Như Pháp Luật TP.HCM đã đưa tin, TAND Cấp cao tại TP.HCM sắp xử phúc thẩm vụ Wheeler Lloyd Stephan (SN 1949, quốc tịch Mỹ, giáo viên một trường quốc tế ở TP.HCM) bị truy tố về tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ.
Tòa phạt tiền, tòa cho treo
Trước đó, tại phiên xử sơ thẩm của TAND TP.HCM hồi tháng 11-2015, Wheeler Lloyd Stephan thừa nhận hành vi phạm tội, cho biết do sự việc diễn ra quá nhanh, bị cáo không làm chủ được tốc độ nên mới gây tai nạn giao thông làm chết một người và xin được hưởng mức án nhẹ nhất.
Luật sư của Wheeler Lloyd Stephan cho rằng bị cáo có nhân thân tốt, là giáo viên có trình độ ĐH, là công dân Mỹ sinh sống, làm việc tại Việt Nam, có cuộc sống ổn định. Cạnh đó, bị cáo đã ăn năn hối cải, khắc phục toàn bộ hậu quả (lo chi phí điều trị, mai táng hơn 108 triệu đồng), được gia đình nạn nhân bãi nại, không yêu cầu bồi thường thêm… Từ đó, luật sư đề nghị HĐXX áp dụng Điều 60 BLHS để cho bị cáo được hưởng án treo.
HĐXX đồng tình với luật sư và áp dụng Điều 47 BLHS để quyết định hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt đối với Wheeler Lloyd Stephan (khoản 2 Điều 202 BLHS). Tuy nhiên, HĐXX không chấp nhận cho Wheeler Lloyd Stephan hưởng án treo bởi bị cáo là người nước ngoài nên không đảm bảo cho công tác giám sát và giáo dục bị cáo trong thời gian chấp hành án. Thay vào đó, HĐXX đã áp dụng hình phạt tiền là hình phạt chính và phạt bị cáo 50 triệu đồng.
Bị cáo Wheeler Lloyd Stephan tại phiên xử sơ thẩm của TAND TP.HCM. Ảnh: H.YẾN
Trong một vụ người nước ngoài gây tai nạn giao thông làm chết người tương tự khác, TAND TP Hà Nội lại cho bị cáo được hưởng án treo.
Theo hồ sơ, ngày 3-3-2015, Lee Gyu Soo (quốc tịch Hàn Quốc) lái ô tô chở đối tác đến một nhà hàng ở phường Mỹ Đình I (quận Nam Từ Liêm) ăn tối. Khi ra về, trong lúc lùi xe do thiếu chú ý quan sát, Lee Gyu Soo đã để ô tô va vào một phụ nữ phía sau làm nạn nhân tử vong do đa chấn thương sau khi được đưa vào bệnh viện cấp cứu. Tại phiên xử sơ thẩm của TAND TP Hà Nội hồi tháng 7-2015, Lee Gyu Soo thừa nhận toàn bộ hành vi phạm tội. HĐXX nhận định bị cáo có nhiều tình tiết giảm nhẹ nên đã phạt Lee Gyu Soo 36 tháng tù treo.
Tùy trường hợp mà cho treo hay không?
Từ thực tiễn xét xử khác nhau của các tòa, vấn đề đặt ra là có quy định, hướng dẫn nào về việc cho bị cáo người nước ngoài hưởng án treo hay không? Trong trường hợp bị cáo hội đủ các điều kiện để được hưởng án treo thì có nên áp dụng hay thay thế bằng các hình phạt khác?
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, luật sư Phan Ngọc Nhàn (nguyên Chánh án TAND thị xã Buôn Hồ, Đắk Lắk) khẳng định: Hiện nay pháp luật chưa có quy định, hướng dẫn nào về vấn đề này cả.
Theo luật sư Nhàn, nhiều tòa không cho bị cáo người nước ngoài hưởng án treo bởi Điều 60 BLHS quy định khi quyết định án treo, tòa phải định thời gian thử thách từ một năm đến năm năm (tùy trường hợp). Trong bản án, tòa phải tuyên rõ là trong thời gian thử thách, người được hưởng án treo phải chịu sự giám sát và giáo dục của cơ quan, tổ chức nơi người đó làm việc hoặc chính quyền địa phương nơi người đó thường trú. Ngoài ra, gia đình người bị kết án còn có trách nhiệm phối hợp với cơ quan, tổ chức, chính quyền địa phương trong việc giám sát, giáo dục người đó. Trong khi đó, bị cáo là người nước ngoài sẽ không đủ điều kiện về nơi thường trú, nơi làm việc cũng khó đảm bảo, chưa kể gia đình họ ở nước ngoài thì làm sao mà phối hợp với cơ quan, tổ chức, chính quyền địa phương trong việc giám sát, giáo dục. Như vậy, một khi không giám sát, giáo dục người chấp hành án thì ý nghĩa của án treo sẽ không phát huy được tác dụng.
Đồng tình, TS Phan Anh Tuấn (Trường ĐH Luật TP.HCM) cũng nhận xét đối với người nước ngoài phạm tội trên lãnh thổ Việt Nam thì điều kiện về nơi cư trú ổn định, rõ ràng theo hướng dẫn tại điểm c khoản 1 Điều 2 Nghị quyết 01/2013 của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao (hướng dẫn áp dụng Điều 60 BLHS) rất khó đảm bảo. Vì vậy, đối với bị cáo người nước ngoài phạm tội ít nghiêm trọng, thay vì cho bị cáo hưởng án treo thì các tòa có thể áp dụng hình phạt tiền hoặc cảnh cáo. Trong trường hợp không đủ điều kiện thì tòa có thể tuyên án tù.
Ở góc nhìn khác, ông Nguyễn Đình Thắm (TAND Cấp cao tại Hà Nội) lại cho rằng nên tùy vào từng trường hợp mà tòa cho bị cáo người nước ngoài hưởng án treo hay không.
Chẳng hạn, nếu bị cáo người nước ngoài có quốc tịch Việt Nam, có quá trình làm ăn sinh sống ổn định, lâu dài, thậm chí lấy vợ người Việt thì cũng được coi như là công dân Việt Nam. Lúc này nếu xét đủ điều kiện về nhân thân và nơi cư trú thì tòa vẫn có thể cho bị cáo hưởng án treo bình thường, nếu không sẽ thiệt thòi cho bị cáo. Trong thời gian thử thách, họ cũng phải bị ràng buộc về các điều kiện luật định như công dân Việt Nam. Ngược lại, nếu bị cáo người nước ngoài chỉ sang Việt Nam du lịch hoặc làm việc ngắn hạn thì rõ ràng họ không đủ điều kiện để được hưởng án treo nên tòa không thể áp dụng dù họ có nhiều tình tiết giảm nhẹ.
Mỗi người một quan điểm nhưng các chuyên gia đều có điểm chung là để áp dụng thống nhất thì Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao nên sớm có hướng dẫn chính thức về vấn đề này.
Hướng dẫn về án treo 1. Khi cho người bị xử phạt tù được hưởng án treo, tòa án phải ghi rõ trong bản án việc giao người được hưởng án treo cho UBND cấp xã nơi người đó cư trú hoặc đơn vị quân đội được giao giám sát, giáo dục người được hưởng án treo để giám sát và giáo dục trong thời gian thử thách. 2. Khi giao người được hưởng án treo cho UBND cấp xã nơi người đó cư trú để giám sát và giáo dục trong thời gian thử thách, tòa án phải ghi rõ tên UBND cấp xã; tên huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh; tên tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương được giao giám sát, giáo dục người được hưởng án treo, đồng thời ghi rõ trong trường hợp người được hưởng án treo thay đổi nơi cư trú thì thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 69 của Luật Thi hành án hình sự. (Trích Điều 5 Nghị quyết 01/2013 của |