Thế nhưng tôi cũng trông thấy nhiều trường hợp vi phạm giao thông của những người nước ngoài ấy đều được cảnh sát giao thông (CSGT) bỏ qua. Họ chỉ bị yêu cầu dừng lại, nhắc nhở dăm ba câu, không hề bị xử lý. Chẳng hạn, đầu tháng 10, tại ngã tư Thủ Đức (quận 9, TP.HCM), đèn đỏ bật lên, trong khi tôi và tất cả mọi người lưu thông theo hướng từ đường Lê Văn Việt sang đường Võ Văn Ngân (quận Thủ Đức) đều dừng xe thì có chiếc mô tô phân khối lớn do một thanh niên nước ngoài điều khiển đã tỉnh bơ chạy vượt lên. Lúc này, dòng xe cộ từ chiều Suối Tiên chạy theo hướng xa lộ về phía cầu Sài Gòn bắt đầu di chuyển theo tín hiệu đèn xanh nên anh chàng vượt đèn đỏ kia dẫu có tìm cách vượt qua cũng không thể đi được, đành phải đứng chờ. CSGT đã ra nhắc nhở điều gì đó, rồi cả hai… cùng nở nụ cười và anh kia không hề bị xử lý gì.
Hay như một vụ khác mà tôi từng thấy khi ra Hà Nội, tại khu vực Hồ Gươm, trong lúc CSGT đang đứng quây bắt những người đi xe máy không đội mũ bảo hiểm thì có hai người nước ngoài điều khiển hai chiếc xe máy cũng không hề đội mũ bảo hiểm đi qua. Gần chục CSGT đều nhìn thấy họ nhưng không hề ra tín hiệu dừng xe, vẫn để họ thản nhiên lưu thông.
Tôi và có lẽ mọi người, thực ra không hề bất bình vì sự phân biệt ta-Tây mà chỉ băn khoăn rằng nếu đã là luật lệ thì ai v i phạm cũng phải bị xử lý như nhau. Nếu cứ cảm thông như vậy thì người nước ngoài có tâm lý chủ quan, tự cho mình là trường hợp ngoại lệ để lạm dụng và đua nhau vi phạm.
CSGT nước ta không nên nương tay kiểu như trên. Người nước ngoài phải tuân thủ pháp luật Việt Nam, nhập gia tùy tục, không được coi thường. Tôi từng đi một số nước châu Âu và ngay cận kề như Singapore, Thái Lan..., luật giao thông hay bất cứ điều luật nào của đất nước họ đều được thi hành cực kỳ nghiêm ngặt chứ không hề có đối tượng nào được ưu tiên.
ĐĂNG QUANG (ĐH Quốc gia TP.HCM)