Đến dự có nguyên Bí thư Thành ủy TP.HCM Lê Thanh Hải, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Tất Thành Cang, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong, cùng nhiều lãnh đạo các sở ban ngành.
Công trình Đài tưởng niệm "Biệt động Thành đánh Đài Phát thanh Sài Gòn năm 1968" được xây dựng tại Đài Tiếng nói Nhân dân TP (số 3 Nguyễn Đình Chiểu, phường Đa Kao, Quận 1).
Các đại biểu chụp hình lưu niệm bên Đài Tưởng niệm “Biệt động Thành đánh Đài Phát thanh Sài Gòn năm 1968”.
Công trình được thực hiện từ năm 2017 - 2018. Sau khi di dời tượng “Biệt động thành đánh Đài phát thanh Sài Gòn” cũ được xây dựng bằng xi măng (vận chuyển đến nơi phục chế), tháo gỡ các công trình phụ trợ; đơn vị thi công đã tiến hành xây mới bệ tượng bằng bê tông cốt thép ốp đá granit, tịnh tiến vị trí bệ tượng 1m về hướng đường Nguyễn Đình Chiểu so với vị trí tượng cũ; xây dựng mới một số công trình phụ trợ. Riêng cụm tượng hai nhân vật được thay bằng chất liệu đồng.
Theo Giám đốc Đài Tiếng nói nhân dân TP Lê Công Đồng, trong quá trình triển khai thi công gói thầu xây dựng cũng như gói thầu kỹ thuật công trình "Biệt động Thành đánh Đài Phát thanh Sài Gòn năm 1968" đã nhận được sự hỗ trợ đóng góp ý kiến của Hội đồng nghệ thuật và Hội Kiến trúc sư TP. Đến nay, công trình đã hoàn thành theo đúng tiến độ, đạt chất lương cao về mặt kiến trúc, mỹ thuật.
Phát biểu tại buổi lễ, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM Huỳnh Văn Chúm cho biết, việc hoàn thành thêm công trình Đài Tưởng niệm “Biệt động Thành đánh Đài Phát thanh Sài Gòn năm 1968” tại Đài Tiếng nói Nhân dân TP không chỉ thể hiện lòng biết ơn sâu sắc đối với các chiến sĩ Biệt động Sài Gòn, Lực lượng vũ trang TP mà còn sự tuyên truyền thiết thực truyền thống yêu nước, tinh thần dũng cảm hy sinh vì độc lập tự do của dân tộc. Từ đó giúp thế hệ trẻ hôm nay không ngừng phấn đấu, xứng đáng với các thế hệ tiền nhân, xứng đáng với danh hiệu “TP Anh hùng”.
Đài Tiếng nói Nhân dân TP là nơi ghi dấu một chiến công oanh liệt của các chiến sĩ biệt động Sài Gòn - Gia Định. Rạng sáng ngày 31-1-1968 nhằm Mùng 2 Tết Mậu Thân, Đội 4 biệt động gồm 11 chiến sĩ đã anh dũng chiến đấu, sau mấy phút chiến đấu đã chiếm lĩnh và phá hủy Đài Phát thanh của chính quyền Sài Gòn. Sau một đêm chiến đấu dũng cảm, mười chiến sĩ của ta đã anh dũng hy sinh.