Mới đây, VKSND tỉnh Bình Phước đã có văn bản phúc đáp TAND tỉnh này, khẳng định giữ nguyên quan điểm truy tố đối với Ngô Minh Chiến về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.
Không làm rõ được tố cáo dù có nhân chứng
Như Pháp Luật TP.HCM từng thông tin, tháng 8-2016, sau một ngày xét hỏi, TAND tỉnh Bình Phước đã trả hồ sơ cho VKS vì tại phiên tòa bị cáo Chiến tố bị điều tra viên (ĐTV) mớm cung, ép cung khi lấy lời khai tại bệnh viện.
Theo bị cáo, ngày 11-12-2014, bị cáo mang thai nằm bệnh viện thì ĐTV NQH và kiểm sát viên (KSV) NTTH vào làm việc. Khi KSV bỏ về nấu cơm, ĐTV đã yêu cầu bị cáo viết lời khai theo ý ĐTV để ĐTV về làm thủ tục cho bị cáo tại ngoại sớm. Do đang mệt mỏi bởi có chứng tiền sản giật, sợ ảnh hưởng đến thai nhi nên bị cáo nghe theo.
Bị cáo, luật sư cũng cung cấp cho HĐXX một đoạn băng ghi âm mà theo bị cáo, luật sư là chứng minh có chuyện này. Sau khi nghe băng ghi âm, HĐXX triệu tập cả ĐTV NQH lẫn KSV NTTH đến phiên tòa. Tuy nhiên KSV nói không bỏ về, ĐTV cũng nói không có việc mớm cung, ép cung.
HĐXX đã triệu tập bốn người có mặt tại phòng bệnh bị cáo nằm ngày 11-12-2014, đồng thời tách họ ra lấy lời khai riêng từng người. Sau đó, HĐXX chỉ chấp nhận lời khai của bệnh nhân Đặng Thị Quỳnh Nga (nằm cạnh giường bị cáo), không chấp nhận ba người còn lại do là người quen của bị cáo. Trước tòa, chị Nga khai: “Hôm đó, anh công an và chị KSV mặc đồ ngành đến phòng bệnh. Lúc sau chị KSV về do chưa nấu cơm cho con, chỉ còn mình anh công an ở lại và đọc cho chị Chiến viết lời khai”. Chị Nga cũng xác định với HĐXX rằng anh công an, chị KSV hôm đó chính là hai người đang ngồi dự tòa.
Bà Ngô Minh Chiến bức xúc vì VKS không thể làm rõ việc điều tra viên đọc cho bà ghi lời khai dù có ghi âm, nhân chứng. Ảnh: H.YẾN
Trước các diễn biến này, HĐXX đã trả hồ sơ để điều tra bổ sung.
Trong văn bản trả lời tòa, VKS cho biết không làm rõ được nội dung tố cáo mớm cung, ép cung nói trên. Theo VKS, bản giám định của Viện Khoa học hình sự (Bộ Công an) về nội dung đoạn file ghi âm do bị can cung cấp thể hiện nội dung giống như HĐXX công bố tại phiên xử. CQĐT đã tiến hành điều tra làm rõ nội dung có sự việc ĐTV đọc nội dung ngày vay và trả nợ cho bị can Chiến viết hay không. Tuy nhiên, ngoài chị Nga là người nằm chung phòng bệnh với bị can Chiến có chứng kiến ĐTV, KSV làm việc với bị can thì không xác định được những người khác. Ngoài ra, các y, bác sĩ, điều dưỡng đã khám, điều trị tại khoa nội cũng không chứng kiến ĐTV, KSV làm việc với bị can...
Giám sát sao để có chứng cứ xác định sự thật?
Trong thực tiễn, đã có những ĐTV, KSV bị xử lý hình sự vì ép cung, dùng nhục hình làm oan người vô tội. Cạnh đó cũng có rất nhiều vụ bị cáo ra tòa tố bị ĐTV mớm cung, ép cung, ĐTV thì phủ nhận, cuối cùng tòa không kết luận được vì thiếu chứng cứ cụ thể.
Để hạn chế chuyện mớm cung, ép cung, dùng nhục hình, BLTTHS 2015 quy định việc hỏi cung bị can tại cơ sở giam giữ hoặc tại trụ sở CQĐT, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra phải được ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh. Việc hỏi cung bị can tại các địa điểm khác được ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh theo yêu cầu của bị can, của cơ quan tố tụng, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng.
Như vậy, khi BLTTHS 2015 có hiệu lực, nếu thực hiện đúng quy định này thì ĐTV phải ghi âm, ghi hình việc lấy lời khai nghi can tại nơi khác cơ sở giam giữ, trụ sở CQĐT như bệnh viện, nhà riêng… nếu nghi can có yêu cầu. Tuy nhiên, nếu nghi can yêu cầu mà ĐTV không đáp ứng, sau này nghi can khiếu nại lại bảo “lúc hỏi cung họ không yêu cầu” thì lấy gì để xác định sự thật?
Ông Vũ Phi Long (nguyên Phó Chánh Tòa Hình sự TAND TP.HCM), TS Phan Anh Tuấn (Trường ĐH Luật TP.HCM) và luật sư Vũ Quang Đức (Đoàn Luật sư TP.HCM) đều cho rằng nên bổ sung quy định phải có luật sư chứng kiến, đại diện VKS giám sát việc lấy lời khai nghi can trong trường hợp này. Nếu ĐTV ghi âm, ghi hình theo yêu cầu của nghi can thì cần lập biên bản với sự xác nhận của các bên có mặt tại buổi hỏi cung (ĐTV, KSV, nghi can, luật sư…).
“Trong trường hợp ĐTV lấy lý do không có phương tiện để ghi âm, ghi hình thì luật sư có thể hỗ trợ thân chủ bằng cách dùng thiết bị điện tử thông dụng như máy ghi hình, máy ghi âm, smartphone có chức năng quay phim, chụp ảnh, ghi âm. Bởi lẽ luật mới quy định luật sư cũng có quyền tự thu thập và đưa ra chứng cứ” - TS Tuấn nói.
Xây dựng đề án ghi âm, ghi hình Theo Thiếu tướng Trần Thế Quân (Phó Cục trưởng Cục Pháp chế và cải cách hành chính tư pháp), Bộ Công an đã chủ trì, phối hợp với VKSND Tối cao, TAND Tối cao, Bộ Quốc phòng, Bộ KH&ĐT, Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ thành lập ban chỉ đạo, tổ giúp việc xây dựng đề án tổng thể về ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh việc hỏi cung bị can. Ngày 14-9, bộ trưởng Bộ Công an đã ban hành Kế hoạch số 263 về việc xây dựng đề án, tổ chức cuộc họp ban chỉ đạo, tổ giúp việc phân công nhiệm vụ cụ thể, đồng thời đề nghị các bộ, ngành có liên quan phối hợp... Ngoài ra, Bộ Công an đã xây dựng, thực hiện thí điểm phòng hỏi cung có ghi âm, ghi hình có âm thanh tại một số địa phương, đơn vị như Hà Nội, Bắc Giang, Tổng cục An ninh… Trước đó, theo Nghị quyết 110/2015, Quốc hội giao bộ trưởng Bộ Công an quyết định cụ thể nơi có điều kiện để thực hiện việc ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh hoạt động hỏi cung bị can kể từ ngày 1-7-2016. Chậm nhất đến ngày 1-1-2019 thực hiện thống nhất việc ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh việc hỏi cung bị can trên phạm vi toàn quốc… |