Khám phá “bí mật” đằng sau những đĩa cơm “ngon”
Tính từ đầu năm đến nay, cơ quan chức năng đã phát hiện và xử lý hàng chục vụ ngộ độc thức ăn, mất vệ sinh an toàn thực phẩm tại các quán cơm bình dân trên địa bàn TP.HCM. Trái ngược với hình ảnh một đĩa cơm to, đầy thịt “thơm ngon” bên ngoài quán thì ở ngay sau khu vực chế biến món ăn lại nham nhở, dơ bẩn bởi những hình ảnh khiến chúng ta rợn người. Những chiếc môi, thìa dùng để đảo thức ăn vứt bừa vãi trên bàn, được sử dụng đi sử dụng lại không biết bao nhiêu lần.
Ngày 10-2-2017, 207 học sinh tiểu học và ba cô giáo ở Vĩnh Long phải nhập viện gấp sau bữa ăn trưa khi có triệu chứng tiêu chảy, đau bụng, nôn ói. Theo ban giám hiệu nhà trường, các em học sinh được nhà trường tổ chức ăn bán trú tại trường. Khẩu phần ăn gồm canh súp củ su, thịt bằm, cơm dương châu do một cơ sở cung cấp suất ăn TP Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long cung cấp. Theo kết quả kiểm nghiệm của Viện Vệ sinh y tế công cộng TP.HCM thì những suất ăn này đã bị nhiễm ba loại vi sinh là coliforms, E.coli và tụ cầu khuẩn..
Ngày 16-5-2017, báo chí có đưa tin về việc sau khi ăn cơm tối tại quán cơm gà B., 17 người trong hai đoàn du khách đã bị ngộ độc thực phẩm, đưa vào BV Đà Nẵng điều trị. Theo như cơ quan chức năng thì nguyên nhân của vụ ngộ độc là do khu vực chế biến và phòng vệ sinh không đảm bảo ngăn cách nguồn gây ô nhiễm, thịt gà sau chế biến không che đậy trước khi cho vào dĩa phục vụ khách.
Đây chỉ là hai trong số hàng trăm vụ việc xảy ra trong thời gian gần đây có liên quan đến chất lượng các phần cơm tại các quán cơm bình dân.
Đồ ăn thừa, rác rưởi nằm ngổn ngang trên sàn trong gian bếp (Ảnh: Internet)
Bán cơm gây ngộ độc thực phẩm bị xử lý thế nào?
Luật sư Dương Văn Mai, Đoàn Luật sư TP Hà Nội, cho biết: Điều 21 Nghị định 178/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm có quy định hành vi vi phạm về điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm trong kinh doanh dịch vụ ăn uống thuộc loại hình chế biến suất ăn sẵn; căn-tin kinh doanh ăn uống; bếp ăn tập thể; bếp ăn, nhà hàng ăn uống của khách sạn, khu nghỉ dưỡng; nhà hàng ăn uống với những hình thức xử lý như sau:
- Phạt tiền từ 1.000.000 đến 3.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây: Bày bán thực phẩm trên thiết bị bảo quản không hợp vệ sinh, không có bàn hoặc giá cao hơn mặt đất theo quy định; không có dụng cụ chế biến, bảo quản và sử dụng riêng đối với thực phẩm tươi sống, thực phẩm đã qua chế biến; không có biện pháp để ngăn ngừa côn trùng, động vật gây hại...
- Phạt tiền từ 3.000.000 đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây: Không bảo đảm các điều kiện vệ sinh môi trường, không tách biệt với nhà vệ sinh và các nguồn ô nhiễm khác...
- Phạt tiền từ 5.000.000 đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây: Sử dụng nguyên liệu không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ; hết hạn sử dụng, không bảo đảm an toàn để chế biến thực phẩm; cơ sở sản xuất, kinh doanh nơi có cơ sở chế biến suất ăn sẵn, căn-tin kinh doanh ăn uống, bếp ăn tập thể, bếp ăn, nhà hàng ăn uống của khách sạn, khu nghỉ dưỡng, nhà hàng ăn uống xảy ra ngộ độc thực phẩm...
- Phạt tiền từ 10.000.000 đến 15.000.000 đồng đối với hành vi kinh doanh dịch vụ ăn uống không bảo đảm an toàn thực phẩm dẫn đến ngộ độc thực phẩm.
Kèm hình phạt chính là hình thức xử phạt bổ sung: Đình chỉ hoạt động kinh doanh dịch vụ ăn uống từ 1 tháng đến 3 tháng trong trường hợp tái phạm đối với hành vi quy định tại khoản 4 điều này. Đồng thời có thể áp dụng một hoặc nhiều biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc tiêu hủy nguyên liệu thực phẩm không có nguồn gốc, xuất xứ; hết hạn sử dụng, hỏng, ôi, thiu, thối quy định; buộc chịu mọi chi phí cho việc xử lý ngộ độc thực phẩm, khám, điều trị người bị ngộ độc thực phẩm.