Liên quan đến những lo ngại về việc thổi nồng độ cồn có thể lây nhiễm virus Corona, đại diện Cục CSGT cho biết đầu tháng 2-2020 vừa qua, Cục đã có công điện chỉ đạo lực lượng CSGT về việc xử lý vi phạm nồng độ cồn trong thời gian đang có dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng virus Corona mới gây ra.
Theo đó, C08 yêu cầu tất cả cán bộ CSGT khi thi hành nhiệm vụ cần bảo đảm vệ sinh tiệt trùng cho thiết bị đo, mỗi ống thổi chỉ sử dụng một lần và cho một tài xế. Sau khi sử dụng phải thu gom, xử lý theo quy định.
Các tài xế khi kiểm tra nồng độ cồn chỉ được thổi bằng ống thổi riêng biệt... Ảnh: BTP
...thay vì như trước đây là bước đầu thổi vào ống hình phễu (ảnh) để xác định định tính, nếu có nồng độ cồn thì mới đo tiếp bằng máy có ống thổi riêng biệt. Ảnh: MH
Trước đây, lực lượng CSGT vẫn sử dụng song song hai loại ống thổi hình ống và hình phễu. Ống thổi dạng hình phễu sẽ dùng để kiểm tra nhanh tài xế có sử dụng bia rượu hay không (định tính). Các tài xế sẽ cùng thổi vào một phễu ở đầu máy đo nồng độ cồn, không phải ngậm vào phễu mà thổi ở một khoảng cách nhất định.
Nếu máy báo không có nồng độ cồn, tài xế được nói lời cảm ơn và mời tiếp tục lưu thông.
Ngược lại, nếu phát hiện có nồng độ cồn, tài xế sẽ tiếp tục đo bằng ống thổi để xác định chính xác nồng độ cồn là bao nhiêu (định lượng). Căn cứ vào kết quả hiển thị trên máy đo, CSGT sẽ lập biên bản vi phạm theo quy định tại Nghị định 100/2019.
Theo Cục CSGT, với chỉ đạo trên, đồng nghĩa với việc lực lượng CSGT tạm thời sẽ không sử dụng ống thổi hình phễu nữa mà chỉ dùng ống thổi hình ống.
Việc kiểm soát, xử lý hành vi vi phạm nồng độ cồn vẫn được tiến hành bình thường.
Trước đó, Bộ Y tế có văn bản gửi Văn phòng Chính phủ ý kiến về việc sử dụng phương tiện kiểm tra nồng độ cồn trong khí thở đối với người tham gia giao thông.
Theo Bộ Y tế, việc kiểm tra nồng độ cồn trong khí thở đối với người tham gia giao thông có nguy cơ lây nhiễm các bệnh lây truyền qua đường hô hấp, đặc biệt là bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (nCoV) gây ra tương tự đối với các hoạt động, công việc giao tiếp thông thường khác của người dân.
“Đến nay trên thế giới và tại Việt Nam chưa có bằng chứng cho thấy sự khác biệt về nguy cơ lây nhiễm của các loại hình giao tiếp nêu trên” - Bộ Y tế khẳng định.
Do đó, việc tuân thủ các biện pháp phòng ngừa sẽ giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm. Các biện pháp phòng ngừa này gồm: Dùng riêng ống thổi cho từng người, sát khuẩn thiết bị đo, lực lượng làm nhiệm vụ tuân thủ đúng quy trình thao tác và người dân tuân thủ hướng dẫn của CSGT.