Theo hồ sơ, tháng 6-2010, vợ chồng bà Dung ký hợp đồng tín dụng với Handico để vay 7,5 tỉ đồng trong thời hạn 12 tháng. Để đảm bảo khoản vay, bà Dung thế chấp năm giấy đỏ. Sau đó, cho rằng bà Dung không thực hiện đúng nghĩa vụ trả nợ như cam kết trong hợp đồng, Handico khởi kiện yêu cầu tòa buộc bà Dung trả gần 4 tỉ đồng tiền nợ gốc còn lại và gần 3,5 tỉ đồng tiền lãi quá hạn tính đến thời điểm phiên tòa sơ thẩm được mở (tháng 4-2014).
Bà Dung đồng ý trả nợ gốc cho Handico nhưng không đồng ý trả lãi quá hạn. Theo bà Dung, ngày 27-10-2011, giữa vợ chồng bà, người liên quan (có tài sản đảm bảo) và nhân viên Handico có lập biên bản thỏa thuận phương án xử lý nợ, nêu rõ ngày 26-10, bà Dung sẽ trả cho Handico 3,5 tỉ đồng và phía Handico sẽ giải chấp một phần tài sản bảo đảm. Chậm nhất đến 27-11-2011, bà Dung sẽ thanh toán đầy đủ cho Handico. Nếu đến thời điểm này bà không có khả năng trả nợ thì sẽ tự nguyện giao tài sản bảo đảm còn lại để Handico bán đấu giá thu hồi nợ.
“Sau 27-11-2011, thấy mình không có khả năng trả hết nợ, tôi đã yêu cầu Công ty Handico thanh lý tài sản theo thỏa thuận nhưng công ty chậm trễ thanh lý. Đó là lỗi của công ty nên không thể tính lãi quá hạn trong việc chậm trễ trả nợ đối với tôi” - bà Dung nói tại phiên tòa phúc thẩm.
Phía Handico cho rằng biên bản thỏa thuận xử lý khoản nợ giữa bị đơn, người liên quan và nhân viên thu hồi nợ của công ty không có giá trị pháp lý vì không đóng dấu của công ty, không được lập từ người đại diện được công ty ủy quyền. Chủ tọa phiên phúc thẩm hỏi: “Vậy công ty có biết và phản đối biên bản thỏa thuận trên hay không?”. Đại diện Handico cho biết: “Có được nhân viên báo miệng nhưng không nắm rõ như thế nào nên không có văn bản phản đối”.
Luật sư của vợ chồng bà Dung tranh luận: Theo Nghị quyết 04/2003 của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao (hướng dẫn về hợp đồng kinh tế), trong trường hợp người ký kết hợp đồng không đúng thẩm quyền nhưng có các căn cứ cho rằng người có thẩm quyền biết mà không phản đối thì hợp đồng vẫn có giá trị pháp lý.
Theo tòa, dù đại diện Handico cho rằng biên bản thỏa thuận không có giá trị pháp lý vì không có con dấu và không được lập từ người đại diện theo ủy quyền của công ty, song theo hồ sơ thì có một số văn bản do phía Handico ban hành dù không có con dấu nhưng công ty vẫn thừa nhận. Hơn nữa, khi biết có biên bản thỏa thuận, công ty không phản đối, vẫn để nhân viên và một số trưởng, phó phòng làm việc với bị đơn để tiến hành thực hiện nghĩa vụ của các bên theo biên bản thỏa thuận. Từ đó, tòa phúc thẩm công nhận biên bản thỏa thuận xử lý nợ giữa các bên có giá trị pháp lý. Handico không xử lý tài sản kịp thời để thu hồi nợ theo thỏa thuận là lỗi của công ty nên việc công ty yêu cầu bị đơn trả gần 3,5 tỉ đồng tiền lãi quá hạn là không có cơ sở.
PHAN THƯƠNG