Thời gian gần đây, Công an tỉnh Gia Lai tiếp nhận nhiều thông phản ánh việc một số đối tượng có hành vi lừa đảo nhận tiền để “chạy” chuyển công an chuyên nghiệp, đi học các trường Công an nhân dân, tuyển dụng vào làm việc tại Công an tỉnh Gia Lai.
Những người tố cáo ông Y Tuyến Ksơr-phó Trưởng phòng PC64 Công an tỉnh Đak Lak
Những người này thường tìm đến những gia đình có con, em là chiến sỹ đang thực hiện nghĩa vụ Công an nhân dân, sinh viên vừa tốt nghiệp đại học ngành ngoài CAND nhưng có nhu cầu công tác trong ngành Công an. Từ đây, họ tự giới thiệu có mối quan hệ làm ở Bộ Công an hoặc bản thân là con cháu các lãnh đạo có khả năng “lo” ổn thỏa nhu cầu của người dân.
Đặc biệt, để tạo sự tin tưởng, họ còn làm giả quyết định tuyển dụng của Giám đốc Công an tỉnh Gia Lai, thông báo trúng tuyển các trường Công an nhân dân của Trưởng phòng Tổ chức cán bộ, Công an tỉnh.
Về việc trên, đại tá Bùi Thị Oanh, Trưởng phòng Tổ chức cán bộ, Công an tỉnh Gia Lai đề nghị các cá nhân, tổ chức chủ động đề cao cảnh giác với các thủ đoạn lừa đảo trên, tránh để các đối tượng xấu lợi dụng.
Đại tá Oanh cho biết trong hai năm 2016 và 2017, Bộ Công an đã tạm dừng tuyển ngành ngoài, Công an tỉnh cũng không báo cáo, đề xuất Bộ Công an tuyển trường hợp nào.
Thứ hai, việc chuyển chuyên nghiệp đối với công dân thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân hết hạn phục vụ 3 năm được Công an tỉnh thực hiện trên cơ sở kết quả điểm các môn thi của chiến sỹ nghĩa vụ đăng ký xét tuyển các trường CAND và quá trình rèn luyện, phấn đấu khi thực hiện nghĩa vụ tham gia CAND. Ngoài chỉ tiêu được phân bổ, Công an tỉnh không đề nghị xét chuyển bổ sung trường hợp nào theo đúng chỉ đạo của Bộ.
Thứ ba, việc tuyển sinh vào các trường CAND hàng năm được căn cứ vào kết quả kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông Quốc gia và nguyện vọng đăng ký của thí sinh, việc nộp hồ sơ, đăng ký xét tuyển và công tác xét tuyển của các trường CAND được thực hiện khách quan, đúng quy định, có kiểm tra, giám sát, không ai có thể can thiệp và thay đổi kết quả xét tuyển. “Khi phát hiện thấy đối tượng có biểu hiện nghi vấn, đề nghị nhân dân thông báo ngay cho cơ quan Công an để phối hợp, giải quyết”, đại tá Oanh nói.
Trước đó, 10 hộ dân ở tỉnh Gia Lai bị thượng tá Y Tuyến Ksơr-phó Trưởng phòng PC64 Công an tỉnh Đak Lak lừa đảo số tiền 3,16 tỷ đồng (người thấp nhất 200 triệu, người cao nhất là 450 triệu đồng) để chạy trường cho con em họ vào trường trung cấp công an nhân dân ở tỉnh Quảng Nam. Sau khi vào cuộc, Công an tỉnh Đak Lak đã tiến hành tước quân tịch và bắt giam đối với thượng tá Y Tuyến Ksơr về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Công an tỉnh Gia Lai cũng đã làm rõ một số vụ tương tự, như Lâm Thị Hồ Nhi (35 tuổi, trú phường Thắng Lợi, TP. Pleiku) đã chiếm đoạt của 9 trường hợp ở 2 tỉnh Gia Lai và Kon Tum với số tiền 860 triệu đồng; Nguyễn Thị Thúy Nội (59 tuổi, trú phường Tây Sơn, TP. Pleiku) chiếm đoạt của 7 trường hợp ở Gia Lai với số tiền 745 triệu đồng. |