Coi chừng bữa ăn siêu rẻ, bánh Trung thu 2.000 đồng

(PLO)- Thay vì ham bánh Trung thu siêu rẻ, người dân nên mua bánh Trung thu ở những cơ sở uy tín, có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, có thương hiệu… để tránh rủi ro.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 8-8, báo Pháp Luật TP.HCM đã tổ chức giao lưu trực tuyến “Ăn uống theo mạng có mang lại hiệu quả tích cực?” với sự đồng hành của Công ty cổ phần Acecook Việt Nam. Tại buổi giao lưu, các chuyên gia đã giải đáp hàng loạt câu hỏi của bạn đọc.

Tiềm ẩn rủi ro với người dùng

Thị trường bánh Trung thu đã khá sôi động. Đáng chú ý, năm nay xuất hiện một số loại bánh Trung thu dẻo mini xuất xứ từ Trung Quốc với giá siêu rẻ chỉ 2.000-5.000 đồng/cái được bán trôi nổi trên các mạng xã hội từ Facebook, Zalo đến TikTok và cả các sàn thương mại điện tử. Tuy nhiên, bạn đọc Thu Nguyệt và nhiều bạn đọc khác tỏ ra lo ngại về chất lượng, an toàn của bánh Trung thu siêu rẻ Trung Quốc.

Các vị khách mời tham gia tọa đàm “Ăn uống theo mạng có mang lại hiệu quả tích cực?”. Ảnh: MINH HOÀNG

Các vị khách mời tham gia tọa đàm “Ăn uống theo mạng có mang lại hiệu quả tích cực?”.
Ảnh: MINH HOÀNG

Trước lo ngại này, TS Nguyễn Văn Chung, nguyên Trưởng Khoa dinh dưỡng và ẩm thực ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM, cho rằng để làm ra một chiếc bánh Trung thu cần rất nhiều nguyên liệu như bột mì, trứng, sữa, các loại hạt… Như vậy với giá chỉ 2.000-5.000 đồng/cái thì rất có thể không đảm bảo chất lượng.

“Riêng tiền nguyên vật liệu, công chế biến, bao bì, vận chuyển... thì bán với mức giá đó sẽ không thể có lời, hay nói cách khác rất khó để doanh nghiệp sản xuất ra với giá như vậy. Mặc dù hiện tại chưa thể khẳng định bánh Trung thu có giá như trên thì có độc hại hay không nhưng có thể không đảm bảo chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm” - TS Chung nhấn mạnh.

Vị chuyên gia này khuyến cáo để đảm bảo an toàn, thay vì ham bánh Trung thu siêu rẻ, người dân nên mua bánh Trung thu ở những cơ sở uy tín, có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, có thương hiệu; nếu là hàng nhập khẩu thì phải chứng minh nguồn gốc qua hóa đơn, tờ khai nhập khẩu, chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm... Có như vậy mới tránh được các tác hại, rủi ro không mong muốn, đặc biệt trong lĩnh vực thực phẩm.

Cũng liên quan ăn uống giá rẻ, trên mạng xã hội TikTok và Facebook gần đây xuất hiện nhiều bài đăng giới thiệu về bữa ăn với giá chỉ… 5.000 đồng hoặc 10.000 đồng “vừa tiết kiệm vừa đảm bảo dinh dưỡng”. Điều này đã tạo thành “phong trào”, thậm chí thách đố nhau thực hiện trong một tuần, một tháng và thu hút nhiều người tham gia.

Người tiêu dùng nên lựa chọn bánh Trung thucóthương hiệu. Ảnh: THU HÀ

Người tiêu dùng nên lựa chọn bánh Trung thuthương hiệu. Ảnh: THU HÀ

Thế nhưng ThS-BS Phạm Ngọc Oanh, Trưởng Khoa dinh dưỡng Trung tâm Phòng chống bệnh tật TP.HCM (HCDC), đánh giá: Ở thời điểm hiện tại, một bữa ăn chỉ có giá 5.000-10.000 đồng mà vẫn đủ các nhóm chất dinh dưỡng thì dường như rất khó thực hiện được.

BS Oanh đặt vấn đề: “Hiện nay, một quả trứng đã tốn 3.000 đồng, một miếng đậu hũ 5.000 đồng… thì chi phí dành cho rau xanh, rồi gạo nấu cơm sẽ ra sao? Rất khó để cân bằng dinh dưỡng trong một khoản tiền eo hẹp như thế. Đó là chưa tính đến vấn đề chất lượng an toàn thực phẩm và chất lượng dinh dưỡng của món ăn”.

Theo BS Oanh, nếu mua thực phẩm không đảm bảo an toàn thực phẩm thì dù giá rẻ đến đâu cũng khiến người dùng đối mặt với khả năng bị ngộ độc như đi ngoài, nôn ói hoặc hậu quả lâu dài cho sức khỏe. “Chính vì thế, những trào lưu này có thể khiến cơ thể đối mặt với việc thiếu hụt dinh dưỡng, thiếu năng lượng để hoạt động; đối mặt với tình trạng an toàn thực phẩm đang nóng lên từng ngày, có thể hệ quả không cấp thời nhưng về lâu dài sẽ ảnh hưởng tới sức khỏe” - BS Oanh lưu ý.

Không nên lạm dụng thức ăn nhanh

Nhiều độc giả phản ánh thức ăn nhanh đang là loại thực phẩm bán chạy và được ưa chuộng tại thị trường Việt Nam. Bằng chứng là sự nở rộ của các hàng quán lẫn sự đa dạng về món ăn từ thức ăn nhanh và mì ăn liền. Tuy nhiên, nhiều người cũng băn khoăn liệu loại thực phẩm này có thể gây rủi ro như làm dậy thì sớm ở trẻ hay không?

Trước sự băn khoăn này, TS Nguyễn Văn Chung khẳng định: Nếu nói mì ăn liền là nguyên nhân gây ung thư, béo phì hay tim mạch… là không chính xác và chưa có căn cứ. Bởi về nguyên tắc, những nguyên liệu đưa vào để sản xuất ra thực phẩm không được phép chứa chất độc hại cho cơ thể người tiêu dùng. Thêm vào đó, hiện nay quy trình, thiết bị để sản xuất mì gói cũng đã cải tiến và chất lượng hơn trước.

“Các chỉ số như acid béo tự do, peroxide trong sợi mì thường đạt yêu cầu. Bằng chứng là các loại mì ăn liền đều không bị phát hiện vượt ngưỡng giới hạn cho phép” - TS Chung khẳng định.

ThS-BS Phạm Ngọc Oanh bổ sung thêm, bản thân thực phẩm ăn liền, ăn nhanh không nhất thiết là xấu. Sử dụng thức ăn nhanh là xu hướng yêu thích của giới trẻ vì nó thực sự tiện lợi, không mất thời gian chế biến và một số sản phẩm giá thành rẻ hơn so với thực phẩm tươi sống.

Cần có trách nhiệm với nút share

Người dân cần có trách nhiệm hơn trong việc sử dụng mạng xã hội. Không nên vội vàng nhấn nút chia sẻ hay đăng tải thông tin chưa kiểm chứng, bởi dù là đăng tải lại nội dung sai sự thật thì cũng là hành vi vi phạm pháp luật. Bên cạnh đó, cơ quan chức năng cần tính đến việc xây dựng luật về phòng chống tin giả bởi một số quốc gia đã có luật này.

Luật sư KIỀU ANH VŨ,Đoàn Luật sư TP.HCM

Tuy nhiên, bất kỳ một thực phẩm nào nếu sử dụng quá nhiều và thường xuyên sẽ ảnh hưởng không tốt tới sức khỏe và thức ăn nhanh, ăn liền cũng không ngoại lệ. Vì vậy, khi sử dụng thức ăn nhanh người tiêu dùng phải biết lựa chọn, không lạm dụng và biết cách phối hợp, bổ sung thêm thực phẩm khác để cân đối về dinh dưỡng cũng như tiêu hóa tốt hơn.

Cảnh giác với quảng cáo “nhà tôi ba đời chữa yếu sinh lý”

“Mỗi ngày mở điện thoại, máy tính là thấy ngay những quảng cáo về thực phẩm chức năng hay thuốc Nam, Đông y gia truyền “nhà tôi ba đời chữa yếu sinh lý”, “ba đời chữa dứt điểm tiểu đường”, “ba đời chữa xương khớp”… xuất hiện nhan nhản. Điều này không chỉ gây hiểu lầm, tiền mất tật mang cho người dân mà còn làm mất uy tín của những cơ sở y tế khám chữa bệnh uy tín” - bạn đọc Tú Uyên gửi bức xúc tới báo.

Giải đáp vấn đề này, BS Phạm Ngọc Oanh chia sẻ những trăn trở, băn khoăn cùng độc giả và cho rằng những thông tin quảng cáo, hướng dẫn điều trị không rõ nguồn gốc trên mạng kiểu “chỉ cần một liệu trình là khỏi…” không đáng tin, người dân không nên nghe theo. Bởi các loại bệnh như đái tháo đường, huyết áp… có khi đòi hỏi phải điều trị suốt đời để đảm bảo sự ổn định.

“Nếu uống thuốc cần có liều lượng áp dụng, nếu không biết được thành phần bên trong đó gồm những gì thì không thể khẳng định được là nó có hiệu quả hay không. Tôi xin nhấn mạnh là kiểu quảng cáo chỉ cần một liệu trình để chữa đái tháo đường là hoàn toàn sai” - BS Oanh nhấn mạnh.

Xử phạt các hành vi sai sự thật

Dưới góc độ pháp luật, luật sư Kiều Anh Vũ, Đoàn Luật sư TP.HCM, cho rằng dù nạn quảng cáo về Đông y hay thực phẩm gia truyền đang tràn lan trên các nền tảng mạng xã hội nhưng xét theo góc độ pháp lý thì không thể cấm kinh doanh các mặt hàng này bởi pháp luật đảm bảo quyền tự do kinh doanh. Tuy nhiên, cần lưu ý đối với kinh doanh thực phẩm, kể cả thực phẩm gia truyền cần đáp ứng các điều kiện như đảm bảo an toàn thực phẩm, đăng ký kinh doanh theo quy định.

Nếu các cá nhân, tổ chức kinh doanh vi phạm pháp luật về quảng cáo, đăng tải thông tin không đúng sự thật… thì sai đến đâu xử lý đến đó.

“Ví dụ, với thực phẩm chức năng, tùy vào tính chất, mức độ vi phạm mà có thể bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự. Mức phạt từ 5-10 triệu đồng đến 70 triệu đồng. Ngoài ra còn có các biện pháp khắc phục hậu quả như tháo gỡ hoặc xóa quảng cáo và buộc cải chính thông tin” - luật sư Vũ nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm