Vừa qua, liên tiếp các vụ tài xế trả tiền lẻ qua trạm thu phí nhằm phản đối một số dự án BOT nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận.
Đáng chú ý, tại những điểm nóng này, lực lượng cảnh sát giao thông (CSGT) luôn xuất hiện, thậm chí là có mặt 24/24 giờ. Nhiều người đặt câu hỏi chức năng và nhiệm vụ của CSGT là gì, họ có cần (hay được) can thiệp vào những cuộc phản đối của các tài xế này hay không?
CSGT ngăn tài xế dùng tiền lẻ?
Trong vụ tài xế phản đối trạm thu phí Cai Lậy kéo dài suốt nhiều ngày trong tháng 8, lãnh đạo CSGT Tiền Giang khẳng định lực lượng này có mặt nhằm phân luồng giao thông, xử lý các tình huống có thể xảy ra chứ không phải xử phạt việc các tài xế dùng tiền lẻ.
Thông tư 01/2016 của Bộ Công an quy định về sáu nhiệm vụ của lực lượng CSGT khi tuần tra, kiểm soát trên các tuyến giao thông đường bộ.
Thứ nhất, thực hiện chỉ đạo của Bộ Công an, Cục CSGT, giám đốc công an cấp tỉnh, trưởng phòng CSGT, trưởng công an cấp huyện; kế hoạch tuần tra, kiểm soát đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Thứ hai, bảo đảm trật tự, an toàn giao thông (ATGT) thuộc phạm vi tuyến đường, địa bàn phân công tuần tra, kiểm soát; phát hiện, xử lý kịp thời, nghiêm minh các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật.
Thứ ba, báo cáo, đề xuất cấp có thẩm quyền kiến nghị với cơ quan liên quan có biện pháp khắc phục kịp thời những sơ hở, thiếu sót trong quản lý nhà nước về an ninh, trật tự, ATGT đường bộ…
Thứ tư, hướng dẫn, tuyên truyền người tham gia giao thông chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật về giao thông đường bộ.
Thứ năm, tổ chức cấp cứu người bị nạn, bảo vệ hiện trường, giải quyết tai nạn giao thông theo quy định của pháp luật và của Bộ Công an; phối hợp tham gia tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ và khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra trên đường bộ.
Thứ sáu, phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ công an nhân dân đấu tranh phòng, chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật khác.
Như vậy, căn cứ vào sáu nhiệm vụ trên, việc CSGT có mặt tại các trạm thu phí nhằm phân luồng giao thông là đúng pháp luật.
Cảnh sát giao thông làm nhiệm vụ. Ảnh: TUYẾN PHAN
CSGT được trưng dụng thiết bị kỹ thuật
Về quyền hạn, CSGT được dừng các phương tiện đang tham gia giao thông đường bộ; kiểm soát phương tiện, giấy tờ của phương tiện cũng như của người điều khiển phương tiện.
Được xử lý các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, an ninh, trật tự, an toàn xã hội và các vi phạm hành chính trong các lĩnh vực quản lý nhà nước khác theo quy định.
Được áp dụng các biện pháp ngăn chặn và bảo đảm cho việc xử lý vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật; tạm giữ giấy phép lái xe, giấy đăng ký xe và giấy tờ khác có liên quan đến phương tiện, người điều khiển phương tiện hoặc những người trên phương tiện khi có hành vi vi phạm pháp luật, giấy tờ liên quan đến hoạt động vận tải để bảo đảm cho việc thi hành quyết định xử phạt.
Được trưng dụng các loại phương tiện giao thông; phương tiện thông tin liên lạc, thiết bị kỹ thuật khác của cơ quan, tổ chức, cá nhân sử dụng các phương tiện, thiết bị đó theo quy định.
Nếu người tham gia giao thông có nghi ngờ giả danh cán bộ công an thì phải báo cho công an các cấp để xử lý. Trong đó, số điện thoại 069 2342608 là đường dây nóng của Cục CSGT; đây cũng là số điện thoại tiếp nhận phản ảnh về CSGT làm sai quy trình, điều lệnh.
Phòng CSGT đường bộ - đường sắt (PC67) Công an TP.HCM đã đưa vào hoạt động hai số điện thoại đường dây nóng tiếp nhận thông tin 24/24 giờ. Trong đó, số điện thoại 0994.676.767 sẽ tiếp nhận giải quyết những phản ánh, kiến nghị của người dân về công tác xử phạt vi phạm hành chính của lực lượng CSGT; và số 069.3187.521 sẽ tiếp nhận phản ánh về cách cư xử của CSGT khi đang thi hành nhiệm vụ và các tin tức liên quan đến trật tự ATGT. |