Hiện nay theo tìm hiểu của chúng tôi, có rất nhiều “cò” đất, sàn giao dịch địa ốc thiếu chuyên nghiệp làm nhiễu loạn thị trường, gây sốt ảo về giá nhà, đất...
Khách hàng bức xúc
Có trường hợp nhân viên môi giới rao bán đất ở phường Long Trường (quận 9, TP.HCM), mặt tiền đường song hành, giá 250 triệu đồng/nền, thế nhưng đến khi khách hàng đi xem dự án thì bị chở một mạch đến huyện Long Thành, Đồng Nai.
Chị Tố Nga, quận Thủ Đức, bức xúc khi cho biết: “Nhiều khi cùng một dự án nhưng mỗi môi giới đưa ra một chương trình chiết khấu khác nhau. Thậm chí có nhân viên môi giới khi thấy khách hàng chê thì cũng hùa theo chê bai đủ kiểu dự án mà chính họ đang chào bán và “nâng bi” một dự án khác để chào hàng. Nhìn chung khi PR một sản phẩm nhà, đất thì họ chỉ mải giới thiệu nào là view sông, tiện di chuyển, không gian thoáng, tiện ích nội khu, ngoại khu, ưu đãi, chiết khấu… Đến khi được hỏi giấy tờ pháp lý của dự án ra sao thì lại ú ớ hoặc trả lời qua quýt theo kiểu “chị cứ yên tâm, mọi giấy tờ đều đầy đủ””.
Tạo ra những “cơn sốt” ảo
Ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Môi giới bất động sản (BĐS) Việt Nam, cũng thừa nhận những vụ việc như trên đang làm xấu hình ảnh của những người môi giới chân chính. Họ là những người đã và đang đóng góp rất nhiều vào sự phục hồi và phát triển của thị trường địa ốc trong hai năm trở lại đây.
Cũng theo ông Đính, dù luật quy định rất rõ ràng và đầy đủ về trách nhiệm của người hành nghề môi giới, sàn giao dịch, việc đăng ký hoạt động, cấp chứng chỉ hành nghề ra sao… nhưng việc thanh tra, kiểm tra của các cơ quan chức năng đối với các sàn BĐS hiện còn buông lỏng.
Một dự án đầy đủ pháp lý, minh bạch, chính là yếu tố quyết định để khách hàng chọn mua dự án. Ảnh: THÙY LINH
Người mua nhà, đất choáng ngợp vì có quá nhiều đơn vị tham gia thị trường môi giới nhà, đất. Ảnh: THÙY LINH
Ông Đính cũng cho biết có những người môi giới theo kiểu đầu cơ, thổi giá, tung thông tin sai lệch gây nhiễu loạn thị trường, gây thiệt hại đến người tiêu dùng. Chẳng hạn hồi đầu năm nay, phân khúc đất nền một số nơi như quận 9, Nhà Bè, Nhơn Trạch rơi vào tình trạng sốt ảo cũng do việc tung tin đồn của lực lượng đông đảo là các “cò” đất. Bởi theo đánh giá của cơ quan chức năng thì phần lớn trong số môi giới BĐS tại những khu vực này đều là những người không chuyên, mang tính cơ hội, chụp giựt là chính. Trong đó, những văn phòng môi giới nhà đất “cơ động” theo kiểu vài cái ghế cộng thêm cây dù che nắng dựng bên đường cũng mọc lên như nấm sau mưa.
Thả cửa đến bao giờ?
Anh Võ Thế Tùng, nhân viên môi giới tại một sàn BĐS lớn của TP, cho biết hiện toàn hệ thống sàn của công ty địa ốc này có khoảng 250 nhân viên kinh doanh nhưng chỉ có khoảng 21 người là giám đốc sàn, trưởng nhóm có chứng chỉ môi giới do Sở Xây dựng cấp. Và toàn bộ số nhân viên còn lại chỉ có chứng chỉ do chính sàn mà họ đang làm việc cấp.
Bên cạnh đó, anh Tùng cũng tiết lộ: “Đa số nhân viên môi giới BĐS thường chạy chân trong, chân ngoài chứ không chỉ “chung thủy” với một sàn giao dịch. Không hiếm nhân viên môi giới chỉ cần bán hàng đạt đủ chỉ tiêu để được trở thành nhân viên chính thức của một sàn, sau đó chạy đi bán hàng cho bên ngoài. Bởi hoa hồng môi giới cho các khách lẻ hoặc các dự án khác bao giờ cũng cao hơn rất nhiều so với chiết khấu hoa hồng của sàn chính thức”.
Theo số liệu của Hội Môi giới BĐS Việt Nam, hiện trên cả nước có khoảng 300.000 người hoạt động trong lĩnh vực môi giới BĐS nhưng chỉ có 100.000 người là chuyên nghiệp, tức là hoạt động thường xuyên tại các sàn, còn lại đa số là nghiệp dư. |
Để tránh được những rủi ro cho khách hàng cũng như nâng cao uy tín của các nhà môi giới địa ốc, ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Môi giới BĐS Việt Nam, cho rằng các cơ quan chức năng cần kiểm soát chặt chẽ hơn để các sàn giao dịch, người môi giới đi vào hoạt động nghiêm túc, bài bản. Đồng thời cũng cần đẩy mạnh các hoạt động giáo dục của những người hành nghề nhằm nâng cao tính chuyên nghiệp, dần đưa nghề môi giới đi vào chuẩn hóa. Quan trọng hơn cả là bắt buộc các chủ đầu tư, nhà môi giới phải công khai tính pháp lý của dự án.
“Chẳng hạn, đối với nhà liền thổ thì phải đưa xem giấy đỏ, đối với dự án nhà ở hình thành trong tương lai thì phải có giấy phép xây dựng, được phép huy động vốn, chứng thư bảo lãnh... Nếu làm tốt điều kiện này thì sẽ không có đất cho những người làm ăn kiểu lừa đảo và cũng là thước đo năng lực, tính chuyên nghiệp của sàn giao dịch BĐS. Qua đó hạn chế được những điểm yếu, tạo đà cho thị trường nhà, đất phát triển bền vững” - ông Đính nhấn mạnh.
Ngoài ra, ông Đính đề xuất khi chủ đầu tư giao dự án cho sàn giao dịch không đủ điều kiện hoạt động theo quy định của pháp luật, gây hậu quả nghiêm trọng sẽ bị sung công quỹ toàn bộ số tiền thu được từ hoạt động môi giới. Cùng với đó là đình chỉ hoạt động đối với các bên liên quan trong thời gian tối đa hai năm để khắc phục.
Cần có thẻ hành nghề môi giới Singapore có hẳn một trung tâm dữ liệu trong hoạt động môi giới và không cho phép người môi giới làm cùng lúc hai công ty. Những người làm nghề môi giới được đào tạo và được cấp mã số. Chỉ cần tra mã số là khách hàng sẽ biết đầy đủ thông tin chi tiết về người môi giới. Việc được đào tạo bài bản không chỉ giúp thị trường phát triển lành mạnh mà còn giúp người mua nhà tránh được rủi ro. Hơn nữa, nếu không trải qua các khóa đào tạo môi giới, họ sẽ không hiểu được dự án mà họ đang giới thiệu có đủ điều kiện để bán hay chưa và làm mọi cách để bán hàng bất chấp rủi ro. Ông PHẠM LÂM, Tổng Giám đốc Công ty CP BĐS |