Tôi hiểu loáng thoáng là phải kính trọng thầy nhưng không hiểu rõ ý nghĩa cả bốn chữ này, nhất là chữ “đạo”. Anh Phó có thể giải thích rõ?
ANH PHÓ trả lời: Bạn Trần Văn Báu thân mến,
Thành ngữ “Tôn sư trọng đạo” đã có từ lâu, thể hiện sâu sắc nền văn hóa phương Đông, đặc biệt là ở nước ta, việc “tôn sư trọng đạo” thể hiện bằng thái độ tôn quý người thầy, là một truyền thống đạo đức tốt đẹp của dân tộc Việt Nam.
Kính trọng thầy là nguyên tắc cơ bản của Nho giáo đã được ghi trong sách vở kinh điển, cụ thể là Kinh Lễ. Trong thiên “Học ký”, những lý luận cơ bản của việc dạy và học trong các trường học ngày xưa, có câu: “Tôn sư nhiên hậu đạo trọng” (nghĩa là: Tôn trọng thầy thì đạo được trọng). Về sau, thành ngữ “Tôn sư trọng đạo” được dùng phổ biến, coi như kim chỉ nam trong cách cư xử ở đời.
“Tôn sư” là tôn kính thầy; còn “trọng đạo” thì được hiểu nhiều cách. Đạo là những gì thầy truyền dạy, là tiêu chuẩn đạo đức cao nhất, là mục đích con người luôn phấn đấu, gìn giữ… Nói chung, đạo là đạo lý, đạo nghĩa. “Tôn sư trọng đạo” là phải tôn kính thầy để thực hành đạo lý, đạo nghĩa của con người. Từ điển thành ngữ, tục ngữ Việt Nam của GS Nguyễn Lân giải thích ý nghĩa bốn chữ này như sau: “Nói lên truyền thống cao quý của dân tộc ta là kính trọng người thầy dạy mình” (Sđd, NXB Văn học, 2010, trang 399).
Thân mến.
(Nguyệt san Pháp Luật TP.HCM số 162)