân cỡ lớn.

“Tai mắt của Trung Quốc ngày càng vươn xa hơn - thông tin tình báo điện tử và tín hiệu của họ vươn xa đến tận Singapore và chúng ta có thể sẽ thấy họ sử dụng các tàu và máy bay mới được triển khai trong thời gian tới” – ông Neill nhận định.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm