Trên các số báo trước chúng tôi nêu thực trạng là nhiều nạn nhân những vụ cướp giật không chịu hợp tác với công an. Làm cách nào để mỗi khi xảy ra án, công an là nơi họ tìm đến đầu tiên. Trung tá Mai Thống Nhất, cựu đội trưởng Đội Cảnh sát hình sự đặc nhiệm (Đội 3, Phòng Cảnh sát hình sự, Công an TP.HCM) có cái nhìn rất sâu về vấn đề này.
Không phải đối tượng nhận tội là đủ
. Phóng viên: Có thực trạng là người dân bị mất tài sản nhưng ngại đến cơ quan công an trình báo, thậm chí có trường hợp họ chấp nhận thỏa hiệp với tội phạm bằng việc đi chuộc lại tài sản. Theo ông, vấn đề này do đâu?
+ Trung tá Mai Thống Nhất: Có thực trạng này và đây cũng là một trong những nguyên nhân gây khó khăn cho công an trong việc truy bắt, đấu tranh, xử lý tội phạm.
Dân không đến trình báo có rất nhiều nguyên nhân: Họ sợ mất thời gian hoặc tài sản giá trị không lớn nên bỏ qua. Phía cán bộ, có một bộ phận không nhiệt tình, gây khó dễ khiến người bị hại mất niềm tin, không tới trình báo.
. Việc người dân không tới công an trình báo khi bị mất tài sản ngoài gây khó khăn cho công tác điều tra, xử lý còn dẫn tới những hệ lụy nào khác, thưa ông?
+ Thứ nhất, trình báo của người dân là tư liệu quý để công an nắm được đặc điểm nhân dạng, phương tiện, phương thức thủ đoạn của đối tượng. Rất nhiều vụ việc từ tư liệu của người dân mà chúng tôi đã truy bắt thành công, lần ra cả băng nhóm.
Vụ cướp giật kéo lê cô gái cả chục mét ở quận 1, từ clip chỉ mấy giây, bằng biện pháp nghiệp vụ, Đội 3 phối hợp cùng Đội Cảnh sát hình sự Công an quận 1 bắt được Trương Hồng Thái sau năm ngày gây án. Vụ bắt Thạch Thanh Tuyền cướp giật lọt vào ống kính ngày 29 tết cũng vậy. Hình ảnh đối tượng do người nhà nạn nhân chụp được cùng lời khai của nạn nhân giúp công an nhanh chóng xác minh được kẻ phạm tội... Đó là những tư liệu quý để chúng tôi lần tìm ra người này.
Thứ hai, không phải nghi phạm nhận tội là đủ. Có rất nhiều vụ nhận tội thay: Em nhận tội thay anh, cha nhận tội thay con… nên phải đối chiếu với lời khai, chứng cứ, giám định. Vì vậy, việc trình báo, hợp tác của bị hại sẽ giúp công an xác định chính xác người phạm tội.
Trước đây ở Bình Chánh có chuyện một người đứng ra nhận tội giết người và anh này mô tả tỉ mỉ việc gây án. Tuy nhiên, hung khí anh này khai không phù hợp với vết thương trên người nạn nhân và khi tìm hiểu kỹ mới hay anh này bị hoang tưởng, còn thủ phạm lại là người khác.
Thứ ba, việc người dân không trình báo dẫn tới không có căn cứ truy tố đối tượng, có trường hợp bắt được rồi lại thả ra. Rất nhiều vụ việc trinh sát bị đánh, bị té, bị xịt hơi cay… trong quá trình truy đuổi nhưng tới khi xử lý lại không có nạn nhân nên rất khó.
Vụ triệt phá băng cướp giật Công “mặt nám”, Châu Ngọc Minh Mẫn cùng đồng phạm chuyên ăn hàng quanh khu phố Tây là ví dụ. Trinh sát mất nhiều tháng trời đeo bám, theo dõi, thậm chí bị đánh nhưng khi bắt hơn chục người về thì chỉ xử lý hình sự được một bị can vì không có bị hại!
Chưa hết, cũng có nhiều vụ ách tắc vì không thu hồi được vật chứng vì nó đã bị tiêu hủy, bán sang tay nhiều người...
Ba nghi can cướp giật bị Công an quận 1 bắt giữ, sau đó không xử lý được vì tìm không ra nạn nhân. Ảnh: Công an cung cấp
Đặt mình vào vị trí nạn nhân để làm việc
. Nhiều người dân nói rằng họ không muốn đến công an làm việc vì sợ phiền hà, đến nhiều lần nhưng chưa chắc đã lấy lại được tài sản, có người còn bị đối xử như tội phạm. Có thực trạng này không và hướng khắc phục thế nào, thưa ông?
+ Khi làm việc với người dân, tôi nghĩ anh em hãy đặt mình vào vị trí nạn nhân để làm việc.
Mất tài sản đã xót rồi, họ đến công an trình báo vừa là mong tìm lại tài sản của mình, đồng thời là cung cấp thông tin để công an điều tra, khám phá án chứ họ không phải là tội phạm. Vì vậy, về phía cán bộ chiến sĩ cần có cách hành xử hợp lý, khi tiếp nhận phải lịch sự, đúng quy định ngành, làm cho dân cảm thấy có thể hiện tại chưa tìm lại được tài sản nhưng dân được lắng nghe, tiếp nhận. Mỗi khi có sự việc xảy ra, dù lớn dù nhỏ cần phân công cán bộ ghi lời khai, tiếp nhận thông tin ban đầu đầy đủ, trách nhiệm...
Về phía người dân, trình báo là quyền lợi của người dân để công an tìm lại tài sản của mình, đồng thời góp phần cùng công an truy bắt đối tượng phạm tội. Lời khai của bị hại không chỉ là thông tin mà có bị hại mới xử lý được đối tượng. Bởi vậy, khi đến trình báo cần phải trung thực, rõ ràng và hợp tác.
. Người dân cần chuẩn bị gì khi đến công an trình báo?
+ Người dân cố gắng nhớ đặc điểm kẻ gây án về dáng người, cao thấp, tóc tai, mặt mũi, áo quần, đi xe màu gì, biển số xe, những đặc điểm riêng biệt ấn tượng trên người đối tượng như vết xăm, bớt…
Tất nhiên kẻ cướp giật ra tay nhanh, nạn nhân khó có thể nhớ được đặc điểm nhân dạng đầy đủ nhưng chỉ một vài chi tiết mà nạn nhân ghi nhận, cung cấp cho công an sẽ giúp lực lượng chức năng tìm ra thủ phạm, sớm thu hồi tài sản.
Có thể hôm nay bà con mất số tiền nhỏ, cái điện thoại cũ và ngại, sợ phiền phức không đến trình báo. Nhưng ngày mai, ngày kia, những người khác, thậm chí người thân, bạn bè, anh chị sẽ trở thành nạn nhân tiếp theo. Rất nhiều vụ việc cướp giật đạp, giật đồ khiến người đi đường bị thương, có người còn tử vong. Bởi vậy, ngay khi bị cướp giật, người dân cần đến ngay công an phường gần nhất để trình báo. Đó vừa là quyền vừa là nghĩa vụ của mỗi công dân.
. Xin cám ơn ông.