ANH PHÓ trả lời: Thưa ông Nguyễn Văn,
Thông thường, được coi là loại “rượu mạnh” khi nó được sản xuất với nồng độ rượu từ 30 độ trở lên. Hiện nay, rượu mạnh bao gồm nhiều loại như cognac, whisky (còn viết là whiskey), vodka, rhum… Còn các loại rượu vang (wine), champagne thường chỉ hơn 10 độ nên chưa phải là rượu mạnh.
Như vậy, hai loại rượu cognac và whisky mà bạn hỏi đều là rượu mạnh. Song hai loại rượu này khác nhau về nguồn gốc chất liệu và hương vị. Thật khó mà nói loại rượu nào “ngon” hơn loại rượu nào mà tùy thuộc vào thị hiếu sở thích riêng (goût, đọc là “gu”) của mỗi người. Thực tế cho thấy trên thị trường bình dân ở Việt Nam, các loại rượu cognac thường bán mắc tiền hơn rượu whisky.
Cognac là loại rượu mạnh trên dưới 40 độ, sản xuất gốc tại Pháp mà địa phương sản xuất nổi tiếng là vùng Cognac, thuộc miền Nam nước Pháp (từ đó gọi tên là rượu “cognac”).
Rượu cognac được chế biến từ nước trái cây (đặc biệt là nho), được nghiền ép để lên men và chứa ủ lâu năm trong các thùng gỗ cây sồi (tiếng Anh: Oak; tiếng Pháp: Chêne) nên rượu có vị đăng đắng, có màu vang đậm.
Whisky cũng là loại rượu mạnh song được chế biến từ ngũ cốc (như lúa mạch, lùa mì, bắp…) bằng cách cho lên men và chưng cất. Trong quá trình sản xuất, trước khi đóng vô chai, chất rượu cũng được tồn trữ lâu năm trong các thùng gỗ nên có màu vàng sậm óng ả.
Còn các loại rượu đế của Việt Nam ta tuy cũng được sản xuất từ lương thực gạo nếp, sau khi chưng cất xong thì vào chai đem ra bán ở thị trường nên không có màu (thường gọi là “rượu trắng”). Nếu có ngâm thêm chất thuốc, chim, rắn, tắc kè, bửa củi… thì có màu nâu sậm gọi là “rượu thuốc”. Vì tính chất rượu đế không có qua khâu chứa ủ lâu năm trong thùng gỗ, không có màu, nên có thể sánh tương tự với các loại rượu ngoại khác như vodka chẳng hạn. Các loại rượu này cũng được chưng cất từ các loại ngũ cốc (bắp, lúa mạch, lúa mì, khoai tây…), được xếp vào loại rượu mạnh vì có độ rượu trên 30 độ đến 45 - 50 độ. Vì nồng độ rượu cao như vậy nên khi uống người ta thường pha rượu vodka với các loại nước trái cây cho “nhẹ” bớt.
Kính chào ông.
(Nguyệt san Pháp Luật TP.HCM số 162)