Hàng loạt tồn tại, bất cập về khai thác khoáng sản được đại diện Bộ TN&MT và Bộ Công Thương thừa nhận, chỉ ra trong buổi tọa đàm trực tuyến “Khai thác tài nguyên kháng sản: Minh bạch và hiệu quả”. Buổi tọa đàm do Cổng thông tin Chính phủ tổ chức ngày 3-12.
Luật quá hở, kẻ xấu lợi dụng
. Cổng thông tin Chính phủ: Theo một lãnh đạo trong ngành thanh tra, khoáng sản là một trong bốn lĩnh vực tham nhũng tinh vi nhất. Chúng ta cần nhìn nhận vấn đề này như thế nào?
+ Ông Nguyễn Linh Ngọc, Thứ trưởng Bộ TN&MT: Tham nhũng tinh vi có thể hiểu như thế này: Để cấp phép khai thác khoáng sản phải theo một quy trình rất chặt. Tuy nhiên, phải thừa nhận là ở đâu đó có trường hợp cái mỏ này là “của đồng chí này”, cái mỏ kia là “của đồng chí kia”. Tham nhũng ở đây có lợi ích nhóm vì khi giao quyền khai thác cho một cá nhân, có nghĩa là mỏ đó thuộc về một nhóm người. Vấn đề là ở chỗ này.
Ngày 18-11, hồ chứa bùn đỏ khai thác titan ở tỉnh Bình Thuận bị vỡ, tràn ra đường. Ảnh: PN
+ Ông Nguyễn Mạnh Quân, Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nặng - Bộ Công Thương: Vì sao nói đây là tham nhũng tinh vi? Vì khối lượng khoáng sản nằm trong lòng đất, việc xác định khối lượng của nó khó có độ tin cậy. Kết quả thăm dò nhiều khi không hoàn toàn chính xác. Điều tra cơ bản thậm chí sai số đến 100%. Điều này tạo nên những kẽ hở cho tham nhũng. Mặt khác, cần hiểu tham nhũng ở đây bao gồm cả gian lận thương mại, trốn thuế… Nguyên nhân là do pháp luật về thuế, về phân cấp quản lý nguồn thu cho địa phương còn nhiều bất cập, chế tài chưa nghiêm.
. Có hơn 450/900 giấy phép khai thác khoáng sản do chính quyền địa phương cấp sai từ năm 2011-2012. Đâu là nguyên nhân và trách nhiệm của Bộ TN&MT trong việc này như thế nào?
+ Ông Nguyễn Linh Ngọc: nhiều địa phương nôn nóng trước áp lực phát triển kinh tế nên xảy ra tình trạng này. Tuy nhiên, Bộ TN&MT cũng thấy có trách nhiệm vì ban hành văn bản hướng dẫn còn chậm; thanh tra, kiểm tra chưa thường xuyên… Bộ đã kiểm điểm, tăng cường việc thanh kiểm tra để chấn chỉnh.
Khai thác chụp giựt
. Hiện có trên 70% giấy phép khai thác khoáng sản do địa phương cấp có thời hạn dưới năm năm, quá ngắn trong việc khai thác mỏ?
+ Ông Nguyễn Linh Ngọc: Trước đây, khi địa phương cấp giấy phép khai thác mỏ thì không phải thăm dò và chỉ cấp phép cho làm có 3-5 năm. Tôi chưa thấy một nước nào trên thế giới lại đầu tư, khai thác một mỏ khoáng sản chỉ từng ấy năm.
Việc thăm dò rất quan trọng để biết được trữ lượng khoáng sản là bao nhiêu, để đầu tư trang thiết bị cho việc khai thác, chế biến. Nhưng người ta đã không thăm dò vì sợ mất một khoản chi phí. Hơn nữa, doanh nghiệp làm mỏ ở ta không có tài chính và họ cứ nghĩ vào xúc khoáng sản ra để bán là có tiền nên rất “ngại” bỏ ra 1-2 tỉ đồng cho việc thăm dò đó. Luật Khoáng sản mới đã hạn chế điều này, là mỏ lớn nay nhỏ đều phải thăm dò.
. Có nhiều doanh nghiệp được cấp phép khai thác khoáng sản nhưng không thực hiện cam kết xây dựng hạ tầng cho địa phương. Một số doanh nghiệp chưa nộp tiền thuê đất, ký quỹ cải tạo phục hồi môi trường. Vì sao có việc này?
+ Ông Nguyễn Mạnh Quân: Chúng tôi cho rằng xảy ra tình trạng doanh nghiệp không nộp các khoản thu cho Nhà nước có lỗi cả hai phía: doanh nghiệp và Nhà nước. Về phía cơ quan quản lý nhà nước chưa có chế tài nghiêm minh. Mặt khác, chưa có cơ chế đồng bộ để doanh nghiệp thực hiện nghĩa vụ của mình. Việc hỗ trợ địa phương, hỗ trợ người dân thì không được đưa vào chi phí giá thành.
Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, từ năm 2009 đến 2011, mỗi năm Việt Nam xuất khẩu 2,1-2,6 triệu tấn khoáng sản các loại (không kể than, dầu thô) chủ yếu sang Trung Quốc và chỉ mang lại giá trị 130-230 triệu USD. Năm 2012, lượng khoáng sản xuất đi còn gần 800.000 tấn chính ngạch, đó là chưa kể số xuất lậu, xuất qua đường biên mậu. |
HOÀNG VÂN