Cụ bà 83 tuổi gặp khó vì nhà không có lối đi

(PLO)- Cụ bà 83 tuổi đã sử dụng lối đi chung hơn chục năm qua, đến nay hàng xóm khóa lại, không cho đi…

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Phản ánh đến Pháp Luật TP.HCM, cụ bà Ngô Thị Hiếu (83 tuổi, ngụ phường 1, quận Gò Vấp, TP.HCM) thông tin về việc nhiều tháng qua, mỗi lần muốn ra vào nhà, cụ phải được hàng xóm cho phép và mở cổng mới ra vào được. Lý do bởi lối đi duy nhất hàng chục năm qua của cụ Hiếu đã bị hàng xóm khóa lại.

Muốn ra vào nhà phải xin phép hàng xóm

Theo trình bày của cụ Hiếu, hàng chục năm qua, cụ đã sinh sống ở căn nhà 98/31/3 Nguyễn Thượng Hiền, phường 1, quận Gò Vấp. Lối đi duy nhất ra vào nhà là đi trên đất của nhà cụ TTTC. Nhiều năm qua, gia đình cụ Hiếu và bà C vẫn sử dụng chung lối đi này.

Tuy nhiên gần đây, bà C không cho phép cụ Hiếu và gia đình tiếp tục sử dụng con đường này. Lý do là con đường nằm trên thửa đất mà bà C đã được cấp sổ hồng. Từ đó, bà C khóa cánh cổng ở lối đi chung, cụ Hiếu muốn ra vào phải liên hệ xin bà C mở khóa.

lối đi
Mỗi lần ra vào nhà, cụ Hiếu phải liên hệ nhờ bà C mở cửa. Ảnh: AN BÌNH

Sau khi tiếp nhận đơn phản ánh của cụ Hiếu, PV đã liên hệ bà C để tìm hiểu về vụ việc. Bà C cho biết phường đã giải quyết rồi, có gì ra hỏi phường.

PV liên hệ UBND phường 1, quận Gò Vấp thì cán bộ tư pháp của phường cho biết việc tranh chấp lối đi xảy ra từ năm 2022. Khi đó, bà C đã có đơn yêu cầu gia đình cụ Hiếu không được sử dụng lối đi trên phần đất được UBND quận Gò Vấp cấp sổ hồng cho bà. UBND phường cũng đã hai lần tổ chức hòa giải nhưng không thành, sau đó đã hướng dẫn các bên khởi kiện ra tòa.

Về thông tin lối đi hiện tại đã bị bà C khóa lại, làm cụ Hiếu không thể ra vào nhà, UBND phường cho biết sẽ kiểm tra lại thông tin này và tìm hướng xử lý.

Về thông tin lối đi hiện tại đã bị bà C khóa lại, làm cụ Hiếu không thể ra vào nhà, UBND phường cho biết sẽ kiểm tra lại thông tin này và tìm hướng xử lý.

“Phường đã kiểm tra và xác định lối đi này nằm trên khu đất đã được cấp sổ hồng cho bà C. Tuy nhiên, qua xác minh tại địa phương, chúng tôi cũng nhận thấy lối đi này đã tồn tại hàng chục năm qua. Thời điểm xảy ra tranh chấp, bà C vẫn để cụ Hiếu tự do ra vào bằng lối đi này. Cánh cổng cũng đã có từ rất lâu nên cũng không có cơ sở để phường yêu cầu tháo dỡ” - cán bộ tư pháp UBND phường 1 cho biết.

Mong chính quyền, bà C tạo điều kiện để có lối đi

Theo tìm hiểu của PV, một trong những vấn đề gây khó khăn khi xử lý vụ việc này là do cụ Hiếu không phải chủ khu đất mà cụ đang sinh sống hàng chục năm qua. Trong khi đó, về mặt pháp luật, đòi hỏi chủ thể yêu cầu xác lập quyền về lối đi phải là chủ sở hữu của bất động sản không có lối đi qua.

Theo hồ sơ vụ việc mà PV nắm được thì chủ khu đất được xác định là ông Nguyễn Ngọc Trứ, đã qua đời từ năm 2003. Trước đây, ông Trứ sinh sống tại khu đất này. Cụ Hiếu được ông Trứ cho đến ở và giúp ông trông coi nhà cửa. Sau khi ông Trứ qua đời vào năm 2003, cụ Hiếu tiếp tục sinh sống trên khu đất này. Từ đó đến nay không có tranh chấp với ai.

Ông Trứ không có vợ con, ông có tám anh em khác nhưng tất cả đều đã qua đời. Hiện TAND quận Gò Vấp chưa nhận được bất cứ yêu cầu nào về quyền thừa kế thửa đất trên từ những người là cháu ruột của ông Trứ. Do đó, khu đất này vẫn chưa có người sở hữu chính thức.

Trao đổi với PV, cụ Hiếu cho biết sau khi ông Trứ qua đời, cụ tiếp tục ở đây cho đến nay. Người thân còn lại của ông Trứ không ai có yêu cầu cụ trả lại đất.

Hiện cụ Hiếu chỉ mong muốn chính quyền cũng như gia đình bà C tạo điều kiện để cụ có thể ra vào nhà dễ dàng, sau này ra tòa xử, dù phán quyết thế nào thì cụ sẽ chấp hành theo.

Thỏa thuận về lối đi chung

Hiện nay, phần lối đi này đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp sổ hồng cho
bà C. Do đó, bà C có quyền khóa cổng trên phần đất thuộc quyền sử dụng của mình.

Về mặt lý, nếu cụ Hiếu là chủ sử dụng phần đất đang ở thì cụ có quyền yêu cầu bà C dành cho mình một lối đi trên phần đất của bà C. Đổi lại, cụ Hiếu phải thỏa thuận và bồi thường cho bà C phần thiệt hại tương ứng với phần đất sử dụng làm lối đi theo Điều 254 BLDS.

Về mặt tình, cụ Hiếu hoàn toàn có thể ngồi lại với bà C để thỏa thuận về lối đi này.

Luật sư TRƯƠNG NGUYỄN CÔNG NHÂN, Đoàn Luật sư TP.HCM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm