Liên tục trong những ngày qua, Pháp Luật TP.HCM đã đề cập đến nhiều vấn đề từ khó khăn của doanh nghiệp (DN), của cư dân đến các quy định của pháp luật để làm sao có thể dễ dàng cải tạo chung cư cũ, hư hỏng.
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM về việc này, ông Trần Trọng Tuấn (ảnh), Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM, cho biết: “Chương trình chỉnh trang đô thị, trong đó cải tạo chung cư cũ hư hỏng được xác định là một nhiệm vụ trọng tâm, đột phá của TP. Tuy nhiên, trong thời gian qua, mục tiêu này chưa đạt kết quả như mong đợi. Một số dự án kéo dài, đến giờ vẫn chưa dứt điểm khâu di dời giải tỏa… Tôi cho rằng có nhiều nguyên nhân, trong đó cũng có lý do là chính quyền địa phương chưa quyết liệt, còn tâm lý ngại bị khiếu nại do việc di dời chung cư cũ ảnh hưởng đến nhiều người dân”.
Đảm bảo chất lượng sống cư dân
. Phóng viên:Các ý kiến cho rằng khi DN đã bồi thường được tỉ lệ lớn, chẳng hạn trên 80% người dân đồng ý thì có nghĩa đây đã là giá bồi thường hợp lý nên số đông chấp thuận. Do đó, với thiểu số còn lại không chấp hành việc di dời khi đến hạn thì Nhà nước phải giúp DN. Quan điểm của ông như thế nào?
+ Ông Trần Trọng Tuấn: Việc di dời người dân ra khỏi chung cư cũ hư hỏng, xuống cấp nghiêm trọng, có nguy cơ sụp đổ phải xác định mục tiêu chính và đầu tiên đó là vì cuộc sống của người dân tại đây, kế đến là cộng đồng xung quanh và xã hội. Việc xây dựng mới chung cư cũ là để nâng chất lượng cuộc sống của người dân, cải thiện, nâng cao chất lượng về nhà ở. Nơi ở mới phải bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ chứ không phải di dời chung cư cũ là chỉ vì mục tiêu thực hiện dự án cho DN.
Đối với các DN tham gia dự án cải tạo chung cư cũ tại TP, khi các phương án bồi thường tạm cư, tái định cư đã đáp ứng được yêu cầu hài hòa lợi ích của ba bên: người dân - DN- xã hội. Việc bồi thường giải tỏa đã được số đông người dân đồng thuận thì không lý gì lại bị chậm lại. Tôi rất đồng tình với kiến nghị của DN là UBND quận/huyện phải hỗ trợ trong trường hợp này, để hoàn tất di dời, giải phóng mặt bằng. Không phải là kêu gọi sự hỗ trợ mà trách nhiệm của UBND quận/huyện phải cam kết với DN sẽ thực hiện. Như vậy, DN mới yên tâm tham gia thực hiện dự án và chương trình cải tạo chung cư cũ được đẩy nhanh tiến độ.
Chung cư 350 Hoàng Văn Thụ, phường 4, quận Tân Bình đã xây dựng trước năm 1975 nay đã xuống cấp và đang được di dời. (Ảnh chụp ngày 13-6) Ảnh: HTD
Tập trung rút ngắn tiến độ dự án
. Hiện nay theo Nghị định 101/2015, việc lựa chọn chủ đầu tư thực hiện dự án cải tạo chung cu cũ là giao quyền cho người dân lựa chọn. Nếu người dân không chọn được thì quận/huyện mới tham gia kêu gọi đầu tư nhưng trong tình hình thực tế thì mất rất nhiều thời gian. Do đó, có nơi kiến nghị nên áp dụng hình thức chỉ định nhà đầu tư thực hiện. Ông có ý kiến gì về đề xuất này?
+ Hình thức nào đi nữa thì cũng nhằm mục tiêu là tìm được nhà đầu tư thực hiện dự án một cách tốt nhất, đảm bảo hài hòa lợi ích của các bên, từ người dân đến DN và lợi ích chung của xã hội trên cơ sở quy định pháp luật. Dự án cải tạo chung cư cũ hư hỏng tại TP có thêm tính chất đặc biệt là chất lượng chung cư cũ đang ngày một xuống cấp, không thể chờ đợi. Do đó, tôi cho rằng việc chỉ định nhà đầu tư thực hiện cũng có thể được xem xét. Tuy nhiên, đi kèm là những tiêu chí, yêu cầu mà DN đó phải đáp ứng được.
. Ông từng cho biết TP sẽ phân cấp mạnh cho quận/huyện để giảm tải khi tập trung tại một đầu mối. Tuy nhiên, không ít ý kiến lo ngại bộ máy nhân sự tại các quận/huyện hiện nay chưa đáp ứng được yêu cầu này?
+ Tôi cho rằng phân cấp thẩm quyền là một trong những giải pháp để rút ngắn thời gian thực hiện dự án, để giảm bớt chi phí đầu tư. Với chương trình cải tạo chung cư cũ, thẩm quyền của UBND quận/huyện được phân cấp mạnh mẽ từ công bố kết quả kiểm định chất lượng chung cư, mời gọi đầu tư và lựa chọn chủ đầu tư, chấp thuận đầu tư… Sở Xây dựng và các sở, ngành khác liên quan sẽ đóng vai trò hỗ trợ, hướng dẫn. Thay vì chỉ có một nơi thực hiện thì việc phân cấp thẩm quyền cho 24 quận/huyện sẽ giúp thủ tục được giải quyết nhanh hơn. Vấn đề là quận/huyện phải bố trí, chuẩn bị con người, bộ máy để giải quyết công việc được thuận lợi, trôi chảy.
Về thủ tục cấp giấy phép xây dựng, sắp tới sẽ áp dụng một cửa liên thông để tạo thuận lợi, rút ngắn thời gian cho DN, thay vì phải đi nhiều nơi, nhiều cửa thì DN chỉ nộp và nhận giấy phép xây dựng tại một cửa. Còn các khâu còn lại thì các cơ quan nhà nước tự phối hợp giải quyết.
. Xin cám ơn ông.
Hiệp hội cũng kiến nghị cho TP quyết định nhà đầu tư Kết quả chương trình xây dựng cải tạo chung cư cũ còn rất thấp, nguyên nhân chủ yếu là do thủ tục lựa chọn nhà đầu tư theo quy định hiện hành mất rất nhiều thời gian, chưa hợp lý. Hiệp hội cũng kiến nghị Thủ tướng ủy quyền cho TP quyết định chỉ định đối với các nhà đầu tư dự án xây dựng chung cư cũ trong trường hợp chỉ có một nhà đầu tư đăng ký thực hiện; hoặc chỉ có một nhà đầu tư có khả năng thực hiện thu xếp vốn; hoặc nhà đầu tư đề xuất dự án đáp ứng yêu cầu thực hiện dự án khả thi và hiệu quả cao nhất do TP xét duyệt... Ông LÊ HOÀNG CHÂU, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM |