Trên số báo trước, Pháp Luật TP.HCM có thông tin về việc Sở GTVT TP.HCM có văn bản báo cáo UBND TP.HCM về việc triển khai nghiên cứu xây dựng hai cây cầu mới thay cho cầu Cát Lái. Theo Sở GTVT TP, phương án về vị trí cầu Cát Lái đã quy hoạch trước đó không đảm bảo tính khả thi để thực hiện.
Cần đánh giá tác động giao thông
Trao đổi với PV, TS - kiến trúc sư (KTS) Võ Kim Cương, nguyên Phó KTS trưởng TP.HCM, cho biết nhiều năm nay TP đã quy hoạch để xây dựng cầu Cát Lái nhưng đến nay vẫn chưa thể triển khai được. Do vậy, việc TP.HCM đưa ra thêm hai vị trí kết nối thay thế cho cầu Cát Lái đã quy hoạch trước đó cũng thực sự cần thiết.
Tuy nhiên, TP cũng cần đánh giá các phương án giao thông, cần phải trả lời các câu hỏi vì sao phải thay thế hướng tuyến và cũng cần chạy mô phỏng giao thông cho các tuyến này. Đặc biệt, khi triển khai xây cầu hay chọn các vị trí khác cần đặt ra phương án kết nối ra sao, tất cả phải thật rõ ràng.
Theo TS-KTS Võ Kim Cương, chọn vị trí xây cầu cũng cần tính toán các mặt về kinh tế - xã hội, môi trường. Tuy nhiên, có thể khẳng định rằng nếu xây được nhiều cầu kết nối TP.HCM và Đồng Nai thì càng tốt. Phía nam có cầu đi qua khu quận 7 sẽ giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông khu vực này, giảm tải cho khu vực Cát Lái và cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây. Về phía thượng nguồn (phía trên cảng Cát Lái) cũng thực sự cần một cây cầu kết nối để mang lại hiệu quả về kinh tế - giao thông.
TS-KTS Võ Kim Cương cho rằng việc xây dựng cầu có quy mô rất lớn và cần nguồn vốn khổng lồ. Theo đó, TP cần có lộ trình, tránh tình trạng làm tràn lan, khởi công hàng loạt rồi để đó sẽ không mang lại hiệu quả kết nối giao thông. Thậm chí, làm các dự án trên đội vốn, lại không mang đến hiệu quả thực sự.
Theo Sở GTVT TP, phương án về vị trí cầu Cát Lái đã quy hoạch trước đó không đảm bảo tính khả thi để thực hiện. Ảnh: ĐÀO TRANG |
Tương tự, TS Phạm Văn Hùng, Phó Phân viện trưởng Phân viện Khoa học công nghệ GTVT phía Nam, cũng cho rằng khi có quy hoạch làm cầu thì cần khảo sát lưu lượng xe thực tế, lưu lượng quy hoạch trong tương lai để chọn hướng lưu thông. “TP.HCM và Đồng Nai cần có nhiều cây cầu hơn nữa.
Tuy nhiên, hiện nay chúng ta thiếu vốn nên cần tính toán để làm cây cầu nào trước. Khu vực quận 7 nếu được xây dựng cầu sẽ thu hút lượng phương tiện rất cao, chia sẻ áp lực giao thông và mang lại ngay hiệu quả về kinh tế” - TS Hùng nhận định.
Xây cầu Cát Lái là cấp thiết
TSKH-KTS Ngô Viết Nam Sơn, chuyên gia quy hoạch đô thị đánh giá việc xây dựng cầu Cát Lái qua hướng phà Cát Lái cần nhìn từ nhiều góc độ. Đề xuất xây mới hai cây cầu thay cho cầu Cát Lái mới chỉ nhìn từ góc độ giao thông mà chưa thực sự nhìn từ góc độ quy hoạch đa ngành cho cả vùng đô thị Đông Nam bộ gồm TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu.
TP Thủ Đức có một vai trò đặc biệt quan trọng và sẽ trở thành trung tâm đô thị, kết nối với các tỉnh, thành lân cận. Như vậy, TP.HCM cần tính toán đến việc kết nối giữa TP Thủ Đức với vùng từ nhiều phía như bắc - đông - tây, riêng khu vực phía nam TP Thủ Đức còn hạn chế và yếu nên cần phải tăng sự kết nối.
Hai cây cầu mới vừa được đề xuất kết nối TP.HCM - Đồng Nai là rất là cần thiết, song không thể sử dụng hai cây cầu đó thay thế cho cầu Cát Lái. Theo quy hoạch, để đạt hiệu quả cao cho phát triển kinh tế TP Thủ Đức và cả vùng thì cầu Cát Lái trước sau buộc phải làm.
Vì vậy, ông Sơn cho rằng cần phải làm cầu Cát Lái càng sớm càng tốt. Nếu để càng lâu thì chi phí giải phóng mặt bằng càng lớn, làm cầu sẽ càng khó khăn. “Chúng ta đã mất cả chục năm để tìm một vị trí cho cầu Cát Lái hoặc các giải pháp thay thế thay vì đi qua phà Cát Lái.
Song tôi đánh giá vị trí này trước sau cũng phải làm, nếu gặp khó khăn về lộ giới thì có thể làm nhỏ lại và kết nối cầu tại Cát Lái là cần có. Đứng từ góc độ hiệu quả, để phát triển tương lai cho TP Thủ Đức và kinh tế cả vùng thì cầu Cát Lái cần phải làm sớm và không thể bỏ” - ông Sơn chia sẻ.
Ông Sơn cho rằng quyết định xây dựng cầu cần đặt trong tổng thể quy hoạch kinh tế - xã hội và nếu phát triển TP Thủ Đức mà thiếu sự kết nối ở khu Cát Lái sẽ là thiếu sót lớn trong tương lai.
“Kết nối TP.HCM - Đồng Nai qua sông Đồng Nai là thực sự cần thiết và chúng ta thực sự cần nhiều cây cầu hơn nữa, song cần tính toán là khu vực nào ưu tiên. Tôi đánh giá hai cây cầu vừa được Sở GTVT TP đề xuất là cần thiết nhưng cầu ở khu vực Cát Lái là cấp thiết” - ông Sơn nhấn mạnh.
Theo ông Sơn, đừng nhìn cầu Cát Lái như một dự án giao thông bởi cầu này sẽ mở ra một tương lai mới về sự phát triển kinh tế và kết nối vùng. Do đó, việc xây dựng cầu Cát Lái cần sớm triển khai, ưu tiên làm trước và khi huyện Nhơn Trạch phát triển thì TP Thủ Đức và cả khu vực cũng phát triển.•
Vị trí hai cây cầu được đề xuất
Cầu thứ 1: Đây sẽ là cây cầu kết nối khu nam TP.HCM với huyện Nhơn Trạch. Điểm đầu tuyến nằm trên đường trục Bắc - Nam, tuyến đi về phía đông, trùng với đường Hoàng Quốc Việt và vượt sông Đồng Nai sang xã Phú Hữu, Phú Đông, huyện Nhơn Trạch.
Cầu thứ 2: Kết nối từ TP Thủ Đức với xã Tam An, huyện Long Thành, Đồng Nai (theo hướng quy hoạch ĐT.777B).