GDP quý I tăng cao nhất 10 năm qua
Tổng cục Thống kê vừa công bố chỉ số kinh tế vĩ mô quý I-2018. Theo đó, tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý I ước tính tăng 7,38% so với cùng kỳ năm trước, đây là mức tăng cao nhất của quý I trong 10 năm gần đây.
Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 4,05%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 9,70%; khu vực dịch vụ tăng 6,70%,…
Bên cạnh đó, Tổng cục Thống kê cũng công bố chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3. Cụ thể, CPI tháng 3 giảm 0,27% so với tháng 2-2018; tăng 0,97% so với tháng 12 năm trước; CPI bình quân ba tháng đầu năm 2018 tăng 2,82% so với cùng kỳ năm trước.
Trước đó, ngày 27-3, tại cuộc họp Ban chỉ đạo điều hành giá, Bộ Tài chính đã chỉ ra nguyên nhân tăng CPI trong quý I-2018 là do nhu cầu gia tăng tiêu dùng trong dịp Tết và lễ hội đầu năm, giá cả các mặt hàng thiết yếu thế giới tăng trở lại như nhiên liệu, chất đốt, sắt thép,... gây áp lực lên mặt bằng giá trong nước.
Cùng với đó, việc giá khám chữa bệnh không thẻ BHYT tăng 34,19% làm CPI tăng chung khoảng 1,32%, giá dịch vụ giáo dục tăng 7,38% làm CPI tăng 0,38%, giá điện sinh hoạt tăng 6,08%,... cũng là nguyên nhân tác động đến chỉ số CPI.
Ở chiều ngược lại, trong ba tháng đầu năm cũng có nhiều nguyên nhân kiềm chế tốc độ tăng CPI là giá thịt heo, giá rau tươi, viễn thông, giá khí giảm so với đầu năm trước. Tuy nhiên, Bộ Tài chính cho biết từ nay tới cuối năm cũng xuất hiện một số yếu tố gây sức ép lên mặt bằng giá, đó là tám địa phương sẽ điều chỉnh giá khám chữa bệnh đối với người không có thẻ BHYT, dự kiến điều chỉnh chi phí quản lý vào giá dịch vụ y tế,...
Điều hành ổn định giá điện
Từ tính toán trên, Ban chỉ đạo điều hành giá đã xây dựng ba kịch bản cho điều hành giá, dựa trên các kịch bản điều chỉnh giá các mặt hàng. Theo đó, dự báo CPI bình quân cả năm 2018 sẽ tăng ở mức 3,41%-3,55% và 3,9%, dưới chỉ tiêu Quốc hội giao tăng lạm phát 4% cho năm 2018.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban chỉ đạo điều hành giá, cho rằng với kinh nghiệm trong quản lý, phối hợp điều hành của các bộ, ngành đối với giá cả các mặt hàng, Chính phủ tin tưởng sẽ hoàn thành nhiệm vụ kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đặt ra.
Từ đó, Phó Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước điều hành lạm phát cơ bản linh hoạt, kiểm soát tín dụng về cơ cấu và chất lượng, cung tiền, tiếp tục biện pháp trung hòa ngoại hối thu được từ nước ngoài, cổ phần hóa bán vốn nhà nước.
Đặc biệt, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Tài chính tiếp tục điều hành hiệu quả quỹ bình ổn xăng dầu, ổn định thị trường xăng dầu trong nước, công bố giá cơ sở của xăng A95 trong tháng 4-2018, xây dựng chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng E5 để khuyến khích tiêu dùng; điều hành ổn định giá điện trong năm 2018.