Có người lại nói chỉ từ khi người Pháp sang cai trị nước ta (từ nửa sau thế kỷ XIX) mới bắt đầu có án lệ, tiếng Pháp gọi án lệ là jurisprudence. Án lệ là của… tư sản! Vậy theo Anh Phó thì thời xưa ở nước ta đã có án lệ chưa và nay có nên dùng án lệ không?
ANH PHÓ trả lời: Thưa ông Nguyễn Văn Hòa,
Theo tôi hiểu, “án lệ” là những bản án đã xét xử đối với một vụ án cụ thể; sau đó được cơ quan thẩm quyền chọn dùng làm tiền lệ để về sau dựa theo hướng đó mà giải quyết các vụ án tương tự. Người ta dùng “án lệ” để bổ sung cho pháp luật thành văn khi không có quy định hoặc có quy định rồi mà không rõ.
Hiểu “án lệ” theo nghĩa ấy thì từ xưa, dưới chế độ quân chủ, ở nước ta đã có án lệ rồi. Theo tài liệu tôi nghiên cứu được thì cách nay hơn 500 năm đã có những vụ án đã được phán quan xét xử xong, các vua nhà Lê, đặc biệt là vua Lê Thánh Tông (1460-1497) xét thấy có tính chất điển hình bèn truyền cho tóm lược lại làm thành những án lệ gọi là “lệ” hay “lệnh” để tiện tham khảo, áp dụng về sau. Trong các bộ luật cổ của nước ta như Bộ luật Hồng Đức (Quốc triều hình luật), Hồng Đức Thiện chính thư… đều có ghi chép các điều lệ (chép sơ lược các bản án) xen vào chung với các điều luật. Thí dụ: Điều 389 và Điều 391 chép trong Bộ luật Hồng Đức vốn là hai lệ (lệnh) của đời vua Lê Tương Dực niên hiệu Hồng Thuận (1509-1516) và đời vua Lê Chiêu Tông niên hiệu Quang Thiệu (1516-1522) hướng dẫn việc phân chia ruộng đất hương hỏa trong gia tộc.
Tôi xin trích chép ra đây một án lệ tựa là “cùng họ lấy nhau” đã được chép trong quyển luật Hồng Đức thiện chính thư (thế kỷ XV) ở nước ta:
“Khác họ mà lấy nhau là đúng pháp luật, đấy là điển lệ của tiên vương; cùng họ mà lấy nhau là trái điều luật, về điều đó phép nước đã rõ ràng lưu truyền cho hậu thế. Tên Nguyễn Mỗ bất chấp luật pháp, làm trái phép nước, không theo tôn ti trật tự, thật là lòng lang dạ thú, cùng trong họ tộc mà dám kết hôn với nhau, phạt đánh 80 trượng, xử tội đồ, thi hành theo pháp luật bắt đôi bên phải ly dị.” (Một số văn bản điển chế và pháp luật Việt Nam - Từ thế kỷ XV đến XVIII, Tập I, NXB Khoa học xã hội, 2006, trang 482-483).
Ở đây, tôi không bàn đến việc xử như vậy có đúng không nhưng tôi muốn nói từ xưa tổ tiên ta đã biết vận dụng kỹ thuật là lấy các bản án đã xử trước làm tiền lệ để bổ sung cho sự khiếm khuyết mà pháp luật hiện hành chưa có quy định. Đó là kỹ thuật pháp lý rất phổ biến ở phương Tây, khi người Pháp sang cai trị nước ta, họ cũng sử dụng án lệ để giải quyết các vụ tranh chấp, kiện tụng trong nhân dân mà luật thành văn không điều chỉnh đầy đủ.
Các chế độ cũ ở miền Nam trước năm 1975 cũng thường dùng án lệ. Án lệ được tuyển chọn cho in vào các tạp chí khoa học của Bộ Tư pháp tựa là Pháp lý tập san; hoặc in thành những quyển sách của các luật gia nổi tiếng như sách Án lệ vựng tập của thẩm phán Trần Đại Khâm xuất bản năm 1974 ở Sài Gòn…
Cho nên theo nhận thức của tôi, “án lệ” không phải là sản phẩm, công cụ pháp lý riêng của tư sản như ông nói, mà nó đã là truyền thống pháp lý lâu đời của tổ tiên ta, mà nói chung là của nền văn minh phương Đông. Nhưng mà dù nghĩ cho đó là tư sản đi nữa, nói chung cũng là kỹ thuật tiến bộ của nhân loại thì trong công cuộc đổi mới hiện nay, ta vẫn có thể tham khảo và sử dụng, có sao đâu, nhất là khi mà nền pháp luật thành văn hiện nay của chúng ta còn nhiều thiếu sót, chưa được hoàn thiện…
Kính chào ông.
(Nguyệt san Pháp Luật TP.HCM số 162)