Coi trọng luật sư để cùng xử lý án

Ngày 30-4, Pháp Luật TP.HCM đăng bài “Khi luật sư bị hạch hỏi” phản ánh có rất nhiều tình huống dở khóc dở cười khi luật sư (LS) ra tòa bào chữa, bảo vệ quyền lợi cho thân chủ. Có trường hợp LS bị hạ uy tín ngay tại phiên tòa. Rất nhiều LS đã phản hồi kể lại các tình huống mình bị o ép và đề xuất tòa, viện phải tôn trọng các quyền của LS.

“Không thích thì không làm”

Trong phần tranh luận tại một phiên xử sơ thẩm mới đây ở Tây Ninh, tôi gặp một tình huống khó xử với kiểm sát viên (KSV). Tôi bào chữa cho bị cáo bị xét xử về tội hủy hoại tài sản. Tôi nói biên bản định giá tài sản không khách quan vì cơ quan điều tra, VKS không mời các bên đương sự tham gia theo quy định. Nghe vậy, vị KSV phản bác: “Tôi nghĩ không cần thiết”. Tôi nói tiếp: “Sao đại diện VKS nói thế được, luật quy định thì phải làm chứ sao lại cần hay không cần?”. Vị KSV nói: “LS mang cuốn luật ra chỉ cho tôi xem chỗ nào luật quy định như vậy”.

Sau khi tôi đọc điều khoản quy định như trên thì KSV này nói một câu gọn ơ: “Nhưng mà cơ quan tố tụng có quyền thích thì mời, không thích thì… không mời!”.

Tôi nghe xong buồn gì đâu!

Việc tranh tụng phải trong khuôn khổ pháp luật, theo pháp luật chứ không thể muốn nói gì thì nói như vị KSV trên. Việc đối đáp như vậy không những coi thường ý kiến LS mà làm giảm chất lượng tranh tụng. Tôi nghĩ chúng ta đang đẩy mạnh cải cách tư pháp thì không thể có kiểu đối đáp như trên, Mặt khác, pháp luật cần quy định rõ hơn biện pháp chế tài nếu chủ thể nào đó vi phạm, tránh tình trạng LS bị lấn át, bị coi thường như hiện nay.

LS NGUYỄN THẾ TÂN, Đoàn LS tỉnh Tây Ninh

Coi trọng luật sư để cùng xử lý án ảnh 1

LS tham gia bào chữa tại một phiên tòa lưu động. Ảnh: DH

Chấn chỉnh văn hóa pháp đình

Cách đây vài năm, trong phiên xử tội cố ý gây thương tích ở TAND một quận ở TP.HCM, tôi tranh luận cho rằng cơ quan điều tra và VKS chưa làm tròn trách nhiệm, thiếu chứng cứ nên không rõ hành vi phạm tội của bị cáo. Thế nhưng vị KSV lại nâng quan điểm: LS nói vậy là đặt điều, vu khống và xúc phạm cơ quan tiến hành tố tụng. Đề nghị HĐXX làm văn bản kiến nghị xử lý LS vì có lời lẽ xúc phạm cơ quan nhà nước…

Tất nhiên sau đó không có biên bản nào được lập vì HĐXX không có ý kiến gì trước đề nghị của KSV. Rõ ràng tình huống này, LS bị xúc phạm không được tôn trọng.

Tôi muốn nói rằng tình trạng LS bị coi thường, thậm chí bị xúc phạm tại tòa, đặc biệt là trong khi tranh luận khá phổ biến. Hầu như LS nào cũng gặp, tuy rằng mức độ khác nhau. Để LS có được vị thế công bằng khi tham gia tố tụng theo pháp luật thì ngay từ chỗ ngồi LS cũng phải được ngang hàng với KSV như cách bài trí phòng xử tại TAND TP Đà Nẵng hiện nay. Thứ hai là phải quy định tranh tụng bình đẳng, nghĩa là tranh tụng tới cùng theo diễn biến phiên tòa chứ không tiếp diễn tình trạng khi đã đuối lý thì KSV nói câu cửa miệng: Tôi bảo lưu quan điểm của mình.

Thứ ba là khi có cơ sở cho rằng một chủ thể nào đó bị xúc phạm (KSV xúc phạm LS hoặc ngược lại) thì HĐXX phải là cơ quan ghi nhận lại và xử lý theo thẩm quyền và pháp luật. Thứ tư là trong các bộ luật tố tụng cần bổ sung quy định rõ các biện pháp chế tài cụ thể với những hành vi vi phạm văn minh tranh luận và văn hóa pháp đình để chấn chỉnh ngay tình trạng chủ thể nọ “hạ bệ” chủ thể kia.

LS PHẠM MINH TÂM, Đoàn LS TP.HCM

Cố tình hạ thấp uy tín luật sư

Trong một số trường hợp, tôi cũng không bằng lòng với cách hành xử của KSV, thẩm phán đối với LS. Chuyện tòa “thẩm tra căn cước” LS không loại trừ là cố tình làm vậy để hạ thấp uy tín của LS. Theo tôi, LS chấp hành nội quy và sự điều khiển của chủ tọa nhưng chấp hành trong trường hợp này là chấp hành cứng nhắc và sai quy định. LS cần phải biết quyền của mình tại phiên tòa. Nếu LS tự làm mất tư cách của mình tại phiên tòa thì không thể bảo vệ được quyền của người khác.

Tôi khẳng định người bào chữa và người thực hành quyền công tố phải có sự bình đẳng. Nhiều người cho rằng HĐXX và đại diện VKS là phía đại diện cho cơ quan nhà nước, còn LS chỉ là đại diện cho một cá nhân. Cách hiểu này là không đúng. Một cá nhân được xem là không có tội khi bản án chưa có hiệu lực. Vì vậy ra tòa cá nhân đó là hoàn toàn vô tội. Như vậy, nhiệm vụ và quyền hạn của LS và VKS là ngang hàng, một bên gỡ tội một bên buộc tội. Nếu không có sự bình đẳng thì không thể có một bản án khách quan.

LS HOÀNG CAO SANG, Đoàn LS TP.HCM

Tránh tâm lý nghĩ mình có quyền to hơn

Có lần tôi chuyển lời của một PV đến HĐXX tại TAND TP.HCM xin cho chụp ảnh bị cáo và được đồng ý. Sau đó, PV vào chụp ảnh thì bị vị KSV ngăn cản. Tôi đứng lên giải thích vụ việc. Những tưởng được chia sẻ, không ngờ vị KSV bảo: “Tôi có quyền giám sát hoạt động xét xử, LS có quyền gì mà đứng ra can thiệp?”. Tôi nói lại vụ việc nhưng vẫn bị tranh cãi. May sau đó HĐXX đã trao đổi kỹ càng lại nên vụ việc không bị đẩy đi quá xa.

Theo tôi, sở dĩ tình trạng LS bị KSV xúc phạm tại tòa vẫn tiếp diễn là do KSV luôn mang tâm lý nghĩ mình có quyền to hơn LS vì được Nhà nước phân công làm nhiệm vụ. Tôi nghĩ cần phải quy định rõ các biện pháp chế tài để ngăn ngừa những hành vi này.

LS TRẦN CÔNG LY TAO, Đoàn LS TP.HCM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm