Tại hội thảo “Bất động sản (BĐS) chuyển đổi số nhanh - Kiến tạo tương lai” diễn ra mới đây, nhiều chuyên gia đồng tình việc chuyển đổi số trong lĩnh vực địa ốc là xu hướng tất yếu, không thể đi ngược. Chuyển đổi số không còn là lý thuyết xa vời mà đã trở thành cuộc đua sống còn của doanh nghiệp (DN) Việt nói chung và DN BĐS nói riêng. Thời đại công nghệ số không còn là cá lớn nuốt cá bé mà là cá nhanh nuốt cá chậm, hay nói cách khác là tốc độ quyết định sự thành bại của một DN.
Thị trường bất động sản tại Việt Nam cần nhanh chóng chuyển đổi số để đẩy mạnh đà tăng trưởng. Ảnh minh họa: NHÂN CHÍNH
Việt Nam bắt đầu hòa nhịp
Các chuyên gia nhận định: DN dù muốn hay không đều sẽ chịu tác động bởi việc chuyển đổi số mạnh mẽ trong vài năm tới. Cùng với đó, mức độ cạnh tranh khốc liệt về sự đa dạng hóa sản phẩm, dịch vụ, việc tạo lập hệ sinh thái được xem là nước cờ chiến lược để gia tăng lợi thế cạnh tranh, tối ưu nguồn lực và chi phí trong việc nắm giữ khách hàng.
Để đón bắt xu hướng cách mạng công nghiệp 4.0, một số chủ đầu tư, sàn môi giới đã bắt đầu phát triển những sản phẩm BĐS gắn với tính năng thông minh. Đơn cử như Houze Group với hệ sinh thái từ sáu cộng đồng gồm: Cộng đồng mua bán BĐS, cộng đồng môi giới, cộng đồng cư dân phòng trọ, cộng đồng cư dân căn hộ, cộng đồng nhân viên văn phòng và cộng đồng đầu tư.
Tính đến thời điểm hiện tại, một trong những ứng dụng của Houze Group là House Map - công nghệ dành cho môi giới BĐS. Dù mới có mặt trên thị trường năm tháng nhưng ứng dụng này đã thu hút hơn 3.000 môi giới sử dụng như một công cụ chuyên dụng để làm việc. Đây cũng là môi trường kết nối hơn 1.000 cơ hội kinh doanh triển vọng, thiết lập mục tiêu đến năm 2021 sẽ cán mốc 10.000 nhà môi giới.
Chia sẻ tại hội thảo, TS Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính ngân hàng, cho biết chuyển đổi số trong lĩnh vực BĐS tại Việt Nam chậm hơn ít nhất năm năm so với thế giới. Từ năm 2015, thế giới đã ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI), công nghệ in 3D để thiết kế, đưa mô hình BIM (Building Information Modelling) vào thiết kế, thi công và giám sát xây dựng. Theo khảo sát của Hiệp hội Môi giới BĐS Mỹ (NAR) năm 2019, khi bắt đầu tìm mua BĐS, có tới 44% khách hàng tìm kiếm qua các kênh trực tuyến, chỉ có 17% tìm tới môi giới hoặc đại lý.
Theo số liệu khảo sát gần đây nhất của Công ty cung cấp dịch vụ BĐS KPMG, có 58% DN BĐS trên thế giới đã có chiến lược về chuyển đổi số, 23% đang chuẩn bị và 19% DN chưa có động thái.
Dữ liệu là tài sản của doanh nghiệp
Theo TS Lực, việc chuyển đổi số trong ngành BĐS giúp DN tăng trưởng, giảm chi phí, tăng doanh thu và đặc biệt là để đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Theo khảo sát của AppDirect.com, những DN vừa và nhỏ đã chuyển đổi giúp tiết giảm 27% chi phí hoạt động nhưng lại tăng doanh thu thêm 32%. Trong thời buổi dịch COVID-19 hoành hành, nếu những nhà phát triển BĐS biết nắm bắt nhu cầu của khách hàng, kết hợp nhanh chóng thay đổi công nghệ, thúc đẩy các chính sách kinh doanh một cách hợp lý thì có thể đẩy mức tăng trưởng lên đến 45%.
Đánh giá tác động của chuyển đổi số đối với ngành BĐS, TS Lực nhấn mạnh: Áp dụng công nghệ số giúp các bên đều được hưởng lợi. DN quảng bá sản phẩm rộng rãi với chi phí ít hơn. Thứ hai là khi đưa công nghệ thực tế ảo vào việc quảng bá sản phẩm sẽ giúp khách hàng khảo sát BĐS tốt mà không cần đến trực tiếp, bên bán cũng sẽ tăng tính hấp dẫn của BĐS hơn.
Được biết, hiện có tới 93% thế hệ trẻ hiện nay ở Mỹ tìm kiếm BĐS qua kênh website hoặc ứng dụng trực tuyến. Đặc biệt, trong ngành xây dựng có khoảng 41% công ty xây dựng trên thế giới sử dụng mô hình để thiết kế thi công và giám sát công trình.
Với vai trò là nhà đầu tư hoạt động trong lĩnh vực công nghệ, ông Hoàng Đức Trung, Giám đốc VinaCapital Ventures, chia sẻ: “Có rất nhiều mô hình khởi nghiệp liên quan đến chuyển đổi số. Thị trường số hóa trong lĩnh vực BĐS ở Việt Nam còn rất nhiều tiềm năng. Do đó, tùy thuộc vào nội lực, quy mô tài sản mà DN có thể tham gia vào lĩnh vực này theo nhiều cách khác nhau. Chẳng hạn như mua công nghệ từ bên ngoài, để nó hoạt động độc lập hoặc hợp tác với đối tác để cùng phát triển”.
Ông Phạm Lâm, nhà sáng lập Houze Group, thừa nhận trong cuộc chạy đua với công nghệ số thì ai sở hữu thông tin, dữ liệu càng nhiều sẽ càng giúp DN dễ tiếp cận hơn với nhu cầu của khách hàng. Tăng quy mô về khách hàng đồng nghĩa với việc gia tăng cơ hội chào bán sản phẩm thành công.
Đồng quan điểm dữ liệu là tài sản của DN, tuy nhiên TS Lực mở rộng thêm rằng cần phải xây dựng cơ sở dữ liệu của mình thành dữ liệu thông minh, nghĩa là phải làm sạch, làm đẹp nó. “Bởi dữ liệu mà không được làm sạch, không tạo ra giá trị thì dữ liệu đó chỉ là bãi rác mà thôi” - ông nói.
Số hóa dữ liệu để không thể làm giả
Tự động hóa một số quy trình, nghiệp vụ sẽ giúp DN tăng năng suất lao động. Đặc biệt là blockchain (chuỗi khối cơ sở dữ liệu) là cực kỳ quan trọng đối với việc lưu trữ thông tin. Tương lai không xa, giấy chứng nhận sở hữu BĐS của người dân cũng có thể được lưu trữ trên blockchain, như vậy không ai có thể tác động vào để thay đổi làm giả, làm sai lệch thông tin được. Điều này giúp những giấy tờ quan trọng trở nên cực kỳ an toàn, bảo mật và minh bạch. Hay như sử dụng hợp đồng thông minh trên nền tảng công nghệ blockchain thì không ai có thể thay đổi được, không cần công chứng. |