'Phù phép' heo nái thành heo rừng bị phạt ra sao?

“Đặc sản rừng” hiện là những món được ưa chuộng trong các quán nhậu. Chính vì thế mà nhiều cửa hàng ăn uống, nhà hàng đều cho vào thực đơn của mình một số món như “heo rừng nướng; heo rừng xào lăn; heo rừng nướng ngũ vị;…” Vì giá thành heo rừng cao hơn nhiều so với  heo nuôi nái nên nhiều thương lái bằng nhiều biện pháp “hô biến” heo nái thành heo rừng nhằm mục đích thu lợi nhuận.

Công nghệ “phù phép” heo nái thành heo rừng

Giá thịt heo nái thường rẻ hơn nhiều so với heo rừng nên nhiều người bán vẫn dùng heo nái để “biến hóa” thành heo rừng. Thịt heo rừng có lớp da và lớp lông rất dày, các lỗ chân lông khá sát nhau. Heo rừng thường có ba sợi lông chụm vào một chỗ, ít mỡ.

Dựa vào những đặc điểm của lợn rừng người kinh doanh thường nhốt heo nái để heo bớt mỡ, dùng đèn khò làm da heo nái trở thành màu vàng. Sau đó, dùng kim xăm lỗ chân lông sao cho giống với lỗ chân lông heo rừng. Một số nơi còn nhuộm lông heo nái để có màu lông giống heo rừng.

Nhiều thương lái dùng kim xăm lỗ chân lông heo nái để "biến" thành heo rừng. Ảnh: Internet

Giá thịt heo nái chỉ khoảng 30.000- 60.000 đồng/kg trong khi đó thịt heo rừng thường giá khoảng 200.000- 300.000 đồng/kg. Vì vậy hiện nay quá nhiều thương lái dùng cách trên để thu lợi nhuận.

Trong quá trình phù phép heo nái thành heo rừng, người chế biến có thể sử dụng những công nghệ không hợp vệ sinh làm ảnh hưởng đến sức khỏe người dùng.

Quy định về việc xử  lý

Theo luật sư Nguyễn Đức Chánh, Đoàn Luật sư TP.HCM, cho biết việc nhiều thương nhân đã lợi dụng những biện pháp khác nhau để làm giả thịt heo nái thành heo rừng, rồi bán cho người tiêu dùng thì tùy tính chất, mức độ mà bị xử phạt hành chính theo Nghị định 185 năm 2013 (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 124 năm 2015) của Chính phủ hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thực phẩm theo Điều 157 BLHS hiện hành.

Cơ quan chức năng bắt người làm giả thịt heo rừng. Ảnh: internet

Còn với những hành vi như dùng thuốc nhuộm tóc để thay đổi màu lông của heo nái, bơm nước vào thịt, dùng đèn khò tạo nên màu vàng trên lớp bì… thì theo quy định của Điều 5 Nghị định 178/2013 do Chính phủ ban hành quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an toàn thực phẩm, tùy từng trường hợp cụ thể mà các đối tượng có thể bị xử lý như sau: Đối với hành vi sử dụng nguyên liệu không bảo đảm an toàn thực phẩm để sản xuất, chế biến thực phẩm, phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng. Còn đối với hành vi sử dụng nguyên liệu thực phẩm có chứa tạp chất được đưa vào không bảo đảm an toàn thực phẩm để sản xuất, chế biến thực phẩm, phạt tiền, phạt tiền từ 70 triệu đồng đến 100 triệu đồng.

Ngoài ra, tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, trực tiếp cung cấp hàng hóa có khuyết tật, gây thiệt hại đến sức khỏe, tính mạng, tài sản của người tiêu dùng (kể cả khi tổ chức, cá nhân đó không biết hoặc không có lỗi trong việc phát sinh khuyết tật) thì phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại theo quy định của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2010.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm