Gaza đỉnh điểm nạn đói sau 10 tháng xung đột

(PLO)- Cuộc chiến ở Gaza kéo dài đã 10 tháng, kéo theo đó là nạn đói khủng khiếp, nạn cướp bóc hoành hành và sự tuyệt vọng len lỏi trên khắp dải đất.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sau 10 tháng xung đột, người dân Gaza vẫn đang phải vật lộn để kiếm thức ăn. Nhiều tháng phụ thuộc vào thực phẩm đóng hộp và ít được tiêu thụ trái cây, rau, thịt đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của người dân.

Theo Liên Hợp Quốc, nhiều người đã chết vì suy dinh dưỡng. Gần như toàn bộ 2,2 triệu cư dân của Gaza đối mặt với tình trạng mất an ninh lương thực nghiêm trọng.

Cuộc chiến ở Gaza
Người dân TP Khan Younis sơ tán hôm 11-8. Ảnh: THE WALL STREET JOURNAL

Nạn đói vẫn hoành hành

Theo Liên Hợp Quốc và các nhóm nhân đạo, lượng viện trợ đến tay người dân Gaza đã giảm kể từ khi Israel tấn công vào TP Rafah hồi tháng 5. Rafah là TP biên giới phía nam nơi Gaza và có hơn 1 triệu người dân Palestine trú ẩn. Đây là nơi có một phần đáng kể cơ sở hạ tầng phân phối viện trợ vào Gaza.

"Lượng viện trợ có thể mang từ các cửa khẩu biên giới vào Gaza đã giảm hơn một nửa kể từ đầu tháng 5, khi cửa khẩu Rafah bị đóng" – phát ngôn viên của Liên Hợp Quốc cho biết vào tuần trước.

Phía Liên Hợp Quốc cũng cho biết số lượng xe tải trung bình vào Gaza mỗi ngày đã giảm từ 169 xe vào tháng 4, xuống còn dưới 80 xe vào tháng 6 và tháng 7.

Người dân ở khu vực TP Khan Younis (phía nam Gaza) cuối tuần qua đã phải tìm nơi ở mới, sau lệnh sơ tán của Israel. Lệnh sơ tán được đưa ra một ngày sau khi Israel tấn công một trường học ở Gaza, làm nhiều người thiệt mạng.

Bà Juliette Touma – người phát ngôn Cơ quan Liên Hợp Quốc về người tị nạn Palestine – cho biết đã chuyển phần lớn các hoạt động cứu trợ của cơ quan này từ Rafah đến trung tâm dải đất, đi theo dòng người sơ tán. Tuy nhiên, với tình trạng sơ tán liên tục, khu vực người dân trú ẩn thường xuyên thay đổi, khiến việc thành lập các trung tâm cứu trợ như ở Rafah trở nên khó khăn.

Cuoc-chien-o-Gaza.jpg
Một trẻ em nằm trên sàn nhà một bệnh viện tại Khan Younis. Ảnh: THE WALL STREET JOURNAL

Nguồn viện trợ khan hiếm

Cogat – cơ quan quân sự Israel chịu trách nhiệm tạo điều kiện cho các chuyến hàng viện trợ vào Gaza – cho biết có 4 cửa khẩu được phép chuyển hàng hóa vào Gaza, bao gồm 3 cửa khẩu mới mở gần đây. Tuy nhiên, các nhóm cứu trợ cho biết một số cửa khẩu trong số này ưu tiên hàng hóa thương mại hơn là hàng cứu trợ và việc mở những cửa khẩu này cũng không thể bù đắp được những thiệt hại do việc đóng cửa khẩu Rafah.

Sự sụp đổ của luật pháp và trật tự tại Gaza, cùng với sự gia tăng nạn buôn lậu hàng cấm như thuốc lá đã khiến xe tải cứu trợ trở thành mục tiêu của bọn tội phạm. Ngay cả khi xe tải đi qua được cửa khẩu, các nhóm tội phạm cũng thường cướp các xe tải này, trước khi hàng cứu trợ đến được tay người dân. Một số nhóm cứu trợ đã phải tạm dừng hoạt động tại Gaza vì hoạt động cứu trợ giờ đây khá nguy hiểm.

"Chúng tôi đã thụt lùi. Bây giờ chúng tôi đang ở trong tình trạng thực sự tuyệt vọng" – ông Sean Carroll, chủ tịch một nhóm viện trợ nhân đạo tại Gaza, cho biết.

Việc thiếu viện trợ nhân đạo khiến người dân Gaza thêm phần khốn đốn. Đầu cuộc chiến, bà Samaher Arafat đã sơ tán từ TP Gaza đến TP Rafah. Tại căn lều của bà ở Rafah, bà Arafat có thể dễ dàng nhận được các phần viện trợ.

Tuy nhiên, khi Israel bắt đầu tấn công Rafah hồi tháng 5, bà Arafat đã phải chuyển đến miền trung dải đất. Nhiều tuần liền, bà Arafat không nhận được viện trợ.

“Chị gái tôi sống trong lều bên cạnh đã sụt hơn 20 kg kể từ khi xung đột bắt đầu. Trong hai ngày qua, chúng tôi đã sống nhờ vào số rau củ mà con trai tôi tìm thấy trên mặt đất, sau khi những chiếc xe viện trợ bị cướp bóc” – bà Arafat nói.

Tại TP Gaza, cô Tahani Mounir dành nhiều giờ để suy nghĩ về cách chia lượng thực phẩm hiếm hoi cô có cho những đứa con của cô. Trong những đứa trẻ này, cô con gái 14 tuổi đang bị bệnh vàng da, trong khi cậu con trai 9 tuổi bị nhiễm giun đường ruột. Cả hai bé đều đang sụt cân nhanh chóng.

Trong nhiều tháng từ khi cuộc chiến ở Gaza nổ ra, gia đình cô Mounir sống chủ yếu nhờ vào thực phẩm đóng hộp và hiếm khi được tiếp cận với rau tươi, thịt và thuốc men. Điều này khiến việc điều trị bệnh cho hai con cô thêm khó khăn.

"Thuốc giảm đau là thứ duy nhất tôi có thể cho con. Tôi vẫn không thể mang đến cho các con tôi những thực phẩm tốt hơn” – cô Mounir nói.

c76e87c57c71144014bf0b360b0cb74e7c600106.jpg
Người dân nhận thực phẩm tại trại tị nạn Jabalia (bắc Gaza). Ảnh: THE WALL STREET JOURNAL

"Lần cuối cùng chúng tôi ăn thịt là cách đây 1 tháng, khi chúng tôi mua 2 kg cá" – cô Mounir kể.

Trong khi đó, khi xe tải chở hàng viện trợ giao đến tay gia đình cô Mounir ở TP Gaza, phần lớn những gì còn lại trên xe tải là bột mì hoặc đậu đóng hộp. Tuy nhiên, nếu không có các nguyên liệu khác, thì những thực phẩm này không dễ chế biến.

Theo cô Mounir, để chế biến bột mì thành món ăn, cô cần phải bỏ tiền mua nhiều nguyên liệu khác như dầu ăn. Nhưng hiện giờ, gia đình cô không có đủ khả năng để mua thêm những nguyên liệu như vậy.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm