Cơ quan chủ quản không còn can thiệp trực tiếp trường đại học

Từ ngày 1-7-2019, Luật Giáo dục đại học (GDĐH) (gọi tắt là Luật số 34) sửa đổi, bổ sung chính thức có hiệu lực. Những điều chỉnh trong luật mới được đánh giá là khá mạnh dạn nhằm gỡ các nút thắt đối với lộ trình tự chủ ĐH của Việt Nam.

Bà Nguyễn Thị Kim Phụng, (ảnh) Vụ trưởng Vụ GDĐH, đã có một số chia sẻ rõ hơn về những đổi mới đáng chú ý này.

Quản lý thông qua pháp luật

Bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ GDĐH

Trong Luật GDĐH 2012 hầu như không quy định về “cơ quan chủ quản” ngoài một quy định về “đại diện cơ quan chủ quản cơ sở giáo dục ĐH” là thành viên đương nhiên của hội đồng trường (Điều 16). Do vậy, Luật số 34 cũng hầu như không quy định về “bỏ cơ quan chủ quản”.

Tuy nhiên, với chủ trương mở rộng phạm vi và nâng cao hiệu quả của tự chủ ĐH thì Luật số 34 giảm sự can thiệp trực tiếp của cơ quan nhà nước đến tổ chức và hoạt động của cơ sở GDĐH (gọi tắt là trường ĐH). Điều đó có nghĩa là sẽ thay đổi phương thức quản lý nhà nước từ chỗ nhiều nội dung quản lý còn sử dụng phương thức hành chính trực tiếp, nay chuyển sang phương thức quản lý thông qua pháp luật với hệ thống các tiêu chuẩn chất lượng… để các trường được phát huy tính năng động, sáng tạo của mình cạnh tranh và phát triển.

Thực tế cho thấy trường ĐH, trong bất cứ mô hình quản lý nào cũng đều phải chịu sự quản lý của các cơ quan có thẩm quyền của Nhà nước về GDĐH. Trong luật, mối quan hệ giữa nhà trường với nhà nước được thể hiện thông qua các quy định: Cơ quan quản lý nhà nước ban hành các chính sách, pháp luật về GDĐH để thực hiện thống nhất trong toàn quốc; xây dựng cơ chế huy động, quản lý, sử dụng các nguồn lực để phát triển GDĐH, quy hoạch mạng lưới, ban hành các chuẩn chất lượng, tổ chức kiểm định chất lượng, xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về GDĐH; thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm pháp luật về GDĐH; cử người tham gia hội đồng trường để thực hiện quyền đại diện của chủ sở hữu, công nhận hội đồng trường, chủ tịch hội đồng trường, hiệu trưởng…

Bộ GD&ĐT là cơ quan đầu mối giúp Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về GDĐH; bộ, cơ quan ngang bộ có trách nhiệm nghiên cứu, dự báo nhu cầu nhân lực của ngành, lĩnh vực thuộc thẩm quyền quản lý, làm căn cứ để xây dựng kế hoạch đào tạo, phối hợp với Bộ GD&ĐT thực hiện quản lý nhà nước về GDĐH trong phạm vi, nhiệm vụ và quyền hạn của mình; UBND cấp tỉnh thực hiện quản lý nhà nước về GDĐH trên địa bàn, kiểm tra việc chấp hành pháp luật của cơ sở GDĐH tại địa phương...

Trường ĐH Kinh tế TP.HCM là một trong ba trường được Chính phủ cho phép triển khai thí điểm mở rộng quyền tự chủ. Ảnh: HTD

Làm rõ mối quan hệ “3 thiết chế”

Luật GDĐH đã quy định: Tổ chức đảng trong cơ sở GDĐH được thành lập và hoạt động theo quy định của Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam, trong khuôn khổ hiến pháp, pháp luật; trong đó đảng lãnh đạo bằng đường lối và nghị quyết để các cá nhân, đơn vị trong cơ sở GDĐH triển khai thực hiện.

Hội đồng trường của trường ĐH công lập là tổ chức quản trị, thực hiện quyền đại diện của chủ sở hữu và các bên có lợi ích liên quan; có trách nhiệm và quyền hạn trong việc: Quyết định về mục tiêu chiến lược, kế hoạch phát triển trường; quyết định về cơ cấu tổ chức, nhân sự chủ chốt… Các quyết định của hội đồng trường phải phù hợp với pháp luật, nghị quyết của Đảng và quy chế, quy định của nhà trường.

Đối với hai thiết chế trên, Nghị quyết 19 của Đảng đã chủ trương bí thư đảng ủy kiêm chủ tịch hội đồng trường để thống nhất cơ chế lãnh đạo và quản trị trong trường ĐH công lập. Nội dung này sẽ được tổ chức đảng hướng dẫn thực hiện, phù hợp với quy định của Luật GDĐH.

Hiệu trưởng trường ĐH công lập do hội đồng trường lựa chọn, làm nhiệm vụ quản lý trường ĐH trong nhiệm kỳ của mình.

Như vậy, vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và mối quan hệ giữa ba thiết chế lãnh đạo, quản trị, quản lý trường ĐH đã được luật quy định khá rõ. Đồng thời luật cũng quy định các trường phải cụ thể hóa về tổ chức và hoạt động, mối quan hệ của các thiết chế này trong quy chế tổ chức và hoạt động của nhà trường. Ví dụ, về công tác cán bộ, luật quy định: Quy chế tổ chức và hoạt động của trường ĐH công lập phải quy định về thủ tục hội đồng trường quyết định nhân sự hiệu trưởng, việc quyết định chức danh quản lý khác của trường ĐH trong quy trình bổ nhiệm nhân sự (Điều 16). Do vậy, thủ tục hội đồng trường quyết định nhân sự hiệu trưởng phải đặt trong quy trình bổ nhiệm nhân sự nói chung.

♦ ♦ ♦

Tự chủ ĐH là một quá trình phát triển, cần có điều kiện, thời gian để chuyển đổi. Vì vậy, trong giai đoạn đầu có thể sẽ không tránh khỏi những vấn đề phát sinh cần giải quyết. Ngay cả khi có vấn đề ở trường này hay trường khác thì chúng ta cũng nên nhìn nhận sự việc trong sự phát triển tổng thể vì lợi ích chung của toàn hệ thống, xem như đó là mặt tất yếu của quá trình này để sau khi giải quyết, cơ chế tự chủ ĐH ngày càng hoàn thiện và hiệu quả hơn.

Chuyển vai giữa hiệu trưởng và hội đồng trường

Theo Luật số 34, hội đồng trường là tổ chức quản trị, thực hiện quyền đại diện của chủ sở hữu là nhà nước (đối với trường công) hoặc nhà đầu tư (đối với trường tư) và các bên có lợi ích liên quan.

Có thể nói hội đồng trường theo đúng tiêu chuẩn, thành phần như luật quy định, thực hiện được chức năng, nhiệm vụ được giao là hội đồng trường đủ năng lực. Quy định của luật được xem như quy định khung với các tiêu chuẩn tối thiểu để các trường thiết lập được hội đồng trường có đủ năng lực quản trị cơ sở GDĐH.

Đối với các trường công lập, hiệu trưởng do hội đồng trường quyết định và được cơ quan quản lý có thẩm quyền công nhận. Theo Luật số 34, hiệu trưởng sẽ là người thực thi các quyết định của hội đồng trường thay vì có toàn quyền như trước đây.

Tuy nhiên, cũng cần lưu ý, mặc dù hiệu trưởng do hội đồng trường quyết định nhưng việc bổ nhiệm này phải tuân theo quy trình bổ nhiệm cán bộ của các đơn vị sự nghiệp công lập. Ngoài ra, ứng viên phải thỏa mãn các điều kiện khác như cần lựa chọn người có tâm, tầm, tài để cùng hội đồng trường xác định mục tiêu chiến lược phát triển trường, có khả năng tổ chức thực hiện các quyết nghị của hội đồng trường… chứ không phải đơn giản chỉ là “người làm thuê”.

Việc bãi nhiệm hiệu trưởng của bất cứ hội đồng trường nào, công hay tư cũng đều phải có căn cứ, theo thủ tục luật định và quy chế tổ chức và hoạt động của từng trường. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới