Cơ hội tốt nhất tìm thỏa thuận ngừng bắn Gaza

(PLO)- Các nhà hoà giải đang nỗ lực để đạt được thỏa thuận ngừng bắn Gaza mà theo Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken là “cơ hội tốt nhất và có thể là cuối cùng".

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Tuần này, các cuộc đàm phán về thỏa thuận ngừng bắn ở Dải Gaza, do Mỹ, Ai Cập và Qatar làm trung gian, sẽ được nối lại tại thủ đô Cairo (Ai Cập) sau cuộc họp kéo dài hai ngày tại Doha (Qatar) tuần trước tập trung vào các đề xuất bắc cầu do Washington đưa ra, theo hãng tin Reuters.

Theo tờ The Times of Israel, đề xuất bắc cầu nhằm “cố gắng thu hẹp một số khoảng cách hoặc làm rõ những phần khác nhau của thỏa thuận” mà Tổng thống Biden đề xuất hồi tháng 5 gồm 3 bước: (1) Israel rút quân khỏi Gaza, 2 bên ngừng giao tranh, (2) các bên bắt đầu trao trả con tin, người Palestine bị giam trong các nhà tù ở Israel, (3) bắt đầu quá trình tái thiết Gaza.

Cơ hội cuối cho thỏa thuận ngừng bắn Gaza.jpg
Tổng thống Israel Isaac Herzog (phải) và Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken tại Tel Aviv (Israel) hôm 19-8. Ảnh: REUTERS

Cơ hội tốt nhất

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đang có chuyến công du Israel, Ai Cập và Qatar từ ngày 17 đến 21-8 nhằm tiếp tục các nỗ lực ngoại giao mạnh mẽ nhằm đạt được thỏa thuận ngừng bắn và thả con tin thông qua đề xuất bắc cầu của Mỹ, với sự hỗ trợ của Ai Cập và Qatar.

Ông Blinken gọi nỗ lực ngoại giao mới nhất của Washington nhằm đạt được thỏa thuận ngừng bắn Gaza "có lẽ là cơ hội tốt nhất, có thể là cơ hội cuối cùng" và kêu gọi tất cả các bên nỗ lực hết sức để đạt được thỏa thuận. “Tôi ở đây như một phần của nỗ lực ngoại giao chuyên sâu theo chỉ thị của Tổng thống [Joe] Biden nhằm cố gắng đưa thỏa thuận này đi đến hồi kết và cuối cùng là hoàn tất... Đã đến lúc tất cả mọi người phải nhất trí và không tìm bất kỳ lý do nào để nói không” - ông Blinken nói trước cuộc gặp với Tổng thống Israel Isaac Herzog.

"Chúng tôi đang nỗ lực để đảm bảo rằng không có sự leo thang, không có sự khiêu khích, không có hành động nào có thể khiến chúng ta không đạt được thỏa thuận [ngừng bắn Gaza], hoặc thậm chí làm leo thang xung đột sang những nơi khác và ở mức độ dữ dội hơn" - theo Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken.

Ngày 19-8, sau một ngày họp với các quan chức Israel, bao gồm cuộc họp kéo dài 2 tiếng rưỡi với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, ông Blinken cho hay ông Netanyahu đã chấp nhận đề xuất bắc cầu của Mỹ.

“Trong một cuộc họp rất mang tính xây dựng với Thủ tướng Netanyahu, ông ấy đã xác nhận với tôi rằng Israel chấp nhận đề xuất bắc cầu. Bây giờ Hamas có trách nhiệm phải làm như vậy, và sau đó các bên, với sự giúp đỡ của các bên trung gian là Mỹ, Ai Cập và Qatar phải cùng nhau hoàn tất quá trình đạt được sự hiểu biết rõ ràng về cách họ sẽ thực hiện các cam kết mà họ đã đưa ra theo thỏa thuận này” - theo ông Blinken.

Ông Blinken cho biết ông Netanyahu đã "cam kết cử nhóm chuyên gia cấp cao của mình" để tiếp tục đàm phán, "nhưng trước hết và quan trọng nhất, chúng tôi trông đợi Hamas ủng hộ đề xuất bắc cầu".

Theo tờ The Guardian, Mỹ và các nhà hoà giải hy vọng thoả thuận ngừng bắn sẽ làm giảm căng thẳng ở Trung Đông và kiềm chế Iran và Hezbollah hành động trả đũa Israel quy mô lớn có thể khiến cuộc chiến ở Gaza trượt vào một cuộc xung đột toàn khu vực. Washington cũng muốn làm trung gian cho một thỏa thuận trước khi trọng tâm của Mỹ chuyển sang cuộc bầu cử tổng thống.

Còn bất đồng giữa Israel-Hamas

Bên cạnh sự lạc quan của phía Mỹ về thỏa thuận ngừng bắn Gaza, theo các nguồn tin từ Israel, Palestine và các nguồn tin khác nắm rõ các cuộc đàm phán nói rằng vẫn tồn tại khoảng cách lớn giữa Israel và Hamas, theo Reuters.

Thành viên cấp cao của Hamas Osama Hamdan đã chỉ trích tuyên bố của ông Blinken khi ngoại trưởng Mỹ nói thủ tướng Israel chấp nhận đề xuất bắc cầu của Washington. Ông Hamdan nói rằng đề xuất "gây ra nhiều sự mơ hồ" vì nó "không phải là những gì đã được trình bày với chúng tôi cũng như không phải là những gì chúng tôi đã đồng ý".

Ông Hamdan nói với Reuters rằng Hamas đã xác nhận với các nhà trung gian rằng "chúng tôi không cần các cuộc đàm phán ngừng bắn mới ở Gaza, chúng tôi cần thống nhất về một cơ chế thực hiện".

Thỏa thuận ngừng bắn Gaza.jpg
Mặt trời lặn trên Dải Gaza. Ảnh: REUTERS

Phía Hamas cũng cáo buộc Thủ tướng Netanyahu “vẫn đang tạo ra những trở ngại trên con đường đạt được thỏa thuận và đang đặt ra những điều kiện và yêu cầu mới nhằm mục đích làm suy yếu nỗ lực của các nhà hòa giải và kéo dài cuộc chiến”, theo hãng tin Axios hôm 18-8.

Nhiều tháng đàm phán liên tục xoay quanh cùng một vấn đề, với Israel nói rằng cuộc chiến chỉ có thể kết thúc bằng việc tiêu diệt Hamas với tư cách là một lực lượng quân sự và chính trị. Trong khi đó, Hamas nói rằng họ sẽ chỉ chấp nhận lệnh ngừng bắn vĩnh viễn chứ không phải tạm thời.

Ngoài ra, kể từ khi bắt đầu cuộc xung đột Israel-Hamas, danh tính và số lượng con tin Israel và người Palestine bị giam trong các nhà tù Israel được trao đổi đã gây tranh cãi.

Về biên giới Gaza-Ai Cập, Hamas muốn Israel rút quân hoàn toàn khỏi Dải Gaza, bao gồm Hành lang Philadelphi, một dải đất hẹp dài 14,5 km dọc theo biên giới phía nam của Gaza với Ai Cập. Israel muốn giữ quyền kiểm soát Hành lang Philadelphi, nơi họ đã chiếm được vào cuối tháng 5.

Vấn đề này cũng dường như gây chia rẽ trong nội bộ Israel. Ông Netanyahu nói rằng chỉ có sự hiện diện của quân đội Israel tại biên giới mới có thể ngăn chặn được việc buôn lậu vũ khí, trong khi các quan chức quốc phòng nói rằng khu vực này có thể được giám sát từ xa và quân đội có thể tiến hành đột kích nếu cần.

Biểu tình ủng hộ Palestine tại đại hội đảng Dân chủ

Ngày 19-8 (giờ địa phương), hàng chục nghìn người biểu tình ủng hộ Palestine tập trung bên ngoài tòa nhà tổ chức Đại hội toàn quốc đảng Dân chủ (TP Chicago, bang Illinois) để phản đối chính sách của của chính quyền Tổng thống Biden đối với Israel, theo hãng tin Reuters.

Các nhà tổ chức buổi biểu tình cho biết rằng những người tham gia biểu tình đến từ các cộng đồng người Palestine và Ả Rập ở Illinois và các bang lân cận.

Nhóm an ninh của đại hội đảng Dân chủ xác nhận rằng những người biểu tình đã vượt qua một phần hàng rào ở bên ngoài gần hội trường đại hội, nhưng cho biết lực lượng thực thi pháp luật đã hành động nhanh chóng và không có mối đe dọa nào đối với những người tham dự.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm