Chiều 17-11, tại Hội nghị tiếp xúc cử tri cử tri báo cáo kết quả kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XV của Đoàn đại biểu Quốc hội ở trụ sở UBND - HĐND huyện Thanh Oai, TP Hà Nội, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn cho hay: Trong thời gian diễn ra kỳ họp thứ 4, thông qua Ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ngành giáo dục đã nhận được hơn 100 câu hỏi, ý kiến.
70% công chức, viên chức trong cả nước thuộc ngành giáo dục
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn tại buổi tiếp xúc cử tri chiều 17-11. Ảnh PHI HÙNG |
Cạnh đó, trong thời gian diễn ra phiên họp, phiên thảo luận về kinh tế - xã hội, các đại biểu Quốc hội cũng bày tỏ sự quan tâm đến tình trạng thiếu giáo viên, giáo viên nghỉ việc, bỏ việc hay một số chế độ, chính sách đối với nhà giáo, tăng cường cơ sở vật chất, trường học, điều kiện phục vụ dạy, học, đổi mới chương trình giáo dục...
Từ ý kiến của cử tri, các đại biểu Quốc hội đã phát biểu kiến nghị và Bộ cũng đã kiến nghị các nội dung liên quan.
Cụ thể, Quốc hội đã thống nhất thông qua việc rất quan trọng là nâng lương cơ sở từ 1.490 ngàn đồng lên 1.800 ngàn đồng/tháng cho công chức, viên chức từ 1-7-2023. Hiện số viên chức làm việc trong ngành giáo dục chiếm tới hơn 70% số công chức, viên chức cả nước.
Cũng theo ông Sơn, khi số viên chức trong cả nước được tăng lương đồng nghĩa với các giáo viên trong ngành cũng được hưởng sự chăm sóc quyền lợi. Bộ GD&ĐT đang phối hợp với Bộ Nội vụ trình Thủ tướng Chính phủ trong thẩm quyền của mình cố gắng tại thời điểm 1-7-2023, khi tăng mức lương cơ sở, sẽ điều chỉnh tăng phụ cấp ưu đãi cho giáo viên.
“Về mức độ cụ thể việc tăng phụ cấp ưu đãi đang được các bộ, ngành trao đổi và chúng tôi sẽ thông tin sớm để cử tri nắm được"- ông Sơn nói.
Môn lịch sửđã cụ thể hóa đầy đủ chủ trương
Cũng tại buổi tiếp xúc cử tri, Đại biểu Quốc hội Đỗ Đức Hồng Hà có báo cáo về các ý kiến không đồng tình về việc Bộ GD&ĐT đề xuất dự kiến môn Lịch sử là môn học lựa chọn ở bậc TPHT.
Theo ông Hà, ngay từ khi có kiến nghị, môn Lịch sử ở bậc THPT phải được là môn học bắt buộc thay vì là môn học lựa chọn theo định hướng nghề nghiệp theo Chương trình GDPT 2018, Bộ GD&ĐT đã có báo cáo gửi thường trực Ban Bí thư, Ban Tuyên giáo Trung ương, Thủ tướng Chính Phủ, UBND Văn hóa giáo dục của Quốc hội về việc xây dựng chương trình môn học Lịch sử trong Chương trình GDPT 2018.
Báo cáo của Bộ GD&ĐT đã trình bày cụ thể về nội dung giáo dục lịch sử trong chương trình GDPT. Cụ thể, từ lớp 1 đến lớp 9, giáo dục lịch sử là nội dung bắt buộc với tổng thời lượng là 260 tiết.
Giai đoạn định hướng nghề nghiệp từ lớp 10 đến lớp 12, Lịch sử là môn học lựa chọn theo định hướng nghề nghiệp, được bố trí trong tổ hợp khoa học xã hội với thời lượng 210 tiết và các chuyên đề học tập lựa chọn, thời lượng là 105 tiết.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Kim Sơn cho biết Bộ đã tiếp thu, điều chỉnh ngay từ đầu năm học và mọi việc diễn ra theo đúng kế hoạch, sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.