Chiến dịch phản công của các lực lượng Ukraine vào tỉnh Kharkiv phía đông bắc đã giúp chính quyền Kiev giành được phần nào thế chủ động. Ukraine bắt đầu đưa ra những điều kiện để hai nước có thể tiến tới đàm phán hòa bình và chấm dứt chiến tranh.
Ukraine, Nga cùng đưa ra điều kiện đàm phán
Trả lời phỏng vấn của đài RBC (Ukraine) ngày 13-9 (giờ địa phương), Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba nhận định nước này sẵn sàng ngồi vào bàn đàm phán. Các đối tác của Ukraine cũng không phản đối giải pháp ngoại giao.
|
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky (giữa) trong một cuộc họp báo ở thủ đô Kiev |
“Mọi cuộc chiến đều kết thúc bằng đàm phán nhưng vị thế trên bàn đàm phán mới là vấn đề quan trọng. Hiện nay các cuộc đàm phán với Nga đang được tiến hành” - ông Kuleba khẳng định.
Trong khi đó, trong một cuộc phỏng vấn khác với kênh France24 cùng ngày, Phó Thủ tướng Ukraine Olga Stefanishyna khẳng định việc Ukraine giành lại nhiều vùng lãnh thổ ở Kharkiv đang tạo bước ngoặt trong cuộc xung đột với Nga.
“Đó không chỉ là bước ngoặt của cuộc chiến toàn diện mà còn là bước ngoặt của cuộc chiến vốn bắt đầu vào mùa xuân năm 2014” - bà Stefanishyna nói, đề cập xung đột kéo dài hơn tám năm qua giữa quân đội Ukraine và phe ly khai ở vùng Donbass phía đông.
Bà Stefanishyna còn tiết lộ những ngày gần đây, giới chức Nga đã bắt đầu tìm cách tiếp cận phía Ukraine và đưa ra các điều khoản hòa đàm để đạt được lệnh ngừng bắn.
Moscow hiện chưa bình luận về những tuyên bố này, song hồi đầu tuần, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho biết Moscow vẫn để ngỏ đối thoại với Kiev. “Chúng tôi không từ chối các cuộc đàm phán nhưng phía Ukraine nên hiểu rằng họ càng trì hoãn quá trình này thì họ càng khó đàm phán với chúng tôi” - ông Lavrov lưu ý.
Ukraine công bố dự thảo cơ chế đảm bảo an ninh
Ngoài vấn đề đàm phán với Nga, Văn phòng tổng thống Ukraine ngày 13-9 còn công bố thêm một tài liệu dự thảo về cơ chế đảm bảo an ninh cho nước này sau khi chiến sự kết thúc với tên gọi “Hiệp ước an ninh Kiev về đảm bảo an ninh quốc tế cho Ukraine: Những khuyến nghị”, theo hãng tin Reuters.
Nội dung của tài liệu nêu rõ Kiev muốn Liên minh châu Âu (EU), Mỹ, Anh, Úc và Thổ Nhĩ Kỳ đứng ra bảo lãnh an ninh cho Ukraine, còn Nga không có tên trong danh sách. Bản dự thảo đáng chú ý cũng không đề cập các điều khoản về tình trạng trung lập của Ukraine, không có điều khoản về phi quân sự hóa như đã đàm phán với Nga hồi tháng 3 nhưng có điều khoản về việc các nước EU nên thiết lập nguồn cung vũ khí thường xuyên cho Ukraine và trợ giúp nước này về tài chính.
Tài liệu còn gồm một số nội dung về đầu tư nước ngoài vào các căn cứ quân sự Ukraine; hoạt động chuyển giao vũ khí, phối hợp tình báo, cũng như cơ chế các cuộc tập trận mà Kiev tham gia.
Văn phòng tổng thống Ukraine khẳng định Tổng thống Volodymyr Zelensky đã hối thúc nhóm chuyên gia phác thảo dự thảo an ninh nói trên tiếp tục hoàn thiện tài liệu này với mục tiêu cuối cùng là các cường quốc trên thế giới ký vào hiệp ước.
Trả lời câu hỏi của PV hôm 12-9 về phản ứng của Moscow trước bước tiến của quân đội Ukraine ở Kharkiv, phát ngôn viên điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết giới chức Nga hiện chưa thảo luận về việc huy động thêm binh sĩ và tiếp tục xác nhận việc Nga rút khỏi Kharkiv chỉ là để chuyển hướng sang Donetsk, theo tờ The Moscow Times.
Cựu Tổng thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Anders Fogh Rasmussen đã lên tiếng cam kết phối hợp cùng Ukraine trong trình bày dự thảo với Mỹ và các nước lớn khác.
Theo Reuters, cơ chế đảm bảo an ninh cho Ukraine là điểm mấu chốt trong các cuộc đàm phán với Nga tại Thổ Nhĩ Kỳ hồi tháng 3. Nga khi đó đặt điều kiện là nếu Ukraine đáp ứng các yêu cầu về việc giới hạn quy mô quân đội, cam kết trung lập không gia nhập NATO, công nhận Crimea thuộc Nga và công nhận độc lập hai vùng ly khai ở Donbass thì Ukraine có thể nhận được sự đảm bảo an ninh của một số nước, trong đó có Nga.
Sau khi Ukraine công bố văn kiện mới nhất, Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev đã cảnh báo việc triển khai các điều khoản nói trên không giống với các điều kiện mà Nga đã đưa ra có thể dẫn đến nguy cơ xung đột toàn cầu.
Ông Medvedev, người từng giữ chức tổng thống Nga từ năm 2008 đến 2012, mô tả các đề xuất của văn kiện mà Ukraine mới công bố giống Điều 5 Hiệp ước NATO, vốn yêu cầu các quốc gia thành viên NATO trợ giúp một quốc gia thành viên khác trong trường hợp bị tấn công. Nga chắc chắn không chấp nhận cách tiếp cận này và việc phương Tây bơm thêm vũ khí cho Kiev sẽ khiến chiến dịch quân sự của Nga chuyển sang cấp độ khác.•
Nga đẩy mạnh tiến công, Ukraine muốn được viện trợ thêm vũ khí
Theo thông báo của Bộ Quốc phòng Nga ngày 13-9, các lực lượng không quân, tên lửa và pháo binh Nga vẫn đang tiến hành “các cuộc tấn công lớn” vào các vị trí của lực lượng Ukraine, theo hãng thông tấn TASS. Các mục tiêu bị nhắm vào gồm các đơn vị Ukraine xung quanh các TP Slavyansk và Konstantinovka ở miền Đông Ukraine và Artemovsk và Kurdyumovka ở CHND Donetsk tự xưng. Thông báo cho biết các cuộc pháo kích của Nga đã loại khỏi vòng chiến hơn 800 binh sĩ Ukraine và nước ngoài.
Bộ Quốc phòng Nga cho biết thêm các cuộc tấn công tiếp theo nhắm vào các đơn vị Ukraine ở phía nam và gần Kharkiv ở phía bắc, trong khi một loạt cuộc tấn công khác đã quét sạch một bãi chứa đạn 45.000 tấn gần thị trấn Voznesensk ở vùng Nikolaev và làm thiệt mạng 300 lính Ukraine.
Tờ The Wall Street Journal cho biết để đối phó với các đợt tiến công mới nhất của Nga, phía Ukraine đã liên lạc và đề nghị Mỹ cung cấp tên lửa đạn đạo chiến thuật tầm xa hơn như Hệ thống tên lửa chiến thuật lục quân (ATACMS) có tầm bắn tới 300 km. Dù vậy, giới chức Washington đến nay từ chối đề nghị do lo ngại Moscow sẽ coi đây là hành động leo thang lớn, có khả năng lôi kéo NATO vào cuộc xung đột.