Nghịch lý: Bắt cướp giật nhưng phải thả - Bài 2

Đã bị cướp giật còn mệt mỏi khi trình báo công an

Trên số trước chúng tôi phản ánh có thực trạng là khi đi tuần tra, các trinh sát phân công “giữ” nạn nhân vì họ không chịu hợp tác, gây khó cho công tác xử lý tội phạm.

Có nhiều lý do cho việc này nhưng một số nạn nhân cho hay do thủ tục nhiêu khê, đi lại nhiều lần, cách làm việc của một số cán bộ… khiến người bị hại có cảm giác mình bị coi như tội phạm.

Ba lần lên công an để khai báo một nội dung

“Chỉ trong mấy ngày, tôi đi lấy lời khai đến ba lần với cùng một nội dung trình báo. Cuối cùng đến nay cũng không lấy lại được tài sản, còn nghe tin hai đối tượng được thả khiến tôi cảm thấy hụt hẫng” - ông Võ Anh Triết (41 tuổi, Phú Nhuận), nạn nhân của một vụ cướp giật, nói.

Ông Triết chính là nạn nhân của băng cướp giật do Tài “bu” cầm đầu. Theo công an, băng nhóm này gây ra hàng chục vụ cướp giật trên khắp địa bàn TP nhưng công an chỉ nhận được trình báo của một mình ông. Ông bị giật tài sản tại 135A Âu Cơ (quận 11) khi đang nhậu cùng người bạn.

“Lúc đó khoảng 1 giờ 30 sáng 20-6-2019, tôi đang nhậu thì có người chạy qua giật luôn chiếc balô tôi để bên cạnh và mất hút ở ngã tư Lạc Long Quân - Âu Cơ. Chiều cùng ngày, tôi qua Công an phường 14, quận 11 trình báo vụ việc cùng thông tin về tài sản, giấy tờ bị mất” - ông cho hay.

Theo ông Triết, khoảng 2-3 ngày sau, Công an TP.HCM mời ông đến Công an phường Nguyễn Thái Bình làm việc và yêu cầu ông viết tường trình. Ông đã viết tường trình có nội dung như hôm đầu tiên đến Công an phường 14, quận 11. Đến hôm sau nữa, ông lại được mời tới trụ sở Công an phường 14, quận 11 viết tường trình. “Ba bản tường trình trong khoảng một tuần với nội dung na ná nhau khiến tôi mệt mỏi” - ông nói.

“Lúc làm tường trình, anh công an hỏi tôi có yêu cầu gì về tài sản, bồi thường gì không. Tôi bảo tôi chỉ muốn lấy lại giấy tờ, cái Macbook vì nó chứa nhiều dữ liệu, công việc. Đến ngày nghe tin công an bắt được tụi nó rồi, là bạn bè đọc báo biết nên nói cho tôi, tôi mừng lắm chạy lên hỏi thì công an nói đang điều tra. Đợi lâu quá, sốt ruột tôi đi hỏi thì mới hay tin cả hai đã được thả rồi. Tôi gọi điện thoại cho một anh trong Đội Cảnh sát hình sự quận 11 thì được giải thích là do tôi không nhận diện được kẻ cướp và không tìm thấy tang chứng, vật chứng. Lúc nghe tin vậy, tôi hơi hụt hẫng…” - ông Triết nói.

Mất giấy tờ, chuyến đi Mỹ của ông và gia đình phải hủy, kéo theo nhiều hệ lụy khác...

Nói về việc này, lãnh đạo Đội Cảnh sát hình sự Công an quận 11 cho biết vấn đề nhận diện rất khó vì cướp giật hành động rất nhanh, người dân khó nhận diện được.

Công an quận 1, TP.HCM trao trả lại tài sản cho một nạn nhân. Ảnh: NT

Ông Võ Anh Triết kể lại câu chuyện bị cướp giật.

Điện thoại không trả cho nạn nhân

Cũng rơi vào trường hợp tương tự là anh T. (Hóc Môn). Tháng 7-2019, anh T. bị mất điện thoại khi vào bệnh viện chăm con.

Kẻ gian đã bị bắt ngay sau đó, tang vật được thu hồi, anh cũng đã đến công an làm việc nhiều lần để lấy lại tài sản nhưng gặp khó.

“Tôi lên công an hai lần, lần một viết nội dung, họ hỏi: sạc ở đâu, tình huống như nào?... Lần thứ hai, công an đưa tôi quay lại bệnh viện xác minh coi có phải mất ở vị trí đó không, xem mình có nói thật không. Lần thứ ba lại gọi điện thoại, tôi nói thẳng: Gọi xuống trả điện thoại thì tôi xuống, chứ xuống làm việc tiếp tôi không xuống đâu” - anh T. cho hay.

Theo anh T., nhà anh ở Hóc Môn (đoạn gần Củ Chi), xuống trụ sở công an hơn 15 km. “Công an cứ gọi xuống làm việc mà không trả điện thoại. Tôi chán chả muốn lấy nữa” - anh T. nói.

Đó chỉ là hai trong rất nhiều vụ việc chúng tôi ghi nhận được khi hỏi ý kiến người dân tại sao bị mất tài sản nhưng không đến công an trình báo. Thậm chí có những người chấp nhận thỏa hiệp với tội phạm, đi chuộc lại tài sản của mình.

Cần nhanh chóng trả tài sản cho nạn nhân

Theo Bộ luật Tố tụng hình sự hiện hành, trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử, cơ quan, người có thẩm quyền có quyền trả lại ngay tài sản đã thu giữ, tạm giữ nhưng không phải là vật chứng cho chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp tài sản đó. Người có thẩm quyền có quyền trả lại ngay vật chứng cho chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp nếu xét thấy không ảnh hưởng đến việc xử lý vụ án và thi hành án...

Thực tế nhiều vụ cướp giật, sau khi thu hồi tang vật là tiền, điện thoại... thì công an nhanh chóng trả lại cho bị hại nhưng cũng nhiều trường hợp bị tạm giữ không cần thiết.

Đành rằng trong các vụ án xâm phạm sở hữu thì việc giám định giá trị tài sản để xử lý người phạm tội là yêu cầu bắt buộc nhưng trong các vụ cướp giật, thường giá trị tài sản không quá 50 triệu đồng để định khung hình phạt. Vì vậy, sau khi thu hồi tang vật cần nhanh chóng trả lại tài sản cho nạn nhân vì việc trả lại tài sản ít ảnh hưởng đến xử lý vụ án và thi hành án.

Việc sớm trả tài sản cho người dân còn giúp họ hợp tác hơn với cơ quan điều tra, tạo lòng tin trong nhân dân. Phần nữa, trả sớm để tránh hư hỏng, mất mát...

Một trinh sát hình sự Công an TP.HCM 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm