Gia đình ông TVD (ngụ Đầm Dơi, Cà Mau) và gia đình ông NHN là thông gia. Lúc sinh con đầu lòng, con gái ông N. về nhà cha mẹ. Thời gian đó không thấy ông bà thông gia sang thăm cháu, vợ chồng ông N. chạnh lòng nhưng không dám thổ lộ với ai.
Vì lời con rể, thông gia đánh nhau
Lúc sang thăm vợ con, con trai ông D. tỏ vẻ không hài lòng, chê đứa nhỏ “không bụ bẫm”. Ông N. bực bởi chỉ có vợ chồng ông chăm cháu, bên nội không thấy đâu, giờ con rể lại sang hoạnh họe nên đuổi con rể về, tuyên bố cấm cửa.
Từ đó, mỗi lần sang con trai ông D. hôm thì không được vào nhà, bữa thì xích mích với vợ chồng ông N. Nghe con kể bị ông bà thông gia làm khó, vợ chồng ông D. bèn cùng vợ chồng người em gái, con trai sang nhà ông N. nói chuyện.
Đến nơi, con trai ông D. vào trước, bị ông N. đuổi khỏi nhà, dùng tay đánh. Ông D. vào can bị ông N. đánh luôn. Vậy là hai bên ẩu đả. Em vợ ông N. ở bên cạnh cũng tham gia rồi bị thương ở mũi và tay, tổng tỉ lệ thương tật hơn 13%.
Sau đó em vợ ông N. yêu cầu ông D. bồi thường gần 8 triệu đồng tiền thuốc thang và tiền thời gian ở nhà chữa trị. Cho rằng vết thương của bà này chưa chắc do mình gây ra vì lúc ẩu đả có nhiều người, ông D. nhất quyết không chịu.
Em vợ ông N. làm đơn tố giác. Ông D. bị các cơ quan tố tụng huyện Đầm Dơi khởi tố, truy tố, kết án một năm tù về tội cố ý gây thương tích theo khoản 1 Điều 104 BLHS và buộc bồi thường cho người bị hại 8 triệu đồng. Ông D. kháng cáo kêu oan. TAND tỉnh Cà Mau sau đó đã hủy án sơ thẩm để điều tra, xét xử lại vì chưa đủ căn cứ vững chắc chứng minh ông D. gây thương tích cho người bị hại...
Bào chữa miễn phí
Cháu gái ông D. làm tại một tiệm hớt tóc mà luật sư Lâm Quang Quý (Đoàn Luật sư TP.HCM) thường đến. Một lần anh đến hớt tóc, cô này xin gặp kể lại vụ việc, nhờ anh tư vấn một số việc. Cô nói từ ngày ông D. bị bắt, nhà ông rơi vào cảnh cùng quẫn. Trước đó gia đình có hai vuông tôm thì nay đã phải bán đi trang trải nợ nần. Các con ông D. bỏ lên TP.HCM làm thuê. Vợ chồng người con trai vì mâu thuẫn giữa hai nhà cũng đã ly hôn.
Luật sư Quý hỏi: “Nhà ông D. có thuê luật sư không?”. Cô gái cho biết có nhờ luật sư, phí là 10 triệu đồng nhưng chỉ mới trả được một nửa. Giờ tòa phúc thẩm hủy án, họ không biết phải làm sao nữa. Luật sư Quý bèn nói cô gái nhắn gia đình ông D. gửi hồ sơ cho anh. Cô gái bảo: “Thôi anh à! Nhà chú ấy không còn tiền thuê luật sư đâu”. “Tôi giúp không lấy tiền. Cô cứ kêu họ gửi cho tôi” - luật sư Quý trả lời.
Đọc hồ sơ, luật sư Quý thấy vụ việc đơn giản, lẽ ra hai nhà chỉ cần nói chuyện nhẹ nhàng với nhau thì đã không có gì to tát. Anh tin mình có thể giúp được ông D. nên gọi điện thoại cho con trai ông. “Không! Tụi tui không có tiền thuê luật sư. Có phải anh nói xạo?” - con trai ông D. nghi ngờ. Luật sư Quý khẳng định: “Tôi sẽ bào chữa miễn phí, không lấy tiền”. Đầu dây bên kia vẫn nghi ngờ: “Làm sao tui tin. Ba tui đi tù, gia đình tui không còn gì” rồi cúp máy.
Luật sư Quý nghĩ “chắc người ta nghĩ mình nói xạo” nên xuống tận Đầm Dơi gặp gia đình ông D. Được gia đình đồng ý, anh làm thủ tục xin cấp giấy chứng nhận bào chữa rồi vào trại giam gặp ông D. Gặp anh, ông D. khóc như một đứa trẻ: “Tui nhớ nhà, nhớ vợ con. Vừa rồi ở tòa tui mới biết vợ con tui phải bán đất đi làm thuê rồi. Luật sư nói giúp là tui khỏe để họ yên tâm”. Luật sư Quý động viên ông D. Sau đó anh làm thủ tục bảo lãnh cho ông tại ngoại.
Bỏ tiền bồi thường thay bị cáo
Luật sư Quý tìm hiểu và biết người bị hại cũng thuộc dạng chạy ăn từng bữa. “Chị ấy bị thương, yêu cầu bồi thường không được, đã thế còn bị lên án này nọ, bực quá mới đi thưa công an” - anh kể.
Anh tìm gặp người bị hại. Nhìn anh một lúc, bà nói: “Chú là luật sư của ông D. đó hả. Trời ơi! Mấy lần trước, ông luật sư kia gặp tui ở tòa nhìn tui như kẻ thù vậy. Mỗi lần ổng nhìn là tui đâu dám nói gì”. Anh bèn gợi chuyện: “Việc giữa hai nhà có thể nói chuyện được mà chị, sao phải đưa nhau ra tòa làm gì để hai bên cùng khổ vậy. Giờ chị làm lớn vậy, chị đâu nhận được gì. Bên kia họ cũng thiệt đủ thứ, ly tán rồi”. Người bị hại buồn bã: “Hai bên thông gia, tui cũng không muốn vậy. Nhưng đâu có ai sang nói chuyện với tui đàng hoàng đâu”. Rồi bà thành thật: “Lên tòa miết tui mệt lắm. Có lần phải mượn hàng xóm 200.000 đồng đi đò, chú ơi”.
“Nghe chị ấy nói, rồi thấy đứa con nhỏ của chị ấy nhem nhuốc lủi thủi ngồi chơi một mình mà tôi thương quá” - luật sư Quý kể. Anh khéo léo lấy 200.000 đồng bỏ phong bì đưa đứa nhỏ, nói: “Chú cho con tiền ăn sáng nhé, chút con nói mẹ đi mua bánh cho con nghe”.
Rồi anh quay lại nói chuyện với người bị hại: “Chị ạ, giờ thế này, chị yêu cầu bồi thường gần 8 triệu đồng, nếu ông D. bồi thường hết thì chị có rút đơn không? Chị rút đơn thì mọi việc sẽ xong, chị không phải đi lên đi xuống, ông D. không phải đi tù nữa. Rồi có thể vì vậy mà hai bên sẽ trở lại như xưa”. “Rút đơn là gì, tui không hiểu?” - người bị hại hỏi. Anh giải thích: “Nghĩa là chị không thưa công an nữa”. Nghĩ một lúc, người bị hại nói: “Thôi, tui rút đơn”. Anh thở phào: “Ôi! Thế thì mừng quá. Em thay mặt gia đình ông D. cảm ơn chị rất nhiều”.
Sau đó anh nói chuyện với Thẩm phán NTL (TAND huyện Đầm Dơi, người được phân công giải quyết án). “Thật không? Tôi đang đau đầu vì vụ này, giờ người bị hại rút đơn thì tốt quá” - Thẩm phán L. nhẹ nhõm.
“Bây giờ đất không còn, cái gì cũng không có, làm sao ra tiền đền cho người ta?” - ông D. rầu rĩ. “Nhà ông D. nghèo nhưng người bị hại cũng rất khổ, cần tiền trang trải. Đã giúp thì giúp cho trọn” - luật sư Quý quyết định và bỏ 8 triệu đồng gửi người bị hại. Sau đó người bị hại đã làm đơn rút yêu cầu khởi tố. Tháng 5-2013, Thẩm phán L. đã ra quyết định đình chỉ vụ án.
Khởi tố theo yêu cầu của người bị hại Những vụ án về một số tội phạm theo quy định chỉ được khởi tố khi có yêu cầu của người bị hại hoặc của người đại diện hợp pháp của người bị hại là người chưa thành niên, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất. Trong trường hợp người đã yêu cầu khởi tố rút yêu cầu trước ngày mở phiên tòa sơ thẩm thì vụ án phải được đình chỉ. (Theo Điều 105 BLTTHS 2003) |