Trong chương trình giáo dục phổ thông 2018 được thực hiện ở bậc THPT với lớp 10, hoạt động trải nghiệm hướng nghiệp là hoạt động giáo dục bắt buộc với ba tiết/tuần.
Giáo viên chủ nhiệm phụ trách hoạt động trải nghiệm
“Không có giáo viên (GV) được đào tạo chính quy, lại là hoạt động mới nên đa phần các trường vừa làm vừa học hỏi. Nhà trường xoay xở bằng nhân lực hiện có” - ông Tô Lâm Viễn Khoa, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Gia Định (quận Bình Thạnh), cho hay.
Ông Khoa cho biết trường đã thành lập tổ hoạt động trải nghiệm. Trong đó, GV chủ nhiệm là người phụ trách chính về hoạt động này. Để đứng lớp, GV phải trải qua quá trình tập huấn về chuyên môn. “Tại trường, học sinh (HS) sẽ học hoạt động trải nghiệm vào sáng thứ Bảy. Hoạt động này được thực hiện khá phong phú, có khi tổ chức dưới sân, có khi tổ chức trên lớp” - ông Khoa nói.
Theo ông Khoa, chương trình gồm chín chủ đề, một tháng một chủ đề. Một tuần gồm ba tiết, trong đó GV chủ nhiệm phụ trách một tiết, hai tiết còn lại sẽ do GV thuộc các môn còn thiếu giờ giảng dạy.
Một tiết học hoạt động trải nghiệm hướng nghiệp tại Trường THPT Nguyễn Thái Bình (quận Tân Bình). Ảnh: NGUYỄN QUYÊN |
Tương tự, tại Trường THPT Cần Thạnh (huyện Cần Giờ), GV chủ nhiệm cũng được phân công phụ trách một số chủ đề trong hoạt động trải nghiệm hướng nghiệp. Lý do được ông Lương Văn Minh, Hiệu trưởng nhà trường, đưa ra: Vì họ theo sát HS trong suốt năm học nên sẽ dễ dàng hướng nghiệp. Bên cạnh đó, trường còn phân công thêm những GV còn thiếu tiết nghĩa vụ như địa lý, công nghệ, vật lý đứng lớp giảng dạy. Những GV này sẽ được tập huấn trước khi lên tiết.
Ông Đặng Đình Quý, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Thái Bình (quận Tân Bình), chia sẻ: Khi thực hiện chương trình lớp 10 mới, xuất hiện tình trạng thừa, thiếu GV cục bộ. Không có GV chính quy hoạt động trải nghiệm nhưng lại thừa GV những bộ môn ít được HS chọn như công nghệ nông nghiệp, sinh học, hóa học… Do đó, để đảm bảo bài toán nhân sự, những GV này đã được đào tạo để phụ trách hoạt động trên.
Việc triển khai hoạt động trải nghiệm hướng nghiệp tại Trường THPT Nguyễn Hữu Cầu (huyện Hóc Môn) diễn ra thuận lợi. Theo lãnh đạo nhà trường, nội dung chương trình này tương tự như hoạt động ngoại khóa. Trong khi thời gian qua, đây là thế mạnh của trường với đội ngũ GV có kinh nghiệm. Do đó, trường đã giao cho các GV này phụ trách thêm hoạt động trên. Những GV trên đến từ các môn sinh học, ngữ văn, giáo dục công dân, lịch sử. “Ban giám hiệu bám sát các giờ dạy từ duyệt kế hoạch đến khi triển khai. Đây là hoạt động bắt buộc và rất quan trọng, nếu làm không khéo sẽ ảnh hưởng đến HS” - ông Võ Nu, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Hữu Cầu, nói thêm.
Đối với khối trường ngoài công lập, ông Nguyễn Đình Độ, Hiệu trưởng Trường THPT Thành Nhân (quận Tân Phú), cho hay: Cách đây 6-7 năm về trước, trường đã thực hiện việc dạy kỹ năng sống. GV được đào tạo và có kinh nghiệm. Vì thế, việc triển khai hoạt động này khá thuận lợi.
Thích thú học hoạt động trải nghiệm
Để HS hứng thú với giờ học, cô Nguyễn Thị Hảo, GV Trường THPT Nguyễn Thái Bình, đã bắt đầu tiết học hoạt động trải nghiệm bằng một số trò chơi. Với trò chơi bắn tim, em bị bắn tim sẽ phải đề cập đến một phẩm chất của HS trong bài học vừa qua. Qua trò chơi đóng vai, mỗi nhóm sẽ xây dựng một tình huống tương ứng với từng phẩm chất của HS.
Với vai trò là nhóm trưởng nhóm 4, Phạm Mai Quyên (HS lớp 10A14) đã cùng các bạn xây dựng tình huống về gian lận trong kiểm tra để nói đến đức tính trung thực của HS.
Hào hứng với tiết học, Mai Quyên chia sẻ tiết học hoạt động trải nghiệm hướng nghiệp khá thú vị. Giờ học sôi nổi vì tụi em không chỉ ngồi nghe cô giảng mà còn có cơ hội tham gia nhiều hoạt động đặc biệt như thuyết trình, đóng vai.
“Những chủ đề trong chương trình khá gần gũi. Vì thế, em và các bạn đều mong chờ đến tiết học này. Nó tạo điều kiện cho tụi em thể hiện năng lực của bản thân” - Mai Quyên nói thêm.
Cô Hảo cho biết giờ hoạt động trải nghiệm, GV chỉ mang tính chất khơi gợi, HS hoạt động là chính. “Từng phẩm chất của HS sẽ được thể hiện qua việc các em xử lý tình huống. Việc đóng vai và làm việc nhóm sẽ là điều kiện để các em thể hiện bản thân” - cô Hảo nói thêm.
Để dạy tốt tiết học trên, cô Hảo phải tham gia các lớp tập huấn, tìm tòi, đọc thêm tài liệu, học hỏi kinh nghiệm từ GV trường bạn.
Năm học 2022-2023, cô Nguyễn Thị Hương, GV Trường THPT Nguyễn Hữu Cầu, cũng được giao phụ trách thêm chuyên đề nâng cao phẩm chất HS và văn hóa đọc trong nhà trường của hoạt động trải nghiệm hướng nghiệp.
Để triển khai hoạt động này, trường cô thành lập tổ hoạt động trải nghiệm hướng nghiệp. Trong đó, ban giám hiệu giữ vai trò chỉ đạo, quán xuyến về mặt nội dung. GV giảng dạy chủ yếu là GV các bộ môn giáo dục công dân, địa lý, công nghệ… đã được tập huấn về mặt chuyên môn.
“Hoạt động trải nghiệm là cơ hội để các em hoạt động, thầy cô giữ vai trò định hướng. HS khá hứng thú với tiết học. Chương trình này tương tự với hoạt động ngoại khóa trường từng triển khai. Hoạt động này đánh giá bằng nhận xét qua các sản phẩm của các em sau khi kết thúc các chủ đề” - cô Hương nói thêm.
Bố trí giáo viên phù hợp với điều kiện của trường
Căn cứ vào điều kiện thực tế của nhà trường, hiệu trưởng phân công cán bộ quản lý, GV đảm nhận việc tổ chức các hoạt động phù hợp với năng lực.
Kế hoạch tổ chức hoạt động được xây dựng phù hợp với điều kiện thực tiễn của nhà trường; tăng cường phối hợp với cha mẹ HS, chính quyền địa phương, tổ chức, cá nhân có liên quan để tổ chức cho HS thực hiện các hoạt động trong và ngoài nhà trường.
Người được phân công tổ chức hoạt động nào thực hiện việc kiểm tra, đánh giá thường xuyên đối với hoạt động đó theo kế hoạch.
Bài kiểm tra, đánh giá định kỳ được xây dựng phù hợp với điều kiện thực tiễn của nhà trường, nội dung kiểm tra, đánh giá bao gồm nội dung các hoạt động đã thực hiện đến thời điểm kiểm tra.
(Theo Sở GD&ĐT TP.HCM)