Củ hành, củ tỏi cũng phải ghi rõ "quê"

Hầu hết rau củ quả trên thị trường không được thông tin rõ ràng về xuất xứ. Người tiêu dùng nhận biết xuất xứ bằng kinh nghiệm, cảm nhận, không tránh khỏi băn khoăn.

Khi ăn mới biết

Bà Nguyễn Thanh Hà, Phó Giám đốc Chợ đầu mối Nông sản Thực phẩm Thủ Đức, cho biết có khoảng 1.500 tấn rau củ quả về chợ mỗi ngày. Hàng Trung Quốc trước đây chiếm khoảng 150 tấn (10%), nay chỉ khoảng 80 tấn. Hàng Trung Quốc có thể nhận biết bằng mắt thường, đặc điểm chung là to hơn và đẹp hơn rau củ quả Việt Nam.

Về cải thảo, bà Hà cho biết cải thảo Trung Quốc về chợ đầu mối được bọc nylon bảo vệ bên ngoài. Cải to, trắng hơn, trông tươi hơn, bẹ cải rất sạch, không có đốm đen, đốm sâu ở kẽ, không bị dập hay úa lá ngoài. “Từ đầu tháng 3 đến nay không thấy cải thảo Trung Quốc về chợ nữa” - bà Hà cho biết.

Về thông tin hẹ Trung Quốc có thể nhiễm hóa chất sulphate đồng, bà Hà cho rằng hẹ không được dùng nhiều, có thể những người muối dưa giá có dùng hẹ thường xuyên nhưng số lượng không nhiều. Vì vậy hẹ trong nước cũng đã cung ứng đủ, không có hẹ Trung Quốc về chợ.

Củ hành, củ tỏi cũng phải ghi rõ "quê" ảnh 1

Người đi chợ khó phân biệt được xuất xứ các loại rau củ khi mua tại chợ. Ảnh: HTD

Chị Ngọc Hà (quận Bình Thạnh) cho biết chị để ý trên báo chí và nghe kinh nghiệm bạn bè để tránh mua phải hàng Trung Quốc nhưng cũng khó phân biệt. Chị cho biết: “Cà rốt Trung Quốc to mập, láng bóng. Cà rốt Lâm Đồng ốm, dài, nhiều nốt rễ sần sùi. Tuy nhiên, hành nào Trung Quốc, hành nào Việt Nam thì tôi chịu. Có lần tôi chọn tỏi nhỏ, tép không đều, nghĩ là hàng Việt Nam nhưng mua về, lột ra ăn thấy hôi, mới nghĩ là mua nhầm hàng Trung Quốc. Giá như có bắt buộc ghi rõ nguồn gốc hàng thì tốt biết mấy”.

Phải ghi rõ nguồn

Hiện nay theo quy định về ghi nhãn hàng hóa tại Nghị định 89/2006 thì hàng hóa phải có nhãn hàng hóa. Ba loại thông tin bắt buộc phải ghi trên nhãn là tên hàng hóa, xuất xứ hàng hóa, tên và địa chỉ của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm. Tùy loại hàng mà phải ghi thêm các loại thông tin như hạn sử dụng, định lượng, hướng dẫn sử dụng…

Thế nhưng theo nghị định này, thực phẩm tươi, sống, thực phẩm chế biến không có bao bì và bán trực tiếp cho người tiêu dùng, nông sản, thủy sản, khoáng sản, vật liệu xây dựng là những loại hàng không bị bắt buộc ghi nhãn.

Do quy định này mà hiện nay trong các siêu thị cũng như các chợ, có rất nhiều nông sản không được ghi xuất xứ. Chỉ một phần nhỏ nông sản được đóng hộp, đóng túi nylon có ghi tên doanh nghiệp chịu trách nhiệm về sản phẩm và ghi xuất xứ rõ ràng là Việt Nam, nhập khẩu từ Hàn Quốc, nhập khẩu từ Trung Quốc…

Điều này dẫn đến một bất cập là người tiêu dùng muốn tránh rau củ quả Trung Quốc nhưng lại không biết chắc đâu là hàng Trung Quốc, đâu là hàng Việt Nam.

Một cán bộ quản lý về ghi nhãn hàng hóa cho biết quy định trên phù hợp với tập quán buôn bán hàng nông sản, tạo thuận lợi cho người bán lẫn người mua. Nếu yêu cầu đóng gói, có bao bì, có in nhãn hàng hóa thì sẽ khiến chi phí tăng lên. Thay vì phải đóng bao, in nhãn, ta cần thúc đẩy việc niêm yết giá tại chợ, siêu thị. Việc niêm yết giá hiện là bắt buộc, hình thức có thể đơn giản như một cái bảng giấy ghi rõ tên hàng, giá tiền, đặt ngay thùng nông sản. Khi niêm yết giá, yêu cầu phải ghi rõ tên hàng và xuất xứ, ví dụ “cà rốt Trung Quốc” rồi ghi giá bao nhiêu…

Tuy nhiên, cán bộ quản lý này cho rằng việc ghi xuất xứ cũng chỉ là phần ngọn giúp cho người tiêu dùng đỡ băn khoăn khi chọn hàng. Điều cần thiết là phải kiểm tra chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm đối với nông sản.

Đã kiểm, hai ngày nữa có kết quả

Sau khi báo chí thông tin, Chi cục đã lấy mẫu cải thảo tại Chợ đầu mối Nông sản Thực phẩm Thủ Đức để kiểm tra formaldehyde. Khoảng hai ngày nữa sẽ có kết quả công bố cho người dân biết.

Các loại cải bắp, cải bông, cải thảo Trung Quốc thường nhập khẩu vào Việt Nam khoảng tháng 11 đến tháng 3. Hiện nay nếu có thì cũng rất ít.

Ông NGUYỄN VĂN ĐỨC TIẾN, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật TP.HCM

QUỲNH NHƯ - TÚ UYÊN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm