Công khai sai phạm của nhiều 'ông lớn' nhà nước

Agribank sai phạm trong huy động vốn, cho vay

Theo Kiểm toán Nhà nước, cơ quan này đã thực hiện kiểm toán năm 2012 tại NHNN, VDB và 3 ngân hàng thương mại là Vietcombank, Vietinbank, Agribank. 

Kết quả, ngoại trừ Agribank thì các ngân hàng đều đáp ứng tỷ lệ đảm bảo an toàn trong hoạt động của TCTD, tỷ lệ sinh lời trên 75% và tốc độ tăng huy động vốn trên 10%.

Tuy nhiên, hiệu quả đầu tư tài chính của các NHTM thấp, nhiều khoản đầu tư bị suy giảm giá trị, đầu tư vào một số đơn vị kinh doanh thua lỗ không bảo toàn được vốn. 

Đáng chú ý, cả 3 ngân hàng nhà nước là Vietcombank, Vietinbank, Agribank đều huy động vượt trần lãi suất.

“Các ngân hàng này đều huy động vốn của Bảo hiểm Xã hội bằng hình thức vay phù hợp với Luật Bảo hiểm Xã hội nhưng không đúng quy định của Luật các TCTD và chưa điều chỉnh sang hợp đồng tiền gửi theo chỉ đạo của NHNN, dẫn đến huy động vượt trần lãi suất”, báo cáo Kiểm toán Nhà nước nêu rõ.

Cụ thể, số tiền lãi huy động vượt trần của Agribank là 10,57 tỷ đồng; Vietcombank là 25,56 tỷ đồng; Vietinbank là 30,79 tỷ đồng.

Ngoài ra, báo cáo Kiểm toán cũng cho thấy, nợ xấu toàn hệ thống tăng nhanh, tỷ lệ nợ xấu tại ngày 31/12/2012 của các NHTM được kiểm toán đều tăng so với 31/1/2/2011 và đến 30/06/2013, tỷ lệ nợ xấu của 2/3 NHTM tiếp tục tăng so với thời điểm 31/12/2012. 

Nợ có khả năng mất vốn của 2/3 NHTM chiếm tỷ lệ nợ lớn trên tổng nợ xấu. Nếu tính cả nợ được cơ cấu lại theo quyết định 780/QĐ-NHNN ngày 23/4/2012 thì 2/3 NHTM có tỷ lệ nợ xấu vượt quá mức an toàn theo quy định của NHNN. 

EVN phản ánh sai doanh thu 

Báo cáo của Kiểm toán Nhà nước công bố ngày 25/7/2014 cho biết trong số 242 đơn vị thuộc 27 tập đoàn, tổng công ty được kiểm toán, hầu hết các doanh nghiệp đều phản ánh không đúng doanh thu.

Dẫn chứng cụ thể là trường hợp của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Kiểm toán Nhà nước khẳng định “EVN đã khai doanh thu không đúng”.

Cụ thể, Công ty mẹ EVN đã nâng giá mua điện tại hai nhà máy điện là Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Nhiệt điện Uông Bí và Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Nhiệt điện Cần Thơ với tổng số tiền là 865,8 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, EVN còn giảm giá bán điện cho 5 tổng công ty điện lực trong ngành với số tiền là 1.717 tỷ đồng để hỗ trợ bù lỗ cho các đơn vị này.

Ngoài ra, EVN không đăng ký tiêu thức phân bổ, phân bổ không đúng tỷ lệ đối với khoản lỗ chênh lệch tỷ giá theo lộ trình tại phương án bán giá điện; Công ty mẹ EVN đầu tư vượt mức vốn điều lệ 21.312 tỷ đồng, trong khi hiệu quả đầu tư thấp.

Ngoài EVN, Kiểm toán Nhà nước cũng chỉ ra trường hợp của Công ty cổ phần Chi Thun thuộc Công ty Cao su Đăk Lăk bán hàng thấp hơn giá thị trường và cho trả chậm tiền hàng dẫn tới công ty liên kết của đơn vị này được hưởng lợi khoảng 6,9 tỷ đồng.

Về công tác quản lý vốn của các doanh nghiệp, báo cáo đánh giá nhiều tập đoàn, tổng công ty quản lý nợ phải thu chưa chặt chẽ dẫn tới nợ quá hạn, khó đòi lớn.

Cụ thể, Kiểm toán Nhà Nước chỉ ra số nợ quá hạn của Tổng công ty điện lực dầu khí thuộc Tập đoàn dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) lên tới 9.650 tỷ đồng. 

Ngoài ra, một số đơn vị cũng có số nợ lớn như: Công ty mẹ Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) còn số nợ hơn 2.314 tỷ đồng; Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 1 (Cienco 1) là trên 558 tỷ đồng; Tổng Công ty lắp máy Việt Nam (Lilama) khoảng hơn 482 tỷ đồng,...

Đáng chú ý, một số khoản nợ giữa tập đoàn vẫn ở mức lớn kéo dài nhưng chưa được giải quyết dứt điểm. 

Theo đó, tới 31/12/2012, EVN còn nợ PVN 12.651 tỷ đồng, Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) cũng chưa thanh toán cho PVN khoản ứng vốn trước đó là trên 229 tỷ đồng với thời hạn trả nợ từ quý 1 năm 2011…

Theo VTCNews

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới