Ngày 16-10, tổ công tác của Thủ tướng đã kiểm tra bốn bộ: Tài chính, KH&ĐT, GTVT, TT&TT về cắt giảm, đơn giản hóa các thủ tục, điều kiện kinh doanh.
Phần thảo luận nóng nhất liên quan đến việc sửa đổi Nghị định 86/2014 về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô.
“1 năm đến sở 52 lần còn thời gian đâu làm việc nữa”
Liên quan đến xử lý vi phạm, Bộ trưởng-Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho rằng dự thảo đưa ra quy định nếu bảy ngày liên tục vi phạm thì thu hồi phù hiệu. Vậy vi phạm sáu ngày, ngày thứ bảy nghỉ, ngày thứ tám vi phạm thì xử lý như thế nào. Quy định như thế là tạo kẽ hở.
Hay quy định về thời gian của phù hiệu tăng cường cuối tuần là “không quá ba ngày”. Như vậy, mỗi năm doanh nghiệp sẽ phải chạy đến Sở GTVT tới 52 lần để xin cấp phù hiệu tăng cường dịp cuối tuần. “52 lần đến sở một năm thì còn thời gian đâu mà làm việc nữa” - ông Dũng nói.
Bộ trưởng Dũng nói tiếp trong dự thảo nghị định mới của Bộ cho thấy chỉ áp dụng phần mềm trong quản lý với vận tải du lịch và xe hợp đồng; còn kinh doanh vận tải tuyến cố định, xe buýt, xe taxi thì không áp dụng công nghệ.
Phát biểu sau đó, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam Nguyễn Công Hùng cho rằng dự thảo nghị định thay thế Nghị định 86/2014 mà Bộ GTVT vừa trình Chính phủ có nhiều lỗ hổng; không thể xử lý được nạn xe dù, bến cóc và xe hoạt động trá hình nhằm lách luật, trốn thuế.
Theo ông Hùng, Luật Giao thông đường bộ quy định năm loại hình vận tải, cần áp dụng công nghệ đối với cả năm loại hình chứ không thể chỉ quy định áp dụng đối với hai loại hình vận tải hợp đồng và du lịch như dự thảo hiện nay. “Đây là điều bất hợp lý, không công bằng, trái với chỉ đạo của Thủ tướng” - ông Hùng nhấn mạnh.
Trên thực tế, do nước ta chưa áp dụng phần mềm quản lý vận tải tự động nên các lực lượng chức năng không thể kiểm tra, giám sát, xử lý được các vi phạm. Đồng thời các doanh nghiệp vận tải và người lái xe cũng không tự giác chấp hành pháp luật, thậm chí có tình trạng tiêu cực, bảo kê cho vi phạm, hoạt động nhập nhèm nhằm thu lợi bất chính, gây mất an toàn giao thông.
Ông Hùng dẫn chứng: “Rất nhiều vụ tai nạn nghiêm trọng đã xảy ra do phương tiện và người lái xe không chấp hành nghiêm pháp luật. Điển hình như vụ xe chở khách hoạt động chui, gây tai nạn làm 13 người thiệt mạng tại Quảng Nam vào tháng 7-2018 vừa qua”.
Mặt khác, quản lý bằng công nghệ là điều kiện tiên quyết để gỡ bỏ rất nhiều thủ tục, điều kiện kinh doanh vận tải, đón đầu và bắt nhịp với cách mạng công nghiệp 4.0. “Theo chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ GTVT đã cử các đoàn cán bộ đi nghiên cứu, học tập ở các nước nhưng không hiểu tại sao lại không áp dụng. Điều này khiến dư luận nghi ngờ có sự thiếu khách quan, cố tình tạo kẽ hở trong xây dựng chính sách vì lợi ích nhóm” - ông Hùng gay gắt.
Sợ “thủ kho to hơn thủ trưởng”
Điều 21 dự thảo thay thế Nghị định 86/2014 quy định doanh nghiệp, hợp tác xã khai thác tuyến cố định “thực hiện ký hợp đồng với bến xe khách để tổ chức khai thác tuyến”.
Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam Nguyễn Công Hùng cho rằng nếu quy định như vậy sẽ không còn vai trò giám sát của quản lý nhà nước nữa. Điểm này cố tình tạo điều kiện để bến xe độc quyền, gây khó khăn cho doanh nghiệp, quay trở lại tình trạng cách đây 15 năm “thủ kho to hơn thủ trưởng”. Bến xe cũng chỉ là doanh nghiệp, không có chức năng quản lý nhà nước ngành GTVT.
Ông Hùng cũng cho rằng đối với taxi hiện nay đang có một số ý kiến cố tình đánh tráo khái niệm cho rằng ô tô chở khách hoạt động kiểu Uber, Grab không phải là taxi mà là xe hợp đồng điện tử. Thực tế, Tòa án Công lý châu Âu, ý kiến của Bộ Tư pháp cùng các chuyên gia đều khẳng định thực chất đây là taxi điện tử.
“Có ý kiến rằng nếu coi Uber, Grab là taxi kìm hãm sự phát triển của khoa học công nghệ là rất vô lý. Vì việc quy định cả taxi truyền thống và taxi công nghệ đều là taxi là đúng bản chất, bảo đảm dễ quản lý và bình đẳng các nghĩa vụ, trách nhiệm. Còn anh nào ứng dụng công nghệ tiên tiến thì anh đó sẽ có lợi nhuận cao hơn” - ông Hùng kết luận.
Tuy vậy, ông Tạ Long Hỷ, Chủ tịch Hiệp hội Taxi TP.HCM, đồng tình với dự thảo về định danh các đơn vị vận tải. Theo đó, nếu cung cấp phần mềm, cho thuê phần mềm đơn thuần, không can thiệp vào quá trình vận tải thì chỉ là đơn vị cung cấp phần mềm. “Nếu anh tham gia vào việc định giá cước, thu tiền, phân phối lợi nhuận, thậm chí bỏ hàng chục tỉ để khuyến mãi sản phẩm vận tải thì không thể nói anh là đơn vị cung cấp phần mềm được mà là kinh doanh vận tải” - ông Hỷ nói.
Về hoạt động taxi, theo ông Hỷ, các xe chở khách chín chỗ trở xuống, kết nối qua phần mềm hoặc không kết nối qua phần mềm nhưng trong nội đô, nội thị và tính chất, bản chất giống nhau thì coi là taxi.
Trước đó, Grab luôn tuyên bố mình chỉ là một hãng cung cấp dịch vụ phần mềm hỗ trợ vận tải. Nhiều chuyên gia cũng cảnh báo nếu Bộ GTVT quá siết dịch vụ gọi xe sẽ kìm hãm sự phát triển và đưa loại hình này về sân chơi giống taxi truyền thống.
Phát biểu tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông chỉ nói ngắn gọn: “Việc sửa Nghị định 86 rất phức tạp. Bộ sẽ tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện dự thảo trình Chính phủ ban hành”.
“Không gọi điện thoại hẹn trước, đừng hòng gặp được” Bộ trưởng-Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng nhấn mạnh năm 2018 đã đi qua 4/5 chặng đường, song còn nhiều cái đã hứa nhưng không làm được. “Vẫn còn đến 2.277 điều kiện kinh doanh đã lên phương án chưa cắt giảm được, thuộc trách nhiệm của các bộ Tài chính, TT&TT, GTVT, Khoa học và Công nghệ, Y tế, Tư pháp” - Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhấn mạnh. Bộ trưởng đưa ra nhiều ví dụ. Chẳng hạn quy định xe phải có phù hiệu và khi cấp phù hiệu doanh nghiệp cứ phải lên Sở GTVT, mặc dù “khi lễ, Tết đông khách thì không cần bảo nhà xe cũng chạy, còn khi không có khách thì có phù hiệu xe cũng không chạy”. Và thực tế khi lên Sở xin phù hiệu thì “không gọi điện thoại hẹn trước, đừng hòng gặp được”. Một ví dụ khác, Bộ trưởng cho biết khi ông còn công tác ở địa phương, chính quyền có chủ trương mở các chuyến xe để vận chuyển công nhân từ nơi ở đến khu công nghiệp. Nhưng Sở GTVT nói rằng phải có tuyến. “Phải có tuyến là như thế nào? Tuyến xe buýt sao cứ phải 100 km. Thế từ nơi ở đến khu công nghiệp chỉ có 80 km thì không cho chạy à?” - Bộ trưởng đặt vấn đề. |