Chuyện xưa chuyện nay: “Hối lộ” phi vật chất?

ANH PHÓ trả lời: Ông Lê Kiện Toàn thân mến,

Đúng như ông nói, theo nghĩa chữ Hán Việt thì “hối” là tiền; mà “lộ” cũng là tiền; đưa tiền, đút lót tiền của để khiến người có chức làm theo yêu cầu của mình. Tiền hay vàng cũng cùng tính chất thôi. Cho nên khi nói đến “hối lộ” là phải “vật chất”, chứ không thể “phi vật chất” được. Điều 279 Bộ luật Hình sự của nhà nước ta quy định về “tội nhận hối lộ” nêu rõ: “Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn, trực tiếp hoặc qua trung gian đã nhận hoặc sẽ nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác dưới bất cứ hình thức nào (…) để làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm…”.

Như vậy, đối tượng tác động của hành vi “hối lộ” dứt khoát phải là tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất; chứ không phải lợi ích tinh thần, tình cảm, tình dục… Nhưng như bài báo đã nói đó: Các hình thức đưa và nhận hối lộ “truyền thống” như vậy hiện nay đã lạc hậu rồi. Thay vào đó là hình thức “hối lộ” phi vật chất gần đây ở Trung Quốc (thể hiện dưới ba hình thức: hối lộ tình dục, hối lộ thông tin và hối lộ thành tích). “Hối lộ tình dục” là người đưa hối lộ thông qua việc phục vụ tình dục để đạt được lợi ích theo yêu cầu của mình.

Gần đây, Công ước về chống tham nhũng của Liên Hiệp Quốc ra đời cũng nêu rõ hành vi tham nhũng (corruption) bao gồm cả lợi ích vật chất và phi vật chất. Như vậy, đối tượng tác động của hành vi này mở rộng sang lợi ích phi vật chất là phù hợp với tình hình mới; nhưng nếu ta dùng chữ Hán Việt thì như ông nói, từ “hối lộ” có lẽ cũng sắp lỗi thời mà phải sửa lại tội danh khác cho hợp hơn - “tội nhận hối lộ” tương lai có thể đổi lại là “tội giải quyết công vụ vì lợi ích bất chính” chẳng hạn. “Lợi ích bất chính” đó có thể là tiền của, hoặc là phục vụ tình dục, hay là cho thương yêu… ông ạ!

Thân chào.

(Nguyệt san Pháp Luật TP.HCM số 160)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới