Cử tri Đà Nẵng than phiền về các dự án ‘treo’ quá lâu

(PLO)- Nhiều ý kiến cử tri quận Ngũ Hành Sơn, TP Đà Nẵng phản ánh các dự án treo dai dẳng ảnh hưởng đến đời sống nhân dân.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sáng 27-4, đoàn ĐBQH đơn vị TP Đà Nẵng tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri quận Ngũ Hành Sơn nhằm chuẩn bị cho kỳ họp thứ năm, Quốc hội khóa XV.

Tại hội nghị, cử tri Phạm Văn Duy (phường Khuê Mỹ) kiến nghị Đảng, Nhà nước tiếp tục thực hiện có hiệu quả công tác phòng chống dịch COVID-19 để ổn định đời sống nhân dân, phục hồi kinh tế.

Cử tri quận Ngũ Hành Sơn bức xúc vì nhiều dự án treo dai dẳng. Ảnh: TẤN VIỆT

Cử tri quận Ngũ Hành Sơn bức xúc vì nhiều dự án treo dai dẳng. Ảnh: TẤN VIỆT

Ông Duy cho rằng, khi Luật Khám chữa bệnh có hiệu lực từ ngày 1-1-2024, bộ ngành liên quan cần ban hành ngay các nghị định, thông tư hướng dẫn nhằm tiếp tục tháo gỡ các bất cập liên quan đến đấu thầu trang thiết bị, vật tư y tế.

“Đây là điểm nghẽn lớn nhất hiện nay. Nếu không tháo gỡ được mà dịch COVID-19 bùng phát trở lại thì rất nguy hiểm”, ông Duy nói.

Nhiều cử tri quận Ngũ Hành Sơn quan tâm và bày tỏ bức xúc đối với các dự án “treo” dai dẳng trên địa bàn quận. Đơn cử như dự án Làng đại học, dự án Bá Tùng… gây ảnh hưởng rất lớn đến người dân.

Cử tri Nguyễn Ngọc Quý (phường Hòa Quý) cho hay, luật đất đai hiện hành có nhiều quy định về thu hồi đất triển khai dự án, nhưng chưa ràng buộc rõ ràng trách nhiệm của chủ đầu tư nếu để dự án chậm triển khai.

“Phải quy định rõ ràng là thu hồi đất giao cho doanh nghiệp làm dự án từ năm nào đến năm nào thì xong. Nếu dự án không thực hiện được thì có trả lại đất cho người dân không?”, ông Quý đặt câu hỏi.

Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH TP Đà Nẵng Trần Chí Cường. Ảnh: TẤN VIỆT

Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH TP Đà Nẵng Trần Chí Cường. Ảnh: TẤN VIỆT

Trả lời cử tri, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH TP Đà Nẵng Trần Chí Cường cho hay, Chính phủ đã kịp thời có Nghị quyết 30/2023 sửa đổi Nghị quyết 144/2022, tiếp tục thực hiện các giải pháp để đảm bảo thuốc, trang thiết bị y tế.

Chính phủ cũng ban hành Nghị định 07/2023 giải quyết các vướng mắc trong việc xử lý trang thiết bị y tế khi bị thu hồi số đăng ký lưu hành. Giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc hết thời hạn hiệu lực cũng được gia hạn từ ngày 1-1-2023 đến 31-12-2024.

“Hiện nay, việc tháo gỡ các vướng mắc cho ngành y tế cơ bản được đảm bảo. Luật Khám chữa bệnh có hiệu lực từ 1-1-2024 sẽ tạo sự đồng bộ, giúp các cơ sở y tế yên tâm hơn trong đảm bảo thuốc men, mua sắm vật tư y tế”, ông Cường nói.

Về dự thảo Luật đất đai sửa đổi, ông Cường cho hay, những bức xúc của người dân một phần do Luật đất đai hiện hành chưa bao quát hết được.

“Dự thảo lần hai chuẩn bị trình kỳ họp thứ năm, Quốc hội khóa XV đã tiếp thu rất nhiều ý kiến của người dân, đảm bảo hài hòa tiếng Đảng lòng Dân trong thực hiện Luật đất đai”, ông Cường cho hay.

Cũng theo ông Cường, một số nội dung trước đây còn mang tính định tính giờ đã được định lượng rõ ràng hơn liên quan đến bồi thường, giải tỏa, tái định cư. Những quy định mới sẽ giải quyết được bất cập trong thực tiễn.

Ngoài ra, những vướng mắc đất đai của Đà Nẵng liên quan các bản án, kết luận thanh tra cũng đang được TP nỗ lực tháo gỡ, kiến nghị đến các cấp Trung ương nhằm khơi thông nguồn lực cho TP.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm