LTS: Liên tiếp nhiều số báo qua, Pháp Luật TP.HCMđề cập đến những hạn chế của hệ thống tượng và tượng đài tại TP.HCM và Hà Nội. Đã có khá nhiều chuyên gia tham gia góp ý về vấn đề này, đồng tình có và e ngại cũng có. Trao đổi vớiPháp Luật TP.HCM, họa sĩ Trần Khánh Chương, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam, đề xuất những bước cần thiết nhằm có thể xây dựng hệ thống tượng đài hoàn mỹ hơn. Với bài viết này, đề tài tượng và tượng đài cũng xin được kết thúc tại đây.
Theo thống kê năm 2006 của Bộ Văn hóa-Thông tin (nay là Bộ VH-TT&DL), cả nước có 360 tượng đài cả lớn lẫn nhỏ. So với quy mô về lãnh thổ, chiều sâu văn hóa và cả về dân số thì con số này chưa được coi là nhiều. Vấn đề là chúng ta phải thực hiện, đối xử với tượng đài như thế nào mà thôi.
Từng sáng tác theo kiểu tùy hứng
Dấu ấn về tượng đài nói riêng và điêu khắc ngoài trời nói chung ở nước ta xuất hiện đầu tiên ở các lăng tẩm, đền, chùa… Đến đầu thế kỷ XX, bắt đầu xuất hiện các hình mẫu tượng đài do Pháp đưa vào nhưng hầu hết đều mang dấu ấn thực dân, ca ngợi chính quốc của họ. Các tượng đài này sau năm 1945 không còn nữa nhưng đó cũng là một mốc đáng ghi nhớ trong lịch sử tượng đài ở Việt Nam.
Phải đến sau khi hòa bình lập lại (1954), phong trào làm tượng đài ở nước ta mới bắt đầu rầm rộ, chủ yếu để lưu giữ lịch sử và ghi nhớ chiến công. Số lượng tượng đài tăng lên nhưng đội ngũ làm tượng lại chưa có nhiều tiến bộ về chuyên môn, thiếu kinh nghiệm, cơ chế lúc đó cũng chưa hình thành được một hệ thống thẩm định về tượng đài nên dẫn đến tình trạng mạnh ai nấy làm. Điều này biểu hiện ở một số tượng đài đã được Pháp Luật TP.HCM đề cập: Các nghệ sĩ thường sáng tác một cách ngẫu hứng dựa vào kinh nghiệm dân gian, dẫn đến nhiều hạn chế về cả thẩm mỹ, kích thước lẫn ngôn ngữ. Đó là vấn đề có tính lịch sử.
Hạ giải tượng không đạt yêu cầu
Một trong những yêu cầu chính của tượng đài là phải nâng cao thẩm mỹ cho công chúng, bởi vì tượng cũng như nghệ thuật công cộng cần phải vì mọi người, đến với mọi người, giao lưu với mọi người thì mới phát huy tác dụng. Tuy nhiên, việc làm tượng đài tùy hứng như trên đã tạo nên một số tượng đài không đạt cả về thẩm mỹ lẫn khả năng tác động đến công chúng. Ví dụ, tượng Trần Hưng Đạo ở bến Bạch Đằng như báo nêu rõ ràng là một hình tượng chưa đạt trên nhiều phương diện.
“Tượng đài” tại Hồ Con Rùa thực chất là một khối bê tông xám xịt, thô ráp. Nhiều người không hiểu nó biểu trưng cho cái gì. Hy vọng thời gian tới, nơi đây sẽ có một tượng đài có giá trị thẩm mỹ để làm đẹp thêm bộ mặt của TP.HCM. Ảnh: HÙNG AN
Theo tôi, chúng ta cần phải có một cuộc kiểm kê, đánh giá toàn diện hệ thống tượng và tượng đài ở Việt Nam. Sau đó phải mạnh dạn hạ giải những tượng đài không đạt, thay thế bằng những tượng đài mới có thể có hình mẫu như tượng cũ nhưng đảm bảo các yếu tố hướng đến cộng đồng. Sẽ có người cho rằng hạ giải tượng đài làm ảnh hưởng đến các yếu tố thuộc về tiềm thức, thói quen hay tâm linh. Nhưng tôi cho rằng chúng ta làm lại đẹp hơn, đúng hơn thì chẳng phải là tôn vinh hình mẫu hơn hay sao?
Hàng loạt việc cần làm
Để không còn tượng đài xấu, chúng ta đánh giá đúng hơn về tầm quan trọng của công tác quy hoạch và thẩm định tượng đài. Một số nước như Trung Quốc chẳng hạn, các TP lớn của họ có hẳn một ủy ban về tượng đài với khá đông thành viên là những nhà chuyên môn. Ủy ban này có nhiệm vụ thẩm định và quy hoạch tượng đài cho cả TP. Còn nước ta dù vẫn có những hội đồng đánh giá tượng đài nhưng nhiều thành viên hội đồng chưa đủ năng lực. Cạnh đó, mỗi lần làm mới một tượng đài chúng ta lại có một hội đồng khác nhau, dẫn đến hiện tượng trùng lặp về hình mẫu.
Lại có quan điểm cho rằng xây dựng tượng đài là sai lầm và tốn kém. Nhưng với những tác động tích cực của tượng đài như đã nêu ở trên thì sự tốn kém đó có thể chấp nhận được. Chúng ta cũng cần thay đổi tư duy về tượng đài, làm tượng đâu cứ phải lúc nào cũng là danh nhân, anh hùng… mà còn là những biểu tượng văn hóa gắn với cộng đồng, dân sinh nữa chứ.
Một vấn đề mà chúng ta còn bỏ lửng là việc chỉnh trang, bảo quản tượng đài hiện nay chưa được đánh giá đúng mức. Theo tôi biết, việc này được giao cho Sở VH-TT&DL ở mỗi địa phương. Thế nhưng khi Hội Mỹ thuật kiến nghị về tình trạng xuống cấp của một số tượng đài ở Hà Nội thì nhận được câu trả lời: Không có nhân sự để quản lý tượng đài!
Quy trình xây dựng và duyệt tượng cũng cần được xem lại. Nhiều tượng đài nhìn trên sa bàn thì rất đẹp nhưng khi đưa vào thực tế lại xấu đi nhiều. Đó là vì không gian xung quanh không được giải phóng theo đúng thiết kế. Việc cân đối giữa các chủ đề, rồi phân bổ cho các địa phương cũng phải được xem xét cẩn thận trên bình diện cả nước. Cùng một danh nhân, tượng mang biểu trưng cả nước phải có kích thước và tạo hình lớn hơn, xuống địa phương thì phải thu hẹp lại.
Tất cả vấn đề trên cần sớm được giải quyết trong một bản đồ quy hoạch tổng thể tượng đài của mỗi địa phương và trên cả nước. Nếu quy hoạch này được hoàn chỉnh, chúng ta không phải lo Việt Nam thiếu tượng đài đẹp nữa.
Họa sĩ TRẦN KHÁNH CHƯƠNG, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam
HỒ VIẾT THỊNH ghi
Quy hoạch tượng đài cần có sự chuyển tiếp nhẹ nhàng Trong nghệ thuật, chúng ta không nên dùng nhãn quan và bối cảnh hiện tại để soi chiếu quá khứ, đặc biệt với lĩnh vực chúng ta chỉ mới học hỏi chưa lâu. Vì vậy, theo tôi, nhận định về thực trạng tượng đài như Pháp Luật TP.HCMđã phản ánh là đúng, song “kết luận” chất lượng tượng đài không xứng tầm với lịch sử 300 năm của Sài Gòn - TP.HCM có vẻ hơi nặng! Trong tổng số 44 tượng và tượng đài của TP.HCM, có tới 33 tượng được xây dựng từ sau năm 1975 đến nay (vỏn vẹn trên dưới 35 năm). Quãng thời gian này không thể gọi là dài đối với chiều dài lịch sử của một nền nghệ thuật kiến trúc, điêu khắc, hội họa… vốn cần nhiều thế kỷ để hình thành và phát triển. Cũng vậy, 35 năm là quá ngắn so với chiều dài lịch sử của chính Sài Gòn - TP.HCM. Vì lẽ đó, tôi đồng tình sâu sắc với KTS Lê Quang Ninh khi cho rằng sẽ là quá sức nếu yêu cầu tượng và tượng đài của TP.HCM phải thể hiện tầm vóc 300 năm. Cũng vậy, sẽ là “cấm kỵ” nếu quan niệm tượng này, tượng kia xấu hoặc không hợp với không gian chung (xét theo nhãn quan hiện tại) để đập bỏ, xây mới một cách chủ quan duy ý chí. Việc tồn tại đài tưởng niệm nhỏ bên cạnh khu tượng đài Bồ Tát Thích Quảng Đức vừa xây dựng mới rất đẹp ở quận 3 nhằm lưu giữ quá khứ là một điều rất đáng suy ngẫm. Nhận xét, đánh giá thực trạng tượng đài cũng giống như công tác bảo tồn trùng tu di tích. Đừng vội dùng nhãn quan và bối cảnh hiện tại để nhìn bức tượng nào cũng thấy xấu, thấy ấu trĩ để rồi cứ “đập đi, xây mới, làm lại”. Quy hoạch, xây dựng tượng đài cần đặt trong bối cảnh chung của lịch sử và cần có sự chuyển tiếp nhẹ nhàng giữa quá khứ - hiện tại - tương lai! KTS LÊ CÔNG SĨ |